Tuy nhiên, Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á ghi nhận rằng, mặc dù có những bất ổn và biến động tại các thị trường tài chính toàn cầu, các thị trường trái phiếu trong khu vực vẫn tiếp tục phát triển, đạt tổng giá trị 5,9 nghìn tỷ USD nợ phải thu tính đến thời điểm cuối tháng 6, tăng 1,9% so với thời điểm cuối tháng 3 và tăng 8,6% so với thời điểm cuối tháng 6 năm 2011.
Nếu so sánh với quý trước, các thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia với tốc độ tăng lần lượt là 10,5%, 4,1% và 3,6%.
Việt Nam là thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong quý 2 năm 2012. Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng giá trị trái phiếu phải thu tính bằng tiền đồng đạt 455,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 21,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với thời điểm cuối tháng 3 và tăng 28,5% so với thời điểm cuối tháng 6 năm 2011. Thái Lan, Singapore và Malaysia là những thị trường đứng tiếp theo xét về tốc độ tăng trưởng hàng năm, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 17,7%, 15,8% và 15,0%.
Sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam là do giá trị trái phiếu kho bạc phải thu tăng 42% và sự tái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 3. Sự tăng trưởng này giảm bớt một phần do giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và trái phiếu phải thu của các doanh nghiệp giảm 8,7%. Hoạt động tăng cường phát hành trái phiếu của chính phủ trong quý 1 và quý 2 năm 2012 được thực hiện trong bối cảnh lượng phát hành của 3 tháng cuối năm 2011 giảm mạnh do chính phủ cắt giảm đầu tư, nâng lãi suất và thực hiện cấc biện pháp khác nhằm kiềm chế tỷ lệ lạm phát cao.
Theo ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, cơ quan xây dựng báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á (Asia Bond Monitor): “Các thị trường biến động có thể làm nhụt chí những khoản đầu tư dài hạn và gây tác động xấu đến nền kinh tế do chúng khiến các chính phủ và các công ty phải mất nhiều chi phí hơn để huy động vốn. Bên cạnh đó, các phản ứng thị trường không thể đoán trước đối với các chính sách được ban hành đang làm xói mòn khả năng dự báo và tính hiệu quả của tiến trình hoạch định chính sách thông thường”.