Diễn ra từ 25 đến 29/3, triển lãm quốc tế Vietbuild 2015 có sự tham gia của hơn 1.350 gian hàng trong lĩnh vực xây dựng, VLXD, BĐS và trang trí nội ngoại thất. Ghi nhanh hoạt động tại hội chợ ngành hàng xây dựng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt của DN “ngoại”, sản phẩm “ngoại”.

Theo Ban tổ chức, trong gần 450 đơn vị có mặt tại triển lãm, là 225 DN trong nước, 171 DN liên doanh. Tuy vậy, chỉ rất ít tên tuổi “gà nhà” xuất hiện ở sân chơi vật liệu, phụ gia xây dựng. Còn ở mảng địa ốc, chuyện lại buồn hơn..

Cũng như những lần tổ chức gần đây, phiên chợ ngành hàng xây dựng - VLXD - BĐS quy mô và uy tín bậc nhất cả nước diễn ra hai đợt tại Hà Nội. Đợt 1 là tháng 3, đợt 2 vào trung tuần tháng 11 với sự tham gia của số lượng lớn DN đến từ trong nước và nước ngoài.

Người Việt khó tìm hàng Việt?

Trực tiếp tham quan, tìm hiểu hầu hết các gian hàng ở Triển lãm trong 3 ngày đầu tiên tổ chức (khoảng thời gian được xem là sôi nổi nhất - PV), người viết thực sự choáng ngợp bởi các gian hàng san sát được trang trí, sắp đặt công phu trong từng khu nhà.

Điểm đặc biệt, tại cả 5 khu nhà được sử dụng, hầu như các ki-ốt đều “trưng” hàng VLXD, nội ngoại thất hoặc máy xây dựng, máy chế tạo xây dựng. Cụ thể, nhà A1 có 19 gian với phần lớn sản phẩm nội thất gia dụng, thiết bị điện, ván sàn nhập ngoại được DN “nội” nhập khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất phân phối tại Việt Nam.

Có thể kể 3D Springs (gối đệm), Rossano (100% vốn Singapore chuyên sản xuất Sofa cao cấp, sản phẩm trang trí gia đình, văn phòng…), Upten Việt – Đức (thiết bị điện). Xét thương hiệu “thuần Việt”, chỉ có Pinctadali Việt Nam (ván sàn, nội thất tre Ali) và Austrong Việt Nam (trần nhôm, lam chắn nắng) nhắc nhở khách hàng tham quan về sự có mặt của DN “nội” tại khu nhà này.

Tiếp đến, ở khu nhà D, chứng kiến gian hàng khá bắt mắt của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (ống và phụ kiện nhựa), Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn (gạch ốp granite, gạch ngói đất sét nung) trong bạt ngàn các ki-ốt mang biển hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Đức…

Danh sách đơn vị tham gia gian hàng tại nhà D (do Ban tổ chức công bố) chỉ đánh số tới 35. Còn lại, khoảng ngót 100 gian hàng không đánh số thứ tự (dù có tên sản phẩm lẫn DN cung cấp, phân phối).

Ở các khu nhà còn lại (A2, A4, A5), các tên tuổi mạnh trong nước có mặt với tỷ trọng “chưa cân sức” với các đối thủ từ ngoài quốc gia (về số lượng và độ liên kết theo chuỗi liền kề).

Gian hàng của sản phẩm “ngoại” bao phủ khắp triển lãm.

Cụ thể, một vài ông lớn trong ngành VLXD, cung ứng nội ngoại thất trung – cao cấp, máy móc công trình như Viglacera, Secoin, Eurowindow, Công ty CP Đồng Tâm, Nội thất Hoàn Mỹ, Ausdoor (xuất hiện trong vai trò tài trợ chính triển lãm) đều có khu trưng bày khá hoành tráng, quy mô.

Ông Thái, chủ chuỗi đại lý cấp 1 của nhiều sản phẩm gạch và cửa lõi thép, nhận định: “Thương hiệu lớn ở triển lãm hầu hết đều đã có chỗ đứng trên thị trường, dù đa phần họ đều nhập nguyên liệu và nhận chuyển giao công nghệ dẫn tới giá thành cao hơn hẳn. Nhưng triển lãm thiếu vắng những nhãn hàng mới nổi, đang vật lộn cạnh tranh trong ngành VLXD và phụ kiện nội thất. Thay vào đó, quá nhiều đơn vị cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, thậm chí Lào đang “phủ kín” phiên chợ khiến người không am hiểu sẽ bị hoa mắt và chỉ tin vào quảng cáo giá rẻ”.

Bất động sản… “mất tăm”

Trái với “biển” gian hàng VLXD, nội thất, khách tham quan rất khó để tìm được khu trưng bày các dự án BĐS hay đơn vị kinh doanh, tạo lập địa ốc tại triển lãm. Được cán bộ Ban tổ chức chỉ dẫn và nghiên cứu kỹ sơ đồ bố trí triển lãm, người viết đã tìm được… 2 gian trưng bày liên quan tới BĐS. Tuy nhiên, đó chỉ là hai ki-ốt nằm tại vị trí khá khiêm tốn của Siêu thị dự án (Cengroup) và Công ty CP BĐS VNG Việt Nam đặt tại khu A2.

Chưa biết giá thành thuê gian hàng ra sao, nhưng với kiến trúc khung sắt quây bạt, có thể đoán được chi phí bỏ ra của hai đơn vị đầu tư - phân phối địa ốc này nhỏ hơn so với những gian hàng ở các khu nhà kiên cố còn lại (nhà D, nhà A1, A4, A5).

Nằm cuối dãy và có phần “khuất nẻo”, ô ki-ốt của Siêu thị dự án lác đác người tham quan dù các nhân viên kinh doanh rất nhiệt tình túc trực chờ đợi tư vấn khách hàng về dự án đang phân phối độc quyền.

Theo T., nhân viên kinh doanh, STDA đang phân phối độc quyền tòa R6 (Royal City) và số ít căn hộ “còn lại” của Vinhomes Nguyễn Chí Thanh. Trả lời thắc mắc “vì sao STDA lại chọn vị trí khuất và… khiêm tốn như vậy để tư vấn, quảng bá cho khách về sản phẩm cao cấp tại hội chợ lần này?”, T hồn nhiên cho biết nguyên nhân là do định hướng của lãnh đạo. Thêm nữa, tới tháng 11 thì triển lãm mới thực sự trở thành… chợ địa ốc nên không có DN BĐS - chủ đầu tư nào tham gia đợt tháng 3.

Tại gian hàng của VNG (cách đó chừng 3 dãy), khoảng 4 nhân viên đang mải miết giới thiệu cho khách thăm quan về chính sách bán hàng ưu đãi của sàn đối với những sản phẩm nghỉ dưỡng tại Cẩm An - Hội An và biệt thự - nhà phố - đất nền ở Phố Nối (Hưng Yên).

Trực quan tại gian hàng này gần 3 giờ đồng hồ, số lượng khách ngồi lại gian hàng để tìm hiểu sản phẩm đúng nghĩa chỉ là… 2 người. “Mua sản phẩm nghỉ dưỡng trong Hội An hay Hưng Yên đều không hợp lý với người mua cần nhà ở thực hiện tại. Theo tôi, sàn giới thiệu 2 dự án này chỉ hướng tới giới đầu tư săn đón lợi nhuận từ BĐS” - ông Long, nguyên cán bộ ngành tài nguyên nhìn nhận.

Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.