Thiết bị phục vụ việc xây dựng đường sắt đô thị không thể nhập về do giãn cách xã hội. Việc huy động chuyên gia nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban quản lý (BQL) đường sắt đô thị Hà Nội, thừa nhận việc giải ngân một số dự án đường sắt đô thị đang gặp nhiều khó khăn. Có phần vốn giao năm 2020 nhưng đến nay xác định không thể giải ngân; thậm chí phần vốn giao năm ngoái, đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Nội dung trên được đại biểu HĐND Hà Nội tập trung thảo luận ngày 31/8 và đặt câu hỏi tại phiên giải trình về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 của thành phố.

Vướng mắc chính sách, quy định

Ông Minh cho biết các dự án đường sắt đô thị được BQL làm chủ đầu tư đều là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Thời gian thực hiện dự án trải dài, nhiều cơ chế chính sách thay đổi trong quá trình triển khai. Riêng năm 2020, BQL được giao tổng kế hoạch vốn 5.300 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn kéo dài của năm 2019 là 600 tỷ đồng.

Việc giải ngân vốn tại các dự án đường sắt đô thị gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được giao vốn kế hoạch năm 2020, khoảng 1.200 tỷ đồng đang phải điều chỉnh do tổng mức đầu tư tăng lên. Bên cạnh đó, dự án này được xếp vào danh mục quan trọng cấp quốc gia và phải áp dụng Luật Đầu tư công mới ban hành.

Ông Nguyễn Cao Minh nhấn mạnh số vốn 1.150 tỷ đồng mà Trung ương cấp phát cho dự án chắc chắn không thể giải ngân được trong năm 2020. Còn lại 50 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng, BQL đã có kế hoạch cụ thể, đảm bảo giải ngân hết trong năm nay.

Ông Minh kiến nghị UBND TP báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng, điều hòa phần vốn 1.150 tỷ đồng không triển khai được do điều chỉnh dự án và các bộ có hướng dẫn, giải quyết khúc mắc đối với dự án này.

Tỷ lệ giải ngân thấp do ảnh hưởng dịch

Về dự án ĐSĐT tuyến 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (đang thi công) được giao tổng số vốn 4.030 tỷ đồng, trong đó 560 tỷ kéo dài từ 2019, ông Minh nói đến nay đã giải ngân được 43% trong tổng vốn được giao, trong đó vốn kéo dài 2019 đã giải ngân 88%.

Đoàn tàu của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội do Tập đoàn Alstom (Pháp) sản xuất. Ảnh: MRB.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân năm nay rất thấp so với kế hoạch do bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Thiết bị chủ yếu xuất xứ từ châu Âu không thể nhập do giãn cách xã hội tại Pháp, thêm nữa là việc huy động chuyên gia nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Cao Minh nói BQL sẽ cố gắng giải ngân 3.900 tỷ đồng trên tổng số 4.030 tỷ được giao năm 2020, đạt khoảng 97%. Với 140 tỷ đồng chưa thể giải ngân do thiết bị của dự án về chậm, BQL đang phối hợp nhà thầu tìm cách khắc phục.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết đến hết tháng 7/2020, toàn TP giải ngân được 14.600 tỷ đồng, đạt 32,59% kế hoạch giao TP đầu năm và đạt 36% kế hoạch Thủ tướng giao. Chi đầu tư xây dựng cơ bản là 4.100 tỷ đồng, đạt 28%; chi đầu tư phát triển khác là 2.400 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch giao đầu năm.

Thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các BQL dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành TP cùng UBND quận, huyện quyết liệt thực hiện các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND TP quyết nghị.

TP cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm, các công trình cấp bách. Phó chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát dự án đối với các chủ đầu tư, UBND quận, huyện có kết quả giải ngân thấp.

Sơn Hà (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.