Trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, các NĐT nhỏ lẻ cần tìm nơi trú ẩn ổn định và an toàn, không nên mạo hiểm với đồng vốn.

Các kênh đầu tư mà những người có vốn nhàn rỗi có thể xem xét là gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ.

Theo ông Thành, hiện nay có một thực tế là không ít người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu trở lên có khoản tiền để dành tương đối lớn, nhưng băn khoăn không biết bỏ tiền vào đâu để vừa bảo toàn, vừa sinh lời đồng vốn.

Nguyên nhân là hầu hết thị trường đầu tư truyền thống như TTCK, thị trường bất động sản, ngoại tệ và thậm chí cả thị trường vàng đều có xu hướng không rõ ràng và u ám, nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ không dễ dàng để đưa ra bất kỳ một quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào.

Tuy nhiên, đôi khi rủi ro của người này lại là cơ hội cho người khác, cũng như trong lúc thị trường trầm lắng, đi xuống lại là cơ hội để những người có nguồn vốn thực đầu tư dài hạn.

Quá trình đầu tư phải tính bằng năm và mỗi người khi lựa chọn thời điểm và thị trường đầu tư đều phải xem xét rất kỹ càng các biến số kinh tế như chỉ số lạm phát, xu hướng thị trường tiền tệ, xu hướng giá cả một số nguyên liệu cơ bản trên thế giới, cũng như động thái chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhận xét về các kênh đầu tư cơ bản tại Việt Nam hiện nay, ông Thành cho rằng, dù đã đi vào hoạt động trên 10 năm, nhưng trên TTCK Việt Nam hiện vẫn có từ 70% đến 80% là nhà đầu tư nhỏ lẻ, không nắm bắt được những khúc mắc của thị trường, thường hay mua bán theo cảm tính hoặc theo thông tin rỉ tai, tâm lý đám đông. Đây là nhóm nhà đầu tư dễ bị đưa vào “bẫy”, dẫn tới thua lỗ nặng nề. Đồng thời, trong thời điểm hiện nay, TTCK đang lao dốc không phanh, chưa tìm ra thông tin tích cực nào hỗ trợ, do vậy nhà đầu tư nhỏ lẻ nên thận trọng với việc tham gia TTCK, vì rủi ro quá lớn so với số vốn có hạn của mình.

Trong khi đó, đầu tư bất động sản có đặc điểm là cần nguồn vốn lớn, trong khi thanh khoản hiện khá èo uột. Nếu đầu tư vào thị trường này, khả năng “om” vốn là rất cao. Thực tế, nếu tính toán sức chứa của các đô thị mới, các dự án đã và đang triển khai, thì chắc chắn là cung sẽ vượt cầu. Bên cạnh đó, giá bất động sản đang ở mức cao và nguy cơ bong bóng là có thực.

Việc góp vốn kinh doanh trong thời điểm này cũng cần hết sức thận trọng. Các DN nếu vay quá nhiều vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất - kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn, bởi lãi suất quá cao. Lãi suất huy động của các ngân hàng được quy định là 14%/năm, nhưng thực tế cao hơn rất nhiều, khoảng 17 - 20%/năm; đồng thời, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm lên tới 26%/năm. Do vậy, với lãi suất cho vay vào khoảng 27 - 30%/năm thì rất ít DN có thể kiếm được lợi nhuận cao đến như vậy để trả lãi cho ngân hàng.

Do đó, theo ông Thành, trong thời điểm thị trường còn đang chưa rõ xu hướng như hiện nay, những người có vốn nhàn rỗi nên tìm nơi trú ẩn ổn định và an toàn, không nên mạo hiểm.

"Với lãi suất cao như hiện nay, chắc ăn nhất là gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng và mua trái phiếu của Nhà nước. Còn về dài hạn, nhà đầu tư cá nhân vẫn nên lựa chọn vào lĩnh vực nào an toàn nhất, chứ không nên tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, bởi lợi nhuận cao luôn tương ứng với rủi ro rất cao. Trong khi đó, các yếu tố như tiềm lực vốn, nguồn thông tin…, các nhà đầu tư đều kém thế so với nhà đầu tư tổ chức", ông Thành khuyến nghị.

Theo Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0