04/08/2010 9:32 AM
Nhiều ngân hàng đang mời doanh nghiệp tham gia các chương trình vay vốn giá rẻ, nhưng đi kèm là vô số điều kiện không dễ tiếp cận.
Vốn giá rẻ: không hiếm nhưng khó vay

Ngân hàng mời vay

Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) vừa quyết định giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN) nhưng đi kèm là các là các điều kiện về điểm xếp hạng tín dụng.

Theo đó, Habubank sẽ xem xét cho các DN xuất khẩu vay bằng ngoại tệ nếu có nguồn trả với lãi suất giảm từ 1,5%/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu vay bằng ngoại tệ nếu vay tại Habubank có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi tối thiểu là 5%/năm đối với USD và 13%/năm đối với VND.

Trong khi đó, từ 15/6, Maritime Bank đã giảm lãi suất cho vay bằng VND từ 0,5 - 1%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và giảm đến 1%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Các DN vay vốn có phương án kinh doanh hiệu quả được hưởng mức lãi suất ưu đãi quanh mức 14%/năm.

Không chỉ các ngân hàng trong nước, mới đây HSBC Việt Nam cũng hạ lãi suất cho vay tiền đồng xuống còn 12 - 13%/năm.

Trong thông báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thị trường đã có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, các ngân hàng Tiên Phong, Quân Đội, Á Châu… điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm đối với các khách hàng là DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa...

Không chỉ ưu đãi, các chương trình cho vay này được các ngân hàng tiếp thị đến từng DN cụ thể. Thậm chí, khi lên chương trình cho vay ưu đãi, các ngân hàng còn có sẵn DN khách hàng có đủ điều kiện trong dữ liệu sẵn có của mình để tìm cách cho vay.

Theo một chuyên gia ngân hàng, trong tình hình khó khăn về nguồn, nhưng các ngân hàng vẫn buộc phải kinh doanh để có lãi nên đã bằng nhiều cách đưa ra các chương trình để thu hút khách vay.

Khó ở điều kiện

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chương trình được coi là vốn ưu đãi cho DN được các ngân hàng áp dụng. So với mặt bằng lãi suất chung, lãi suất trên là khá rẻ cho DN. Tuy nhiên, liệu có dễ tiếp cận, khi mà các ngân hàng luôn đi kèm nhiều điều kiện. Điều này khiến cho vốn giá rẻ không ít, nhưng thực sự khó vay.

Để tiếp cận được vốn của Habubank, DN phải cung cấp đầy đủ thông tin để xếp hạng. Khách hàng được xếp theo các nhóm từ A đến AAA, từ B đến BBB… tương ứng mỗi nhóm sẽ được hưởng mức lãi suất giảm khác nhau. Việc xếp hạng này do chính Habubank chấm điểm.

Trong khi đó, ở HDBank, chương trình đi kèm các điều kiện kiểm soát khá kỹ về điều kiện tín dụng, sử dụng các dịch vụ đi kèm hay các cam kết huy động lại vốn từ DN khi có tiền nhàn rỗi.

Cụ thể, DN sẽ cung cấp các thông tin, sau đó dựa vào các tiêu chí đánh giá, HDBank sẽ cấp hạn mức tín dụng theo nhu cầu đối với từng doanh nghiệp, thời hạn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo các DN, không phải đơn vị nào cũng đạt được các yêu cầu này. Nếu đáp ứng được, thì đa số là DN lớn và đều đã là khách hàng thân thiết với ngân hàng, nên chuyện vay vốn chưa hẳn đã khó khăn.

Đại diện một DN nói, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, thì bản thân DN cũng đã có thể thỏa thuận vốn với ngân hàng mà không cần tới những chương trình ưu đãi. Những điều kiện này xem ra chỉ có lợi cho những DN lớn, DN có quan hệ tài chính tốt với ngân hàng.

Thực tế, một chuyên viên của ngân hàng HSBC đã cho biết, sau khi công bố giảm lãi suất cho vay, rất nhiều DN đã đến hỏi với kỳ vọng được vay vốn giá rẻ, nhưng không được như kỳ vọng vì không đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng đưa ra.

Thay đổi cách làm?

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, hiện đa số DN vẫn rơi vào tình trạng rất khó vay vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. DN nào vay được vốn thì phải chịu lãi suất cao, vượt quá khả năng chịu đựng của họ.

Trong khi khối này có tới hơn 400.000 đơn vị, chiếm 95% tổng số DN. Ngoài các nguyên nhân cố hữu như thiếu tài sản thế chấp, chưa minh bạch về tài chính, vốn tự có thấp… Thêm vào đó, các sản phẩm, nhất là thủ tục vay vốn của ngân hàng chưa được thiết kế phù hợp với đặc thù hoạt động của DN nhỏ và vừa.

Vì thế, ông Kiêm cho rằng, ngân hàng cũng cần có sự thay đổi. Các ngân hàng không chỉ dựa trên tài sản thế chấp khi cho vay, mà nên mở rộng hạn mức cho vay tín chấp khi DN có kết quả kinh doanh tốt, có uy tín trong thanh toán vốn vay.

Ông.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - chia sẻ, bản thân ngân hàng cũng cần nỗ lực đưa ra các sản phẩm mới phù hợp hơn cho DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, cần xem xét cho DN vay dựa trên cơ sở dòng tiền, phương án sản xuất - kinh doanh của họ, chứ không nên cứng nhắc dựa trên tài sản thế chấp, quy mô vốn của DN.

Nếu DN xuất trình được hợp đồng bán hàng cho các đối tác có uy tín, có thương hiệu lớn, khách hàng có khả năng thanh toán tốt, thì các ngân hàng nên căn cứ vào đó để linh hoạt cho vay với hạn mức hợp lý.

Cafeland.vn
theo Vietnamnet

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.