13/05/2013 7:37 AM
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ là khoản “vốn mồi”, trước khi các quỹ tín thác đầu tư có thể “hâm nóng” thị trường địa ốc vào cuối năm 2013.

Thời gian tới, sẽ có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường bất động sản đang đứng trước những cơ hội “vượt lên chính mình” khi các biện pháp hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ được các bộ, ngành chức năng triển khai rốt ráo.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện Thông tư quy định chính sách cho vay nhà ở và dự kiến sẽ ký ban hành trong vài ngày tới.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ được dành cho các đối tượng là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, đối tượng thu nhập thấp để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội cũng như các doanh nghiệp xây dựng các loại nhà ở này, với lãi suất thấp (6%/năm) và thời hạn dài (khoảng 10 năm đối với cá nhân, hộ gia đình và 5 năm đối với doanh nghiệp). Khoản tín dụng này được xem như “vốn mồi” cho thị trường bất động sản.

Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi ban hành Thông tư hướng dẫn việc chia nhỏ căn hộ và chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hồi cuối tháng 4/2013, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn tất Dự thảo Thông tư quy định về đối tượng và điều kiện được vay vốn để thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và mua, thuê nhà ở thương mại theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. “Dự thảo Thông tư này đã được đặt lên bàn Bộ trưởng Bộ Xây dựng”, ông Thiện cho biết.

Về phía doanh nghiệp, theo Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, thị trường bất động sản chỉ có thể thực sự ấm lại sau ngày 1/7/2013, sau khi Thông tư số 228/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực và định chế “Quỹ đầu tư bất động sản” chính thức đi vào hoạt động.

“Đây sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, cả cá nhân và tổ chức, tham gia thị trường bất động sản, bởi tính hấp dẫn của mô hình mày. Theo quy định, quỹ đầu tư bất động sản phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho nhà đầu tư. Với khung pháp lý điều chỉnh, giám sát chặt chẽ, thu nhập từ quỹ đầu tư bất động sản mang lại khá cao và ổn định, mức tăng trưởng giá trị tài sản trong dài hạn hấp hẫn hơn nhiều so với các loại quỹ cổ phiếu, trái phiếu. Thêm vào đó, cùng với quá trình tái cấu trúc chung của toàn bộ nền kinh tế, chắc chắn thị trường bất động sản Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều quỹ đầu tư trên thế giới trong thời gian tới”, ông Quyết phân tích.

Ủng hộ hình thức quỹ tín thác đầu tư bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) kiến nghị, Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản Mỹ năm 2008. Hai ngân hàng lớn là Freddie Mac và Fannie Mae sau khi sụp đổ do các khoản vay dưới chuẩn, Chính phủ Mỹ đã đứng ra giải cứu và biến chúng thành cơ quan của Chính phủ.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại tại Mỹ, sau khi phê chuẩn những khoản tín dụng bất động sản, có thể đóng gói lại rồi bán cho Freddie Mac và Fannie Mae. Hai tổ chức này sẽ phát hành trái phiếu, dùng thị trường vốn trên sàn chứng khoán để mua lại các tài sản của các ngân hàng, trả lại cho ngân hàng thương mại dòng vốn lưu động để tiếp tục vòng quay tiền tệ.

“Việt Nam nên cho phép thành lập những tổ chức tương tự Freddie Mac và Fannie Mae để tìm kiếm nguồn vốn dài hạn và giá rẻ cho thị trường bất động sản Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.

Ông Huỳnh Anh Dũng, giảng viên cao cấp thuộc Hội đồng Chuyên gia bất động sản Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam nên cởi mở hơn trong chính sách cho Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản. “Đó chính là một cách xuất khẩu hàng hóa bất động sản mà nhiều nước áp dụng”, ông Dũng nói.

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.