Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tạo điều kiện hơn nếu muốn mua nhà tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Thái |
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM nhận
xét những quy định mới đã rõ ràng hơn, thoáng hơn cho Việt kiều muốn mua
nhà ở Việt Nam, chứ không còn chung chung như trước đây khiến cơ quan
thực hiện không dám làm.
Theo đó, quy định mới cho phép Việt kiều
mua nhà không hạn chế số lượng đối với các đối tượng có quốc tịch Việt
Nam và có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị; trong trường hợp mang hộ chiếu
nước ngoài thì phải có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam.
Đối
với người gốc Việt Nam, ngoài việc phải có hộ chiếu nước ngoài kèm theo
giấy tờ chứng minh có gốc Việt Nam, phải thuộc một trong các diện gồm
người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhà văn hóa, nhà khoa học, người
có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt, người có vợ/chồng là công dân Việt
Nam.
Tuy nhiên, những người không thuôc diện trên chỉ được phép
sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam. Trong
trường hợp được thừa kế hoặc được tặng một nhà ở khác thì có quyền bán
lại để hưởng giá trị của nhà ở đó.
Như vậy, việc được phép mua
nhiều nhà ở Việt Nam còn tùy thuộc vào việc người có hộ chiếu nước ngoài
có còn giữ quốc tịch Việt Nam hay không. Theo Luật quốc tịch thì người
nào không còn hộ chiếu Việt Nam tính đến ngày 1-7-2009 và đã có hộ chiếu
nước ngoài có thể đăng ký giữ quốc tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao
của Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 1-7-2014. Nếu quá thời gian trên
phải xin trở lại quốc tịch.
Theo luật sư Hòa, nghị định mới ban
hành có điểm mới, rất quan trọng là cho phép Việt kiều sở hữu nhà được
chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở của
các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - đối với các dự án tại các khu
vực được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền.
“Điều này nâng cao sự bình đẳng giữa người dân trong nước và Việt kiều”,
luật sư Hòa nhận định.
Tuy nhiên, vị luật sư này cũng chỉ ra
rằng nghị định lại không nói rõ liệu Việt kiều có được phép vay vốn ngân
hàng để mua nhà như những người mua nhà trong nước hay không. Thực tế,
nhiều Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam nhưng chưa đủ tiền, vì vậy cũng
nên cho những người có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua nhà như người
trong nước.
“Đó cũng là một biện pháp về tài chính để cho Việt
kiều tiếp cận với dòng vốn, và điều đó cũng có nghĩa là cho Việt kiều
đem tiền về Việt Nam một cách hợp pháp”, luật sư Hòa nói.
Bà luật
sư này cho biết hiện nay ngày nào cũng có Việt kiều tới văn phòng của
bà để nhờ tư vấn tìm hiểu thủ tục mua nhà ở Việt Nam, nhiều nhất là
những trường hợp đã mua nhà thời gian qua dưới hình thức nhờ người thân
đứng tên.
Ông Trần Hòa Phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt
Nam ở nước ngoài tại TPHCM, cũng cho rằng quy định mới sẽ tao cơ chế
thông thoáng hơn cho Việt kiều về mua nhà ở tại quê hương. Tuy nhiên
hiện vẫn còn phải chờ những văn bản hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên
quan đến vấn đề này.
Ông Phương cho biết ủy ban cũng đang chuẩn
bị phổ biến những quy định mới này cho cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài
trong thời gian tới.