Tiến trình đàm phán thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam có thể mở đường cho hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) của EU vào Việt Nam tăng trở lại.

Nhà sản xuất xe máy Piaggio từ Italy và hãng điện thoại Nokia của Phần Lan là hai trong số những công ty thuộc EU đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Đây là thông tin mà Đại sứ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg. Theo ông Jessen, hôm nay (26/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ có cuộc gặp với Cao ủy thương mại EU Karrel De Gucht ở Brussels để công bố về cuộc đàm phán.

Việc các công ty từ EU quan tâm trở lại thị trường Việt Nam có thể chặn đà suy giảm của vốn FDI vào Việt Nam suốt từ năm 2008. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI cam kết vào Việt Nam đã giảm 26% trong năm 2011 so với năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI cam kết giảm thêm 32% do ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nỗ lực chống lạm phát của Việt Nam khiến tăng trưởng đi xuống. Trong quý 1 năm nay, GDP của Việt Nam chỉ tăng 4%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Ông Jessen cho rằng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể sẽ đảo ngược xu hướng giảm của vốn FDI vào Việt Nam, “vì nếu tiến trình đàm phán diễn ra nhanh chóng, các công ty sẽ điều chỉnh theo”.

EU là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam trong năm 2011, với vốn FDI cam kết đạt 1,77 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn cam kết vào Việt Nam năm ngoái - theo số liệu từ EU. Nhà sản xuất xe máy Piaggio từ Italy và hãng điện thoại Nokia của Phần Lan là hai trong số những công ty đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Jessen, các điều kiện đầu tư ở Việt Nam cũng sẽ là một chủ đề trong các cuộc đàm phán FTA giữa hai bên. Trong đó, minh bạch môi trường kinh doanh là một yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định của các công ty.

“Các công ty châu Âu hoạt động dưới các quy định ngặt nghèo về chống tham nhũng và đi theo những quy tắc rất chặt chẽ. Điều tôi muốn nói ở đây là nếu chúng ta muốn kích thích đầu tư vào Việt Nam, một trong những việc phải làm là đảm bảo một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh”, ông Jessen phát biểu.

Bên cạnh những vấn đề thương mại tự do mang tính “tiêu chuẩn” như giảm hàng rào thuế quan, thuận lợi hóa thương mại và thủ tục hải quan sẽ nằm trong số những lĩnh vực “thú vị” được đem ra đàm phán trong cuộc đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam, ông Jessen cho hay. Ngoài ra, bảo vệ quyền sở hữu cũng là một “vấn đề lớn” của cuộc đàm phán.

Ông Jessen cũng cho biết, EU có kế hoạch mở trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại Hà Nội và Tp.HCM vào năm nay và đầu năm tới để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, EU cũng sẽ mở các trung tâm tương tự ở Indonesia, Malaysia và Philippines.

Việt Nam là thành viên thứ ba của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia đàm phán FTA với EU, sau Singapore và Malaysia.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.