Sản phẩm nhựa Việt Nam xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia
Ngày 25/10 tại TP.HCM, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 7 (2023 - 2028), bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ mới và đề ra phương hướng hoạt động cho hiệp hội trong thời gian tới.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 7 (2023 - 2028)
Theo báo cáo của VPA, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trong 5 năm qua luôn đạt ở mức từ 12 - 15%/năm. Đến nay, các doanh nghiệp nhựa trong nước có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa như PVC, PP, PET, PS, PE với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm.
Quy mô ngành nhựa năm 2022 đạt trên 25 tỷ USD, xuất khẩu chiếm 22%. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là 2 mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng.
Kim ngạch xuất khẩu nhựa tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12 - 20%/năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực là bao bì, các loại tấm, phiến, màng nhựa; các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí, vải bạt tarpaulin.
Các sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật, Úc…
Theo VPA, ngành nhựa Việt Nam có sức cạnh tranh tốt và cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất ngành này còn nhiều, nhất là từ những Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là lợi thế lớn để gia tăng sản lượng xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam ở thị trường quan trọng này”, VPA nhận định.
70% nguyên liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu
Theo VPA, ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, trong nhiều năm qua máy móc thiết bị cũng nhập gần như 100% từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đức…
Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngành nhựa nội địa là “miếng bánh thơm” của nhà đầu tư ngoại
Theo VPA, cung cầu các nguyên liệu nhựa trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn cân bằng và giá nguyên liệu hóa thạch được dự báo sẽ ổn định hơn. Ngành nhựa Việt Nam kỳ vọng sẽ giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong những năm tới, nhờ sự cải thiện năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước.
Một số nhà máy trong nước như nhà máy hóa dầu Long Sơn, nhà máy hóa dầu Dung Quất, SCG và Nhà máy sản xuất nhựa Hyosung... có thể đáp ứng khoảng 30 - 40% nhu cầu nguyên liệu trong nước. Nếu năng suất tăng, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu nhựa của Việt Nam sẽ giảm xuống ở mức dưới 70% so với hiện nay.
"Miếng bánh thơm" của nhà đầu tư ngoại
VPA cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa sẽ vào khoảng 8,4% từ năm 2023 - 2028. Hiện tại ngành này đang sử dụng hơn 250.000 lao động, hơn 4.000 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.
Mức tiêu thụ nhựa trung bình của người Việt Nam ở khoảng 62kg/năm và sẽ tăng cao hơn bởi nhựa đang được ứng dụng rộng rãi cho nhóm sản phẩm sản xuất hàng hóa tiêu dùng và sản xuất công nghiệp trong cuộc sống.
Do nhu cầu lớn nên dù khó khăn của nền kinh tế trong nước nhưng theo VPA, doanh số của ngành này trong 9 tháng vừa qua vẫn có mức tăng trưởng hai con số (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dòm ngó đến doanh nghiệp Việt Nam.
“Ngành nhựa Việt Nam là miếng bánh thơm mà các doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại. Hiện nay, các doanh nghiệp từ châu Âu rất quan tâm, tiếp đến là Nhật Bản nhưng Thái Lan mua lại doanh nghiệp nhựa Việt Nam nhiều nhất”, VPA cho biết.
Theo VPA, việc doanh nghiệp nội địa phải bán mình do lãnh đạo doanh nghiệp là "thế hệ F1" bây giờ lớn tuổi mà "thế hệ F2" không theo nghề hoặc không có người kế thừa. Mặt khác, thị trường cạnh tranh gay gắt, lợi thế lợi nhuận không còn lớn như trước đây.
Đây là 2 nguyên nhân chính khiến một số doanh nghiệp nhựa phải bán mình cho nhà đầu tư ngoại. Xu hướng này có thể tăng trong thời gian tới.
-
Đại gia Thái Lan lãi lớn với thương vụ thâu tóm Nhựa Bình Minh
Không chỉ lãi lớn nhờ cổ phiếu BMP vượt đỉnh, Nawaplastic Industries, cổ đông lớn nhất của Nhựa Bình Minh còn “bỏ túi” hàng trăm tỉ đồng trong đợt chi trả cổ tức vào tháng 6 tới đây.
-
Công ty sản xuất nhựa lớn nhất miền Bắc với 3 nhà máy và 1.500 lao động báo lãi cao kỷ lục, có hơn nghìn tỷ gửi ngân hàng
Năm 2023, Nhựa Tiền Phong ghi nhận 5.176 tỷ đồng, giảm 9% song lãi sau thuế tăng 16,5% so với năm trước, đạt 559 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận năm cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết.
-
Cổ phiếu một công ty thép bất ngờ “tím lịm” 3 phiên liên tiếp sau thông tin hoán đổi cổ phần để cấn trừ nợ
Kết phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu của Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) dừng ở mức 5.810 đồng/cp với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh - mức thanh khoản kỷ lục trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu thép này....
-
Lý do đằng sau việc Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ xin lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ niên độ 2023-2024
Do cần thời gian đánh giá, dự liệu cẩn trọng kế hoạch kinh doanh trong tình hình thị trường đang có nhiều biến động khó lường, Hoa Sen xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tới ngày 18/3/2024....