20/05/2014 2:44 PM
Trong thời gian qua, lãi suất huy động vốn của ngân hàng liên tục giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc với nguồn vốn dồi dào này và ngân hàng vẫn mải miết đi tìm đầu ra.

Nhiều DN muốn vay vốn nhưng không đủ năng lực tài chính, không có tài sản đảm bảo…

Trên thực tế, về bản chất, ngân hàng cũng là một DN với mặt hàng kinh doanh chính tiền tệ. Do đó, lợi nhuận luôn là tiêu chí luôn được ngân hàng quan tâm và chú trọng đến.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đang từng bước được cải thiện với tỷ lệ 1,27% trong 4 tháng đầu năm 2014. Trong đó, 80% dư nợ tín dụng tập trung vào hoạt động kinh doanh sản xuất, giảm 4% so với đầu năm do cho vay bất động sản và tiêu dùng tăng. Liên quan đến dư nợ tín dụng, trong đó cho vay 5 nhóm ưu tiên tăng 6,91%. Tức là giải ngân được 135 ngàn tỷ trên tổng số 965 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, khả năng môi trường tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn. Nhóm DN hết tài sản đảm bảo, nhưng có dự án kinh doanh khả thi và cơ hội phục hồi để rót vốn cho vay, các ngân hàng cũng phải hết sức thận trọng, vì trong bối cảnh thị trường hiện nay có quá nhiều rủi ro. Do đó, bản thân ngân hàng cũng không thể ồ ạt đẩy vốn ra thị trường để đạt mục tiêu tín dụng, mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng.

Hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm và biên lợi nhuận thu hẹp, lãi suất huy động vào khoảng 6,2%/năm, trong khi đó cho vay chỉ có 7,5 – 8%/năm với kỳ hạn ngắn và 9%/năm với trung và dài hạn, biên lợi nhuận chỉ có 2,2%, một mức quá thấp và không có lời cho ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng thường xem xét kỹ lưỡng hồ sơ vay vốn của DN để ra quyết định giải ngân cho vay vốn.

Về phía DN, nhiều ý kiến cho rằng, do nền kinh tế vẫn chưa có những tín hiệu phục hồi tích cực rõ nét, DN còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên chưa có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều DN đang phát triển và thực sự đang khát vốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn dồi dào này.

Đã có không ít ý kiến đề nghị ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay của ngân hàng xuống nữa để DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng mức lãi suất hiện nay đã phù hợp, nếu giảm thêm cũng không giải quyết được vấn đề gì. Điều cần thiết bây giờ là cơ chế hỗ trợ và hạ chuẩn để DN vừa và nhỏ được tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 10,8%, ngắn hạn khoảng 6,33% (dù huy động 6,52%). Như vậy, dù nếu cho vay ngắn hạn sẽ ít lỗ hơn nếu không cho vay nhưng theo ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank chia sẻ, hiện tỷ lệ ngân hàng từ chối khách hàng rất cao. Cứ 10 khách hàng nộp hồ sơ vay vốn thì có 7- 8 khách hàng bị từ chối. Vì vậy, có thể nói, một trong những nguyên nhân chính khiến ngân hàng còn e dè trong việc giải phóng nguồn vốn còn tồn đọng chính là nợ xấu.

Còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng DN cần tiền, ngân hàng không dám cho vay. Trong đó nguyên nhân chính là do sự buông thả của chính các DN khi sử dụng dòng vốn vay ngân hàng, dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, cụ thể như các DN vay ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, DN thua lỗ và không thể trả lãi ngân hàng, đặc biệt là đối với các DN kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều DN muốn vay vốn nhưng không đủ năng lực tài chính, không có tài sản đảm bảo… nên không đáp ứng đủ các tiêu chí về hồ sơ khiến ngân hàng không dám cho vay cho lo ngại rủi ro.

Trên thực tế, hiện nay có nhiều ngân hàng đã mạnh dạn cho DN vay tín chấp, cụ thể như ngân hàng Vietcombank đang tích cực đẩy mạnh cho DN vừa và nhỏ vay nhưng mới chỉ đạt được 5,8%/tổng dư nợ.

Ngoài ra, đối với DN kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện thí điểm sản phẩm liên kết 4 nhà với mục đích tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà đất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản và vật liệu xây dựng. Mục tiêu chính của sản phẩm tín dụng này là góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng, tạo điều kiện cho các DN có nợ quá hạn có thể vay vốn. Chương trình này cũng nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, giúp dự án có đủ vốn triển khai, hoàn thành đúng tiến độ...

Tuy nhiên, để thực sự đẩy mạnh được nguồn vốn tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các ngân hàng cần điều chỉnh một số cơ chế chính sách cho vay để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, tạo hành lang cho DN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dồi dào.

Hồng Nhung (Tạp chí Tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.