8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu 2,8 tỷ USD sắt thép trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh tới 95% cả về lượng và trị giá.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam giảm liên tiếp trong 2 tháng gần đây và sản lượng trong tháng 8 ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Trong tháng 8/2022, xuất khẩu các mặt hàng sắt thép của toàn ngành đạt 514 nghìn tấn với trị giá 458 triệu USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 29% về trị giá so với tháng 7 trước đó. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận xuất khẩu sắt thép đi xuống.

Việt Nam chi hơn 8,8 tỷ USD mua các mặt hàng sắt thép trong 8 tháng đầu năm trong bối cảnh kênh xuất khẩu giảm mạnh

Tính chung 8 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu sắt thép đạt hơn 5,9 triệu tấn, tương đương 6,08 tỷ USD, giảm 30,3% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang thị trường chính là Trung Quốc đã giảm mạnh hơn 1 tỷ USD với mức giảm gần 1,68 triệu tấn.

Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường này trong 8 tháng chỉ ở mức 93 nghìn tấn, trị giá 55 triệu USD trong khi cùng kỳ năm 2021 là 1,77 triệu tấn và 1,08 tỷ USD. Tức giảm tới 95% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh tới 95% cả về lượng và trị giá

Trong khi đó, diễn biến xuất khẩu sắt thép sang 2 thị trường chính là EU và Hoa Kỳ 8 tháng qua biến động rất thất thường và liên tiếp giảm mạnh trong 2 tháng gần đây.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng sắt thép xuất khẩu sang các thị trường chính trong 8 tháng đầu 2022 đều giảm. Trong đó, xuất sang thị trường EU ở mức 1,13 triệu tấn, tăng nhẹ 0,8%; Campuchia là 848 nghìn tấn, giảm 2,4%; Hoa Kỳ là 453 nghìn tấn, giảm 15,6%.

Ở chiều ngược lại, lượng nhập khẩu sắt thép các loại về Việt Nam trong tháng 8 vừa qua đạt hơn 785 nghìn tấn, tương đương 849 triệu USD, giảm gần 14% về lượng và giảm 17,8% về giá trị so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu sắt thép và nguyên liệu ước khoảng 8,2 triệu tấn với trị giá 8,85 tỷ USD, giảm 8% về lượng nhưng tăng 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong giai đoạn này, sắt thép các loại nhập về nước ta có xuất xứ chủ yếu từ 5 thị trường chính là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Trong năm 2022, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hóa nói chung và sắt thép nói riêng cũng giảm. Theo đó, với việc nhu cầu của nhiều thị trường chính hạ nhiệt đã khiến xuất khẩu thép của Việt Nam giảm.

Trong khi đó, nguồn cung thép tại Việt Nam vẫn dồi dào, lượng hàng tồn kho còn nhiều. Tính đến ngày 31/6, tồn kho tại các doanh nghiệp thép niêm yết lên mức xấp xỉ 110.000 tỷ đồng khiến các khoản trích lập dự phòng trở thành nỗi lo lớn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, kênh xuất khẩu các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm do các nhà máy thép tại châu Âu đã phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các doanh nghiệp thép của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU. Với việc EU là thị trường xuất khẩu chính trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành tôn mạ như Hoa Sen hay Nam Kim, Tôn Đông Á được kỳ vọng tiếp tục duy trì hưởng lợi nhờ xu thế này.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.