Nhân viên tín dụng của nhiều ngân hàng gần như ngồi chơi xơi nước, bởi rất hiếm khách hàng được vay vốn từ 12%/năm trở xuống. Còn mức lãi suất 14%-14,5%/năm thì quá cao nên chỉ có những người cần vốn cấp bách mới đề nghị giải ngân.
Hầu hết các ngân hàng huy động lượng tiền khá lớn nhưng cho vay đang gặp khó khăn.
Lãi suất cho vay VND còn cao, các quy định mới về tỉ lệ cho vay đối với nguồn vốn huy động sắp được áp dụng đang là những rào cản đầu ra của các ngân hàng.

Thi nhau kích cầu

Theo số liệu của NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến tháng 8/2010, huy động vốn VND tăng 16,3% nhưng cho vay VND chỉ tăng 5,8%.

Như vậy, so với 7 tháng đầu năm 2010, huy động vốn tăng thêm 0,3% nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng thêm 0,1%. Chênh lệch giữa huy động vốn và cho vay của 8 tháng đầu năm 2010 lên đến 11,3%, chứng tỏ đầu ra VND của các ngân hàngTM trên địa bàn TPHCM chưa thông thoáng.

Để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, gần đây, các ngân hàng ráo riết tìm đầu ra. Nhân viên nhiều ngân hàng liên tục gọi điện thoại mời chào khách hàng tiềm năng; phát tờ rơi vay vốn đến các khu dân cư, các trung tâm thương mại để thông tin, giới thiệu những chương trình tín dụng... Đồng thời, một số ngân hàng còn có động thái giảm lãi suất cho vay.

Đơn cử, Ngân hàng Á Châu cho vay vốn lưu động với lãi suất bằng 80% lãi suất thông thường. Ngân hàng Liên Việt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với người cầm cố sổ tiết kiệm xuống dưới 12%/năm. Tại Ngân hàng Phát triển Nhà TPHCM, doanh nghiệp được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất 11,5%/năm. Còn khách hàng vay vốn tại Ngân hàng HSBC để mua ô tô được hưởng lãi suất 0% cho tháng đầu tiên...

Đụng nhiều rào cản

Tuy vậy, một số cán bộ tín dụng của nhiều ngân hàng cho biết, họ gần như vẫn ngồi chơi xơi nước, bởi rất hiếm khách hàng được vay vốn từ 12%/năm trở xuống. Còn mức lãi suất 14%-14,5%/năm thì quá cao nên chỉ có những doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất kinh doanh cấp bách mới đề nghị ngân hàng giải ngân.

Trong khi đó, người có nhu cầu vay tiêu dùng, vay tiền mua, xây, sửa chữa nhà, mua phương tiện đi lại... vẫn chờ lãi suất cho vay giảm thêm vì lãi suất hiện tại của loại tín dụng này còn rất cao, thường từ 17%/năm trở lên.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, sở dĩ các ngân hàng đang bí đầu ra là do hoạt động tín dụng có quá nhiều rào cản.

Ví dụ, người đã có nhà ở muốn vay tiền mua nhà cho con sẽ được ngân hàng liệt vào đối tượng mua nhà kinh doanh, lãi suất cho vay rất cao nên không ai vay.

Mặt khác, các ngân hàng còn ứng phó với Thông tư 13 khi thời hạn hiệu lực của văn bản đã gần kề (ngày 1/10).

Theo đó, các khoản tiền gửi không kỳ hạn sẽ loại ra khỏi nguồn vốn huy động và ngân hàng chỉ được cho vay 80% số vốn đã huy động được. Giả sử ngân hàng huy động được 100 tỉ đồng, trong đó có 20 tỉ đồng là tiền gửi không kỳ hạn, nguồn vốn để tính tỉ lệ cho vay chỉ là 80 tỉ đồng và ngân hàng chỉ được phép cho vay 64 tỉ đồng (80% của 80 tỉ đồng).

Do đó, những tháng trước, nhiều ngân hàng đi trước một bước bằng cách hạn chế cho vay, tập trung thu hồi nợ, tăng huy động vốn mới... để bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn vốn theo đúng quy định.

Cần điều chỉnh gấp Thông tư 13
Theo PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng Khoa ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, tiền gửi không kỳ hạn không được tính vào nguồn vốn là không hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng tín dụng, bởi tổng huy động vốn thấp sẽ hạn chế nguồn vốn cho vay. PGS-TS Hoàng cho rằng cơ quan quản lý nên căn cứ vào vốn tự có của từng ngân hàng để quy định tỉ lệ được phép cho vay so với vốn huy động.
Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng loại bỏ tiền gửi thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) ra khỏi nguồn vốn huy động là ngược với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước.
Theo ông, chỉ nên loại tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ra khỏi nguồn vốn huy động. Mặt khác, tổng số tiền doanh nghiệp gửi không kỳ hạn sẽ giúp hệ thống ngân hàng có được nguồn vốn giá rẻ và ổn định.
Khi doanh nghiệp này thanh toán cho doanh nghiệp khác thì tiền vẫn nằm trong ngân hàng. Do đó, quy định của Thông tư 13 về tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động cần sửa đổi gấp.
Cafeland.vn - Theo Thy Thơ
NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland