18/03/2019 7:02 AM
Hơn 2,9ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (ở huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) đã bị huyện này “cấp nhầm sổ đỏ” cho dân địa phương canh tác. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh và huyện đều vướng nhiều vấn đề khó xử trong việc đòi lại đất rừng đặc dụng giao nhầm của khu bảo tồn này.

Đất rừng đã được huyện Đắk G’long cấp sổ đỏ cho người dân xã Quảng Sơn làm nhà, làm rẫy ở tiểu khu 1628

Canh tác trên đất cấm

Trên con đường đất tuần tra hơn 5km từ tỉnh lộ 6 (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) đi vào tiểu khu 1628 của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Nung, phóng viên chứng kiến có hàng chục hộ dân đã làm nhà, làm rẫy... Trong đó, hơn 2,9ha rừng đặc dụng của khu bảo tồn này đã bị ai đó chặt cây, cày xới đất để chuẩn bị trồng cây công nghiệp.

Hỏi một cán bộ lãnh đạo Khu BTTN Nam Nung đi cùng, ông này cho biết: Đất rừng đó trước đây thuộc lâm phần của Cty TNHH Lâm nghiệp Đắk N’Tao, nhưng đến năm 2011 thì tỉnh thu hồi giao về cho huyện Đắk G’long cấp sổ đỏ cho người dân.

Trong quá trình bàn giao đất có sai sót về mặt kỹ thuật, nên huyện cũng đã “cấp nhầm sổ đỏ” hơn 2,9ha rừng đặc dụng của khu bảo tồn cho một người dân địa phương.

Theo báo cáo của Khu BTTN Nam Nung, trong quá trình tuần tra vào năm 2017, kiểm lâm của khu bảo tồn đã phát hiện toàn bộ diện tích rừng trồng cao su (1,98ha) ở khoảnh 9, tiểu khu 1628 do đơn vị quản lý đã bị chặt hạ.

Bà Nguyễn Thị Nga (người đang sử dụng đất này) cho biết toàn bộ diện tích cao su nói trên do ông Nguyễn Xuân Hòa (người bán đất lại cho con bà Nga) chặt hạ để trồng cây khác.

Bà này còn cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã được UBND huyện Đắk G’long cấp cho ông Trần Văn Được vào ngày 15/9/2011. Sau đó, ông Được bán lại đất cho ông Hòa và cuối cùng ông Hòa bán lại cho ông Bùi Công Liêm (con bà Nga).

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Khu BTTN Nam Nung nhận thấy UBND huyện Đắk G’long đã cấp sổ đỏ hơn 2,9ha đất rừng đặc dụng tại khoảnh 9, tiểu khu 1628 ở xã Quảng Sơn do đơn vị này quản lý cho ông Nguyễn Xuân Hòa.

Diện tích này UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp sổ đỏ cho Khu BTTN Nam Nung vào ngày 8/1/2009, trong đó có 1,98ha rừng trồng cao su, 0,26ha rừng thường xanh nghèo và 0,75ha đất trống.

Đòi lại quá khó?!

Nhận thấy đất rừng đặc dụng do đơn vị mình quản lý đã bị UBND huyện Đắk G’long “cấp nhầm sổ đỏ”, vào ngày 5/7/2017 Khu BTTN Nam Nung đã có công văn gửi Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đề nghị xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý việc “cấp nhầm” này.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Khu BTTN Nam Nung, cho hay: “Khu bảo tồn đã có nhiều công văn báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng liên quan xử lý việc cấp sổ đỏ trên đất rừng đặc dụng do đơn vị quản lý.

Hiện chúng tôi đã đưa diện tích cấp nhầm hơn 2,9ha đất rừng đặc dụng vào kế hoạch trồng lại rừng. Vì thế, rất mong các cơ quan chức năng liên quan giải quyết sớm để chúng tôi thực hiện việc trồng lại rừng”.

Đến ngày 19/4/2018, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông tiếp tục có công văn đề nghị Sở TN&MT tỉnh có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử lý việc này để Khu BTTN Nam Nung trồng lại rừng trên diện tích đã bị “cấp nhầm sổ đỏ”. Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Sở TN&MT tỉnh tham mưu cho tỉnh giải quyết việc “cấp nhầm” này nhưng không hiểu sao họ không chịu giải quyết.

Phải làm rõ việc này để còn xử lý trách nhiệm những người liên quan khi vô cớ đi cấp sổ đỏ trên đất rừng đặc dụng”. Được biết, Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông hiện thời từng nhiều năm làm Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long trước thời điểm năm 2017.

Cấp sổ đỏ trái quy định hơn 370ha đất rừng

Vào năm 2011, UBND huyện Đắk G’long cũng đã cấp sổ đỏ 373ha đất rừng đã trồng cao su tại tiểu khu 1643, 1667 và 1657, thuộc lâm phần xã Quảng Sơn cho ông Nguyễn Văn Tân (ở TP Hồ Chí Minh) và Thái Bá Tuệ (ở tỉnh Gia Lai).

Diện tích rừng trồng cao su này được Công ty TNHH Lâm nghiệp Đắk N’Tao giao khoán trái quy định cho ông Tuệ và ông Tân vào năm 2006.

Đến năm 2011, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông lại tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi diện tích nói trên giao về cho UBND huyện Đắk G’long quản lý để cho ông Tân và ông Tuệ thuê lại với thời hạn 30 năm.

Công Hoan (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.