Ảnh minh hoạ.
Căng thẳng trên thị trường bất động sản vẫn chưa dịu bớt
Trong báo cáo cập nhật cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, mặc dù không có "quy định chính thức" nào liên quan đến việc thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường bất động sản, cho vay bất động sản đã chậm lại rõ rệt từ quý 2/2022 do cho vay bất động sản thường là các khoản vay trung và dài hạn.
Theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 trở đi. Do đó, các ngân hàng sẽ phải chú ý nhiều hơn đến việc quản lý rủi ro thanh khoản và do đó sẽ không để dư nợ cho vay bất động sản tăng lên quá mạnh.
Ngoài ra, vì bất động sản có tỷ lệ rủi ro cho vay rất cao là 200% so với các lĩnh vực khác, nên các ngân hàng cũng đã và đang hạn chế cho vay bất động sản để bảo đảm an toàn vốn và chất lượng tài sản.
Khi nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá rủi ro đối với mỗi ngân hàng sẽ được thực hiện nhiều hơn, các ngân hàng có danh mục cho vay bất động sản cao sẽ khó thúc đẩy tăng trưởng cho vay trong năm 2023-2024, theo VnDirect.
Hiện cho vay mua nhà là mảng cho vay chính của VIB (chiếm ~46% danh mục), và đây là động lực giúp VIB cải thiện NIM trong 9 tháng đầu năm 2022.
Lãi suất vay mua nhà đã tăng mạnh từ nửa cuối 2022 và đạt ~12% cuối quý 3/2022 (so với mức ~10% năm ngoái). Tuy vậy, khi tín dụng vẫn hạn hẹp và việc phát hành trái phiếu ngày càng khó khăn, lãi suất vay mua nhà đã tiếp tục tăng mạnh và chạm mức 15-16% tính đến thời điểm này.
VnDirect cho rằng, bối cảnh lãi suất và giá nhà cao như hiện tại sẽ làm giảm nhu cầu mua nhà một cách đáng kể (thực tế điều này đã xảy ra). Tính đến đầu tháng 12/2022, VnDirect quan sát lãi vay mua nhà của các ngân hàng vốn nhà nước và ngân hàng tư nhân tăng mạnh, lần lượt 190 điểm cơ bản lên 11,1% và 250 điểm cơ bản lên 12,0%, so với mức cuối năm 2021, sau khi lãi suất huy động tăng trở lại. VnDirect cho rằng lãi suất huy động có thể tăng hơn 50 điểm cơ bản trong 2023, từ đó dẫn đến lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân có thể tăng lên 12,5-13%/năm trong 2023.
Theo đó, khả năng triển khai cho vay của VIB sẽ chậm lại. Mặt khác, với danh mục cho vay bất động sản lớn, VIB sẽ khó nhận được hạn mức tín dụng cao trong năm sau, theo VnDirect
VIB cho biết ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng hiện có và khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt mức 14,5% so với cùng kỳ.
Dự báo thận trọng trong năm 2023-2024 cho VIB
VnDirect dự báo, những trở ngại của ngành và sự giám sát chặt chẽ trên thị trường trái phiếu và bất động sản, tăng trưởng lợi nhuận ròng của VIB sẽ chậm lại trong giai đoạn 2023-2024. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đạt 10-15% trong 2023-2024 (tăng trưởng kép 2019-2021: 25%).
Hơn nữa, với môi trường lãi suất cao và căng thẳng thanh khoản tiếp diễn, rủi ro NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng sẽ hiện hữu. Do đó, VnDirect ước tính, tăng trưởng lợi nhuận ròng của VIB sẽ giảm tốc (15-18% trong 2023-24; tăng trưởng kép 2019-21: 40%).
Tuy vậy, về dài hạn, VnDirect cho biết vẫn ưa thích VIB với vị thế tốt trong xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Nhờ tập trung vào cho vay mua nhà và mua xe – 2 mảng có tiềm năng lớn hiện nay, VIB đã vươn mình và trở thành top 5 các ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất với NIM và ROE trung bình 2019-21 lần lượt là 4,1% và 29%.
-
9 tháng đầu năm 2022, VIB báo lợi nhuận trước thuế đạt 7.800 tỷ đồng
Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán cho 9 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%.