Ảnh minh hoạ.
Thách thức trái phiếu, lãi suất
Nhằm kiềm chế lạm phát và giảm áp lực tỷ giá, từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 đã có động thái điều chỉnh lãi suất điều hành tăng tổng cộng 2% ở cả lãi suất tái chiết khấu cũng như lãi suất tái cấp vốn.
Động thái tăng lãi suất của NHNN buộc các ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất huy động lên mức cao hơn trong khi chỉ đạo từ chính phủ vẫn sẽ giữ lãi suất cho vay ở mức thấp.
Chi phí huy động vốn tăng nhanh sau quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN trong khi lãi suất cho vay chưa theo kịp đà tăng sẽ khiến NIM (biên lãi ròng - là chênh lệch phần trăm giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) của các ngân hàng bị thu hẹp phần nào trong thời gian tới.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta cũng nhận định NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới nhưng tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động) thấp hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thấp sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Đặc biệt, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.
Thực tế, áp lực từ việc tăng lãi suất của NHNN trong ngắn hạn đã khiến NIM của một số quý 3/2022 của một số ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm 2021 như VPbank giảm 0,96%, TPBank giảm 0,28%, BacAbank giảm 0,14%, Techcombank giảm 0,13%, ACB giảm 0,03%, theo Công ty Chứng khoán An Bình.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng từ tin tức lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản lớn bị bắt và áp lực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng có thể xảy ra đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, khi giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn sẽ tập trung trong năm 2023 và 2024.
Thời gian qua, các động thái quyết liệt làm sạch thị trường TPDN của cơ quan chức năng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trái phiếu. Nhu cầu tất toán trái phiếu trước hạn của nhà đầu tư tăng cũng gây áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản (vốn là những chủ thể có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất). Ước tính có khoảng 142 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo VDSC, với quy mô giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ ước khoảng 628 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, bằng khoảng 6% dư nợ của hệ thống ngân hàng, có thể thấy áp lực về dòng tiền thanh toán nợ gốc trái phiếu (do đáo hạn hoặc do nhà đầu tư đề nghị mua lại trước hạn) cho thời gian còn lại của năm 2022 vẫn còn khá cao. Áp lực dòng tiền cao phát sinh trong ngắn hạn trong khi tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa giảm, có thể dẫn đến các doanh nghiệp có số dư trái phiếu riêng lẻ cao có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ khoản vay tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân, những người nắm giữ trái phiếu không được thanh toán gốc và lãi đúng hạn, có thể gián tiếp gặp khó khăn về dòng tiền. Đây cũng là rủi ro tiềm tàng nếu các cá nhân này có khoản vay tại ngân hàng nhưng thiếu dòng thu nhập ổn định. Mặt khác, mức độ tiếp xúc của ngành ngân hàng với bất động sản ngày càng tăng.
Theo thống kê của NHNN, quy mô tín dụng vào ngành bất động sản (gồm cho vay và TPDN) hiện nay cao hơn đáng kể so với trước đây. Số dư tính đến 30/6/2022 là 2,37 triệu tỷ đồng, tương đương 20,7% tổng tín dụng toàn nền kinh tế, so với mức 16,5% vào năm 2017.
Trong bối cảnh này, VDSC nhận thấy xác suất nợ xấu gia tăng đang cao hơn, tạo áp lực lên chi phí tín dụng trong các quý tiếp theo.
“Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 2, một số ngân hàng có mức phân bổ cao (trên 10%) tín dụng vào cho vay bất động sản và TPDN như TPBank, Techcombank, MBbank, VPBank, SeABank, HDBank, MSB... Nhóm này sẽ chịu rủi ro cao hơn các ngân hàng khác, nhưng mức độ rủi ro là khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc tín dụng (cho vay và đầu tư TPDN) với ngành bất động sản, và sức khỏe tài chính của các đối tác bất động sản liên quan'', VDSC nhận định.
Nhiều nhà băng vẫn lãi khủng
Mặc dù trong bối cảnh kinh doanh nhiều thách thức, kết thúc 9 tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, trong đó các ngân hàng lớn vẫn đều đặn tạo ra con số lợi nhuận khổng lồ.
Trong đó, dẫn đầu là Vietcombank với tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 49.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt gần 25.000 tỷ đồng, vượt 1 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% so với đầu năm.
Một số ngân hàng khác có mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng như Techcombank hơn 20.800 tỷ đồng, VPBank hơn 19.800 tỷ đồng, MBbank hơn 18.100 tỷ đồng, BIDV hơn 17.000 tỷ đồng, ACB hơn 13.500 tỷ đồng… trong 9 tháng đầu năm. Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ như NamABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng tới 96% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 684 tỷ đồng; Eximbank với lợi nhuận trước thuế gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.278 tỷ đồng.
Có được kết quả nói trên là nhờ tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng như Vietcombank, BIDV… ở mức hai con số so với đầu năm.
Trong khi đó, với Sacombank, tỷ trọng thu ngoài lãi 9 tháng đầu năm là 39,4%; thu ngoài lãi cũng đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động của VIB.
Một nguồn thu đáng kể khác ngoài lãi cho ngân hàng còn đến từ nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, hay là nguồn thu từ các khoản như bảo lãnh, thư tín dụng L/C trong thanh toán xuất nhập khẩu như Techcombank là 17%, BIDV 16%, hay TPBank khoảng 17,6%.
Trong khi đó, một số ngân hàng đã giảm tỷ trích lập dự phòng giúp ghi nhận mức lãi cao hơn như BIDV giảm 17%, MBBank giảm 26%, ACB giảm tới 94%.
-
IMF: Thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lãi suất toàn cầu lên cao
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, vừa đưa ra cảnh báo rằng các mối đe dọa về thuế quan từ Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khiến chi phí vay dài hạn trên toàn cầu tăng cao....
-
Chuyên gia tài chính: “Nếu bạn đặt tiền đúng nơi, năm 2025 sẽ là một năm thuận lợi cho người tiết kiệm”
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025...
-
Vì sao Trung Quốc tránh giảm nhanh lãi suất?
Trung Quốc tránh cắt giảm lãi suất quá nhanh, đồng thời hút về lượng tiền mặt lớn nhất kể từ năm 2014 thông qua một công cụ chính sách.