CafeLand - Trong một năm mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang trải qua sự suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam trở thành quốc gia hiếm hoi vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, lý do giúp nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển phần lớn nhờ vào sự nỗ lực trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Theo Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, cao hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á. Mặc dù có xuất phát điểm thấp hơn các quốc gia khác nhưng Việt Nam hiện đang đi theo con đường tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, những cường quốc hàng đầu châu Á.

Động lực chính cho thành công gần đây và tiềm năng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam nằm ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu cũng như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Xuất khẩu và tăng trưởng FDI

Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng ổn định trong một thập kỷ vừa qua. Những xu hướng thuận lợi có thể giúp ngành này tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt tổng cộng 66,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2018 và tăng tới 442% kể từ năm 2009, theo Bộ Thương mại Mỹ. Kể từ năm 2016, Việt Nam đã được hưởng lợi khi ngày càng có nhiều công ty chọn Việt Nam làm điểm đến tiềm năng. Thậm chí, đại dịch Covid-19 còn khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn khi nhiều chuỗi cung ứng lớn trên thế giới quyết định rời khỏi thị trường Trung Quốc.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh của mình ngay trong thời kỳ đại dịch. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoài vào quý 3 vừa qua.

Thành công gần đây của lĩnh vực xuất khẩu sẽ giúp tăng các nguồn vốn FDI. Gần đây, sự xuất hiện các tập đoàn lớn như Samsung hay Apple đã làm thay đổi bộ mặt của những vùng nông thôn tại Việt Nam, theo Bloomberg. Các công ty khác như Boeing và General Electric cũng đã tăng cường tìm nguồn cung ứng từ Việt Nam trong thời gian gần đây. Điều này sẽ giúp người lao động trong nước có thêm cơ hội việc làm.

Làm thế nào các nhà đầu tư có thể tận dụng các xu hướng vĩ mô tại Việt Nam? Thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường tương đối khó tiếp cận. May mắn thay, đã có một quỹ ETF dành cho các nhà đầu tư nước ngoài mang tên VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM).

Danh mục đầu tư

VNM hiện nắm giữ danh mục đầu tư gồm 27 cổ phiếu đang niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Tỷ lệ chi phí 0,66% được cho là hợp lý vì đây là quỹ ETF thuần túy duy nhất dành cho các nhà đầu tư Mỹ.

Danh mục đầu tư của VNM tập trung vào các ngành đã chứng minh được khả năng trong mùa đại dịch, trong đó, bất động sản là ngành chủ đạo, chiếm 28% danh mục đầu tư. Đứng sau là các ngành công nghiệp khác bao gồm công nghệ thông tin (21%) và tiêu dùng (15%).

Lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam hoạt động tốt trong suốt năm 2020. Do đại dịch Covid-19, các hoạt động xây dựng và mua bán gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, điều này lại giúp tăng giá trị các giao dịch. Công ty đầu tư Asia Frontier Capital có trụ sở tại Hồng Kông thống kê rằng nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại thị trường trong quý 3/2020.

Bất động sản từ lâu đã trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư phổ biến nhất tại Việt Nam. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây trên một website của Việt Nam cho thấy rất nhiều người có kế hoạch đổ thêm tiền vào lĩnh vực này.

Hiện nay, chưa có nhiều người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và cung ứng quan trọng. Đáng chú ý, tập đoàn Vingroup hiện đang nắm giữ cổ phiếu lớn nhất tại VNM, chiếm 9,4% danh mục đầu tư. Tiếp theo sau lần lượt là Vinhomes JSC và Nova Land Investment Corp khi chiếm lần lượt 6,8% và 6,4% danh mục đầu tư. Nắm giữ những cổ phiếu này thông qua quỹ ETF là một cách dễ dàng để tiếp cận với sự tăng trưởng trong tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam.

Kết luận

Đầu tư tại Việt Nam rẻ hơn khá nhiều so với những thị trường khác trong khu vực. Cổ phiếu trên thị trường bất động sản Việt Nam sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn trong những tháng tới khi sự ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19 tiếp tục được duy trì và xu hướng dịch chuyển của các chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu được tiếp tục.

  • Ngân hàng xoay xở ra sao trong vòng xoáy nợ xấu?

    Ngân hàng xoay xở ra sao trong vòng xoáy nợ xấu?

    Trong số 27 ngân hàng thương mại, có tới 8 ngân hàng lựa chọn cùng một phương án mang tính đánh đổi: "lỏng tay" hơn trong xử lý và dự phòng nợ xấu để chạy theo tăng trưởng lợi nhuận.

  • Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 ở mức 6%

    Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 ở mức 6%

    CafeLand - Quốc hội đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP 6% và chỉ số giá tiêu dùng đạt bình quân 4%.

  • Công khai 108 dự án không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất

    Công khai 108 dự án không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất

    Liên quan đến việc xử lý các dự án không thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm giai đoạn 2015 - 2019 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký Công văn số 4289/UBND-Đ giao UBND quận huyện tổ chức công khai 108 dự án với diện tích hơn 473 ha được điều chỉnh, huỷ bỏ trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất đã được UBND TP phê duyệt.

Anh Nguyễn (Seekingalpha)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.