10/09/2020 7:31 AM
Mặc dù triển khai muộn hơn các nước, nhưng việc Hà Nội chuẩn bị áp dụng xe bus điện và giao cho Tập đoàn Vingroup triển khai sẽ đánh dấu bước đi quan trọng trong công cuộc "xanh hoá" của Việt Nam. Trên thực tế, các nước khác vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc áp dụng rộng rãi loại hình xe bus điện và mới có Trung Quốc là thành công nhất.

Việc áp dụng xe bus chạy bằng điện đang càng ngày phổ biến trên toàn cầu. Một số thành phố và quốc gia đã đưa loại phương tiện giao thông mới này đi vào hoạt động thành công, đặc biệt bùng nổ ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan,...

Theo báo cáo Triển vọng Xe điện 2020 của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), trên thế giới hiện có hơn 400.000 chiếc xe bus điện, và 98% trong số đó đã được triển khai ở các thành phố tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại không phải là quốc gia đầu tiên triển khai việc áp dụng xe bus điện. Năm 2014, Seneca (Hoa Kỳ) là thành phố đầu tiên trên thế giới ra mắt xe bus chạy hoàn toàn bằng điện. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, Hoa Kỳ chỉ có 300 chiếc xe bus điện đang vận hành.

Lý giải về điều này, ông Nick Albanese, nhà phân tích của BNEF tại New York đưa ra nhận định: "Do ở Mỹ không có chính sách công nghiệp cho loại xe bus điện. Vậy nên chừng nào Mỹ chưa tính đến chuyện trở thành nhà xuất khẩu xe bus điện lớn, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường".

Gần đây, Mỹ cũng đã đưa ra các quy định liên quan đến việc áp dụng xe bus điện. Cụ thể, cuối tháng 6/2020, Ủy ban Tài nguyên Không khí California (CARB) đã ban hành quy định rằng đến năm 2045, tất cả các xe tải và xe tải thương mại vận hành trên đường đều phải đáp ứng tiêu chí không phát thải (zero-emission).

Năm 2018, California là bang đầu tiên bắt buộc các công ty vận tải sử dụng xe bus chạy hoàn toàn bằng điện từ năm 2029.

Mặc dù không phải là quốc gia đầu tiên triển khai áp dụng xe bus điện, nhưng Trung Quốc lại có thành phố đầu tiên trên thế giới - Thâm Quyến - có 100% xe bus công cộng chạy bằng điện.

Bên cạnh đó, hơn 30 thành phố của Trung Quốc đã lên kế hoạch sử dụng 100% phương tiện công cộng chạy điện vào năm 2020, trong đó có Quảng Châu, Chu Hải, Đông Quản, Phật Sơn và Trung Sơn ở khu vực đồng bằng Châu Giang, và một số nơi khác như Nam Kinh, Hàng Châu, Thiểm Tây và Sơn Đông.

Song kế hoạch trợ cấp phương tiện chạy điện của chính phủ cũng chỉ kéo dài đến hết năm 2020, và việc sử dụng xe bus điện ở các địa phương khác sẽ trở nên đắt đỏ.

Ấn Độ cũng là một nước triển khai sớm việc áp dụng xe bus điện. Năm 2014, Cục vận tải thành phố Bangalore (BMTC), thủ phủ bang Karnataka của Ấn Độ đã cho chiếc xe bus chạy bằng điện đầu tiên lăn bánh trên đường phố, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông lớn, đồng thời góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Các chuyên gia đánh giá, Ấn Độ là một thị trường tiềm năng về xe bus điện. Công ty nghiên cứu Interact Analysis dự báo: "Đến năm 2025, Ấn Độ sẽ chiếm 10% tổng nhu cầu xe bus điện hàng năm trên toàn cầu, nhiều hơn cả châu Âu và Bắc Mỹ gộp lại".

Mặc dù các nước trên toàn cầu đã triển khai áp dụng xe bus điện từ rất lâu, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ khoảng 17% xe bus trên thế giới là xe điện.

Lý giải về điều này, bà Becky Collins, Giám đốc Sáng tạo ​​của Cơ quan Giao thông Đông Nam Pennsylvania, cho biết: "Sản xuất xe bus điện không hề đơn giản. Các nhà sản xuất xe bus điện lớn vẫn đang liên tục giải quyết những trở ngại để đưa ra các sản phẩm tối ưu. Điển hình như trong cuộc thử nghiệm ban đầu ở những nơi như Belo Horizonte, Brazil, xe bus điện đã gặp khó khăn khi vượt qua những ngọn đồi dốc với hành khách trên xe".

"Albuquerque, New Mexico đã hủy hợp đồng 15 xe bus với nhà sản xuất BYD của Trung Quốc sau khi phát hiện các vấn đề thiết bị trong quá trình thử nghiệm", bà nói thêm.

Giám đốc cấp cao toàn cầu về xe điện tại Viện Tài nguyên Thế giới, ông Camron Gorguinpour cho biết: "Một điều quan trọng là các trạm sạc xe bus điện thường rất đắt, khoảng 50.000 USD 1 lần. Đối với các trạm thu phí trên tuyến dài hơn, con số này có thể gấp 2 đến 3 lần. Thậm chí còn chưa tính đến phí xây dựng, chi phí mặt bằng mới".

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, các chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận những lợi ích của xe bus điện, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ không còn là rào cản lớn trong việc sản xuất.

Theo phân tích được công bố vào năm 2018 của Liên minh các nhà khoa học UCS, xe bus điện có lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu thấp hơn so với xe chạy bằng diesel và khí đốt tự nhiên, ngay cả ở các thành phố có lưới điện phụ thuộc vào các nhà máy điện than và khí đốt tự nhiên.

Đồng thời, báo cáo Năng lượng mới của Bloomberg cũng chỉ ra, xe bus điện trên toàn thế giới đã làm giảm nhu cầu về dầu diesel khoảng 270.000 thùng vào cuối năm 2019.

Nhận thấy tiềm năng về dòng xe chạy điện thân thiện với môi trường này, năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo mô hình phi lợi nhuận.

Đại diện của Tập đoàn Vingroup cho biết: "Xe bus điện sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn tại các đô thị lớn, góp phần hình thành nên những thói quen văn minh, kiến tạo một môi trường sống trong lành, hiện đại cho người dân Việt Nam".

Vingroup chuẩn bị chạy 10 tuyến xe bus điện ở Hà Nội: Bài học gì từ việc 98% xe bus điện trên thế giới ở Trung Quốc? - Ảnh 1.

Trong thời gian tới, Hà Nội dự kiến áp dụng đề án vận tải hành khách công cộng bằng xe bus điện và giao cho Tập đoàn này triển khai thực hiện.

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, Tập đoàn Vingroup đã đăng ký vận hành 10 tuyến bus mới bằng xe chạy điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện, đầu tư trung tâm quản lý và vận hành xe bus thông minh, đề-pô và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối; bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành.

Hiện Tập đoàn Vingroup đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe bus điện sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy chuẩn hiện hành.

100% lợi nhuận thu được sẽ được công ty tái đầu tư nhằm phát triển hệ thống, mở rộng địa bàn và cải thiện chất lượng dịch vụ, nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại cho Việt Nam.

  • Biến xe bus cũ thành nhà ở tiện nghi

    Biến xe bus cũ thành nhà ở tiện nghi

    CafeLand - Bạn yêu thích những chuyến đi và những lần dịch chuyển nhưng lại muốn có nơi để nghỉ ngơi và thư giãn trong những chuyến đi đó, tại sao bạn không thử biến một chiếc xe bus cũ thành một căn nhà di động với đầy đủ các tiện ích như một chiếc giường, một cái bàn, một nhà bếp và những vật dụng cần thiết khác nữa.

Q.L/Trí thức trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.