Quán cà-phê lấn chiếm khoảng không gian công cộng của TTTM Hùng Vương.
Mặc dù các công trình này xây dựng không phép "hoành tráng", nhưng không có cơ quan nào xử lý, khiến người dân bất bình.
Vô tư lấn chiếm
Khảo sát tại các TTTM trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều xây dựng các công trình tạm, thậm chí kiên cố để lấn chiếm khoảng lùi, không gian công cộng. Điển hình như khu TTTM Hùng Vương Plaza (đường Hùng Vương, quận 5, TP Hồ Chí Minh) do Công ty cổ phần Hùng Vương làm chủ đầu tư, toàn bộ bốn mặt tiền của khu này đều được tận dụng để xây dựng ki-ốt cho thuê bán bánh trung thu, quán cà-phê, bánh ngọt... Những ki-ốt này được xây dựng bằng khung sắt, xây gạch khá kiên cố trên phần không gian công cộng của dự án. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Hùng Vương Lương Quang Hiển cho rằng, chỉ xin phép đăng ký kinh doanh chứ không có xin phép xây dựng vì đây chỉ là xây dựng bán kiên cố phục vụ cư dân. Ông Hiển cũng "cho rằng": Hầu hết các TTTM đều làm như vậy để tạo "sinh khí" cho dự án.
Lãnh đạo UBND phường 12, quận 5 cho biết: Cách đây gần nửa tháng phường có xuống kiểm tra, đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, giấy phép xây dựng những ki-ốt này nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp với lý do xây dựng trên phần đất của công ty nên không cần xin phép xây dựng (?).
Tại TTTM Diamond Plaza (phường Bến Nghé, quận 1), trong phần đất trống nằm ngay góc đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Văn Chiêm đã được chủ đầu tư "tận dụng" cho Highland thuê mở quán cà-phê khá hoành tráng. Quán được xây kiên cố tường gạch, khung sắt và lợp mái như một căn nhà hoàn chỉnh. Dọc hành lang trung tâm này phía đường Phạm Ngọc Thạch cũng được tận dụng kê hàng chục dãy bàn ghế. Hay TTTM Maximark trên đường 3-2 (quận 10), một diện tích lớn mặt tiền đường phía ngoài TTTM được chủ đầu tư là Công ty An Phong "nâng cấp" làm các các dãy ki-ốt cho thuê mở quán cà-phê, làm phòng bán vé xem phim...
Tương tự, phần đất thuộc khoảng lùi phía trước TTTM City Plaza, địa chỉ 230 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, ngoài việc tận dụng làm bãi giữ xe ô-tô, xe gắn máy, chủ đầu tư còn cho xây dựng một quán cà- phê tên Ara. Bên hông tòa nhà, chủ đầu tư còn cho xây dựng một kho kiên cố bằng khung thép, mái tôn, vách tôn. Cách đó không xa, tại TTTM NOWZON, số 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, ở hành lang phía mặt đường đang được đặt hàng loạt bàn ghế để bán cà-phê, giải khát. Không những vậy, tại khu vực này, chủ đầu tư còn cho xây thêm một ki-ốt để phục vụ chiếu phim 4D. Theo phản ánh của người dân địa phương, đây là những công trình mới xuất hiện sau khi tòa nhà chính đi vào hoạt động khá lâu.
Tại nhiều TTTM, các khu chung cư trên khác địa bàn thành phố cũng đã và đang tiến hành cơi nới để xây dựng các ki-ốt cho thuê thu lời...
Quản lý lỏng lẻo
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1 Phạm Hoài Quang, hiện trạng tại phần đất xây quán cà-phê Highland ở TTTM Diamond Plaza trước đây là một bức tường bằng vật liệu nhẹ. Cách đây khoảng ba tháng, chủ quán có xin phép UBND phường cải tạo, sửa chữa, thay mới vật liệu, không cơi nới, không làm tăng diện tích (?). Cũng theo ông Quang, muốn kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm về xây dựng, Chủ tịch UBND phường mới có thẩm quyền trực tiếp lập biên bản. Đồng thời, phải phối hợp với các lực lượng khác như Thanh tra xây dựng, Địa chính... chứ một mình phường không có thẩm quyền, không chủ động được.
Rõ ràng, đây là một bất cập rất lớn trong quản lý xây dựng hiện nay. Bởi vậy, nhiều khi chờ lên kế hoạch phối hợp, tập hợp đủ lực lượng thì công trình sai phép đã xây xong. Ngay cả đối với các đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng cũng gặp không ít cái khó, vì hầu hết nhân viên thanh tra địa bàn chưa phải là thanh tra viên mà chỉ là cộng tác viên nên không đủ thẩm quyền xử lý vi phạm.
Một cán bộ thanh tra địa bàn quận 1 cho rằng, thành phố phân cấp cho rất nhiều đơn vị. Vì vậy, việc kiểm tra phải xem lại thẩm quyền của đơn vị nào. Lãnh đạo các đội thanh tra xây dựng khác đều khẳng định không nắm được vụ việc. Thậm chí, có người còn cho rằng, khi nào bên UBND quận có giấy phép xây dựng đưa qua, thanh tra xây dựng dựa vào đó mới đi giám sát kiểm tra. Những công trình lắp ghép bằng khung sắt không cần phải xin phép xây dựng. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Xây dựng, trách nhiệm của thanh tra xây dựng là khi một công trình đang triển khai thì phải tiến hành kiểm tra xem có giấy phép hay không để xử lý theo thẩm quyền đã được quy định.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, về mặt nguyên tắc, các tòa nhà, TTTM khi thay đổi công năng, thì phải thông qua ý kiến của Sở Xây dựng. Đến nay, vẫn chưa có TTTM nào được cấp phép xây dựng các ki-ốt dạng này. Việc xây dựng các ki-ốt là rất nhạy cảm, không phải xin là được xây. Khoảng đất trống (khoảng lùi của dự án) tại các dự án này không thể xây, vì trong giấy phép xây dựng đã quy định cụ thể về khoảng lùi, mật độ xây dựng. Đây là phần đất công cộng, là không gian công cộng, đâu phải cứ có khoảng trống lại xây dựng công trình khác đè lên. Thậm chí, các công trình xây chen tại các TTTM, muốn xây dựng phải hỏi Sở Quy hoạch kiến trúc có phù hợp quy hoạch, đủ chỉ tiêu xây dựng hay không...
Theo các chuyên gia xây dựng, khi cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng đã tính đến mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, từ đó quy định chỗ nào được xây dựng cái gì, để xe ở đâu, lối đi bộ, công viên bố trí ở chỗ nào. Nay chủ đầu tư cơi nới, xây dựng thêm các công trình trên các khoảng đất trống như vậy sẽ mất đi khoảng không gian công cộng, lối đi lại cho mọi người, làm tăng mật độ dân số, hệ số sử dụng đất. Không những thế, nếu tòa nhà nào cũng cơi nới, xây dựng như vậy sẽ tạo tiền lệ không tốt cho vấn đề quản lý xây dựng...