Dự án (DA) Du lịch Sinh thái biển Tiên Trang, chủ đầu tư là CTy TNHH SoTo được cấp phép đầu tư từ năm 2008 nhưng qua gần 10 năm triển khai, DA vẫn gần như chỉ nằm trên giấy, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng cuộc sống người dân. Vậy nguyên nhân do đâu?
Đất tái định cư nhiều năm không được cấp sổ đỏ
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Hoàng Công Đương cũng như UBND huyện Quảng Xương cho biết, đến nay DA Du lịch Tiên Trang đã thu hồi được 90% diện tích, nhưng hiện còn khoảng trên 40 hộ diện tái định cư (TĐC) do chưa bố trí được quỹ đất ở nên chưa di chuyển. Về đất lâm nghiệp hiện chỉ còn hộ ông Lê Văn Thập đang sử dụng trên 20.000m2 chưa đồng ý nhận đền bù để bàn giao mặt bằng. Thông tin từ Chủ tịch xã cũng như UBND huyện có vẻ như tình hình giải phóng mặt bằng (GPMB) của DA đang diễn ra thuận lợi, tuy nhiên đi sâu tìm hiểu, thực tế diễn ra khác xa so với sự lạc quan của chính quyền sở tại.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài một phần đất nông nghiệp, phần lớn diện tích đất thuộc phạm vi DA phải thu hồi đều có nguồn gốc là đất lâm nghiệp và rừng phi lao phòng hộ ven biển, trước kia là bãi cát, xã giao cho hợp tác xã và các đoàn thể quản lý để trồng rừng, các tổ chức này giao lại cho các hộ dân. Từ những năm 1980 đến nay, các hộ dân đã sử dụng liên tục diện tích được giao để trồng phi lao và dùng một phần làm nhà ở, một số không nhiều dựng quán bán hàng, kinh doanh ăn uống và hải sản.
Năm 1998, khi bắt đầu triển khai DA, ông Phạm Văn Hải, Giám đốc Cty TNHH SoTo (chủ đầu tư) đã thương lượng, mua lại đất với giá thỏa thuận, kèm 200m2 đất ở (đối với một số gia đình diện TĐC). Tuy nhiên, có nhiều hộ sau khi di chuyển, nhận đất làm nhà nhưng đến nay vẫn không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Theo phản ánh của người dân, lý do vì đất TĐC cũng là đất lâm nghiệp, chưa được quy hoạch, chuyển đổi nên không thể làm được giấy tờ hợp pháp hóa.
Theo chân một số người dân địa phương đi tìm hiểu thực tế, PV đã ghi nhận hơn chục ngôi nhà thuộc dạng TĐC (chưa được cấp sổ đỏ), phần lớn là nhà xây kiên cố 3-4 tầng nằm dọc bãi biển phía đông đường 4C.
Hàng loạt ngôi nhà TĐC chưa được cấp sổ đỏ.
Tiếp xúc với một trong các chủ hộ ở đây là bà Lê Thị Lượng, chồng là Nguyễn Văn Xuyên, PV được bà Lượng cho biết, năm 1980, gia đình bà đã mua của hợp tác xã (được hợp tác xã giao trồng cây – PV) khoảng gần 2.400m2 đất lâm nghiệp ven biển. Từ đó đến trước khi có DA, gia đình bà đã làm nhà, trồng phi lao và sinh sống ổn định tại đây. Năm 1998, khi DA Du lịch Tiên Trang được cấp phép, ông Hải đã đến thương lượng với gia đình để “mua lại” đất phục vụ DA. Ban đầu ông đưa ra tổng mức đền bù là 176 triệu đồng (gồm cả đất và cây cối, kiến trúc trên đất), kèm 200m2 đất ở. Gia đình không chấp nhận, sau đó đoàn của huyện về, đưa ra mức đền bù, hỗ trợ mới 260 triệu, ông bà vẫn chưa thông. Cuối cùng, ông Hải nâng lên con số 500 triệu, gia đình mới chấp nhận và bàn giao mặt bằng, nhận tiền và đất TĐC để làm nhà, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, cho đến nay, gia đình bà cũng như các hộ khác cùng nhận đất TĐC tại đây vẫn không được cấp sổ đỏ, mặc dù trong biên bản bàn giao đất (có cả đại diện chính quyền). Ông Hải, đại diện cho chủ đầu tư cũng đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm làm sổ đỏ cho gia đình bà. Về cuộc sống từ ngày TĐC, bà Lượng cho biết, trước kia ở nơi cũ, ông bà còn có việc làm, nguồn thu từ nghề cá, mắm, cho thuê bè mảng. Ra nơi ở mới, không có việc gì làm, số tiền đền bù thì xây nhà mới còn chưa đủ, phải vay mượn thêm, cuộc sống gia đình hiện rất khó khăn.
Dân tố chủ đầu tư “bớt xén” tiền đền bù
Ngoài việc giao đất TĐC được cho là đất lâm nghiệp (nên không làm được sổ đỏ) cho dân, theo phản ánh của bà con, Cty SoTo còn “bớt xén” tiền đền bù của dân. Như đã nói, đa phần mặt bằng phải thu hồi cho DA là đất lâm nghiệp với rừng phi lao đã vài chục năm tuổi. Trong quá trình bàn bạc về mức giá đền bù đối với cây phi lao, ông Hải đã thống nhất với các hộ mức đền bù là 60.000 đồng/tạ củi phi lao. Nhưng đến khi thanh toán, chủ đầu tư đã “ăn bớt”, chỉ trả cho dân 50.000 đồng/tạ, bất chấp sự phản đối, thắc mắc của bà con.
Là một trong số những người bị “bớt xén” khoản đền bù này, ông Lê Bá Thuần, 83 tuổi, ngụ thôn Tiên Thắng, bức xúc trình bày với PV: gia đình ông có 3.000m2 đất rừng phi lao, trong đó có nhiều cây lớn, tổng trọng lượng khoảng 150 tấn (ông không nhớ cụ thể vì sổ sách, giấy tờ về đền bù giao cho các con giữ). Theo thỏa thuận giữa gia đình với ông Hải và UBND xã, mức giá đền bù được ấn định là 60.000 đồng/tạ phi lao. Nhưng sau đó ông chỉ được nhận 50.000 đồng/tạ, số còn lại 10 triệu đồng đã bị chủ đầu tư “ăn bớt”. Như vậy, nếu dân “tố” đúng, chỉ tính riêng khoản “phi lao”, với diện tích tạm tính khoảng 40 – 50ha, Cty SoTo đã “bớt xén” tiền đền bù là “mồ hôi nước mắt” của những ngư dân, nông dân nghèo, số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.
Trao đổi với PV, một người dân nói “ông ấy là doanh nghiệp lớn, nghe nói bỏ ra mấy trăm tỷ để đầu tư vào DA, vậy mà lại đi ăn bớt cả mấy đồng tiền củi của dân nghèo chúng tôi. Không biết lương tâm để đâu?”
Hàng loạt vấn đề khiến dân phản đối
Ngoài những “lình xình” trong việc đền bù, GPMB, bố trí TĐC. DA Du lịch Sinh thái biển Tiên Trang, trong quá trình triển khai còn xảy ra hàng loạt vấn đề nổi cộm, gây nên sự bức xúc, bất bình trong nhân dân. Trong đó, có sự việc “nóng” vừa mới xảy ra như: Gần đây, trước sự “thúc ép” của UBND huyện về tình trạng DA bị “ngâm” quá lâu, tháng 6/2017, Cty SoTo đã khởi công xây dựng con đường trục chính dài 2km của DA. Nhưng ngay từ khi khởi công cho đến nay, việc xây dựng con đường này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt, kể cả cản trở thi công của một số hộ dân đang kinh doanh ven biển. Nhiều hộ đã làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền và báo chí, tố cáo chủ đầu tư, cụ thể là ông Hải đã có hành vi cản trở hoạt động kinh doanh, cản trở đường xuống bến cá và việc đi lại của dân bằng cách xông vào quán đuổi khách, cãi cọ với bà con, tập trung xe, máy chắn đường không cho xe vào quán ăn, xây trụ bê tông ngăn đường vào quán hàng của dân… Tình hình mất an ninh trật tự như vậy thường diễn ra mỗi khi chủ đầu tư huy động xe máy, nhân lực để thi công con đường trục chính. Được biết, lý do dẫn đến tình trạng trên là vì một số hộ dân chưa nhất trí nhận đền bù, bàn giao mặt bằng. Về phía chủ đầu tư lại cho rằng đất đã thuộc DA nên họ “có quyền” thi công. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì dù sai, đúng trong việc này thế nào, nhưng việc ông Hải, Giám đốc Cty SoTo - đại diện cho chủ đầu tư đứng ra “tranh chấp” tay đôi với người dân hoàn toàn không hay chút nào. Hành động này chỉ càng khiến ông “mất điểm” đối với người dân.
Cũng liên quan đến việc đền bù GPMB, ông Trần Văn Thập, Giám đốc Công ty TNHH Thập Thuận Phát, người được cho là còn lại “duy nhất” của xã có đất lâm nghiệp chưa nhận đền bù, bàn giao mặt bằng đã có đơn đề nghị gửi các cấp, ngành chức năng. Nội dung nêu: ngoài hoạt động chế biến, kinh doanh thủy hải sản, dịch vụ lưu trú du lịch ngắn ngày, Cty của ông còn đầu tư xăng, dầu, ngư lưới cụ và thu mua hải sản sau khai thác cho ngư dân. Do đặc thù công việc, từ những năm 1980 gia đình ông đã sinh sống trên khu “đất thầu khoán” và sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ông đã xây thêm cơ sở chế biến thủy sản có giá trị. Nay để bàn giao mặt bằng cho DA, đề nghị UBND huyện bố trí diện đất tích đất phù hợp, có vị trí, điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh để Cty tiếp tục hoạt động.
Ngoài những vấn đề như đã nêu, chúng tôi còn nắm được thông tin về việc đổi đất, chuyển nhượng đất, bàn giao đất trái quy định của chủ đầu tư. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp, ngành có thẩm quyền của tỉnh và huyện Quảng Xương cần xem xét lại năng lực, mục đích thật sự của chủ đầu tư DA Khu Du lịch Sinh thái biển Tiên Trang - một DA ban đầu rất được kỳ vọng nhưng đã kéo dài gần chục năm trời với quá nhiều vấn đề nổi cộm.
Đào Nguyên(Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.