CafeLand - Từ thực tiễn những đợt mưa lũ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn.

Khả năng kiểm soát và tiêu thoát lũ kém

Ngày 30.10.2020, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 372/TB – VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn.

Cụ thể, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến nước ta nhanh và mạnh hơn so với dự báo trước đây, đặc biệt là tác động tới thời tiết, thiên tai. Thiên tai ngày càng bất thường, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nên cần cảnh giác, chủ động phòng ngừa để hạn chế rủi ro, giảm thiệt hại.

Bên cạnh đó, thiết chế hạ tầng nói chung và công trình phòng, chống thiên tai còn chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu; khả năng điều tiết, kiểm soát lũ và tiêu thoát lũ kém; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống giao thông, nhất là cầu, ngầm tràn trên các tuyến giao thông liên huyện, liên tỉnh ở vùng núi dễ xảy ra sạt lở, ngập sâu chia cắt; hệ thống viễn thông, điện bị sự cố khi mưa lũ.

Ngoài ra, năng lực phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, thiếu hệ thống quan trắc, giám sát thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao; thiếu trang thiết bị phục vụ hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo ứng phó thiên tai; trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn vừa thiếu, vừa chưa phù hợp để kịp thời xử lý ứng cứu mọi tình huống.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ cấp bách trước mắt, nhiệm vụ thời gian tới; phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành; cho ý kiến giải quyết kiến nghị của các địa phương về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.

Quảng Nam đang sắp xếp lại dân cư miền núi thì tai họa ập đến

Cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Nam đã để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều điểm sạt lở tại huyện Nam Trà My, huyện Phước Sơn làm vùi lấp hàng chục người, đến nay công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vẫn đang diễn ra khẩn trương.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch và sắp xếp lại dân cư miền núi, năm 2017, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết Số: 12/2017/NQ-HĐND, thông qua đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, chỉ tiêu đến năm 2025, Quảng Nam sẽ có 2.500 hộ tại các huyện miền núi được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất.

Cụ thể, căn cứ quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch liên quan trên địa bàn 9 huyện miền núi tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, ổn định dân cư để triển khai thực hiện. Nhà nước hỗ trợ kinh phí trực tiếp đến hộ dân theo định mức đảm bảo công khai, minh bạch. Các địa phương có trách nhiệm lựa chọn địa điểm bố trí dân cư phải có đủ điều kiện đất ở, đất sản xuất, đảm bảo quỹ đất dự phòng đáp ứng nhu cầu về gia tăng dân số, thuận lợi trong việc kết nối các hạ tầng điện, giao thông, y tế, giáo dục, nguồn nước; phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân…

Ưu tiên bố trí các hộ gia đình ở phân tán, bị uy hiếp bởi thiên tai; sắp xếp lại các hộ dân tại các khu dân cư để đảm bảo sử dụng đất hợp lý và vệ sinh, an toàn, văn minh; mở rộng các khu dân cư hiện hữu để bố trí thêm. Trường hợp thật cần thiết mới san lấp mặt bằng xây dựng các khu dân cư tập trung, trong san lấp phải đảm bảo các giải pháp kỹ thuật phù hợp địa hình, hạn chế thấp nhất việc san ủi làm thay đổi kết cấu tự nhiên gây nguy cơ sạt lở.

Đối tượng áp dụng là hộ gia đình có nhu cầu bức xúc về chỗ ở, gồm: các hộ dân vùng thiên tai cần di dời khẩn cấp, hộ dân sống trong các khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hộ dân tộc thiu s, hộ nghèo ở xã khu vực III, vùng đặc biệt khó khăn và các hộ dân khác cần thiết phải sắp xếp, bố trí lại.

Mỗi hộ dân chỉ được hỗ trợ 01 lần với định mức hỗ trợ là được bố trí đất ở 200 m2/hộ; hỗ trợ di chuyển nhà: 20 triệu đồng/hộ; hỗ trợ san lấp nền nhà: 30 triệu đồng/nền nhà/hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt: không quá 1,5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ đường dây điện đấu nối đến từng hộ (phần sau công tơ): tối đa 100m/hộ, tương đương 3,5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ làm đường dân sinh bằng xi măng (theo thiết kế mẫu): tối đa 100m/hộ, không quá 10 triệu đồng/hộ,....

Ngày 10.9.2020, Báo cáo số 135 /BC-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian đến sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai tiếp những nội dung được quy định tại Nghị quyết 12/2017/NQ - HĐND

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Quang Nam