01/11/2018 8:46 PM
Mới đây, Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn chỉ rõ xã Minh Phú xác thực vào hợp đồng chuyển nhượng mua bán đất rừng.

Công trình xây dựng trái phép trên đất rừng ở xã Minh Phú. Ảnh: Lê Quân

Báo cáo do ông Lê Văn Sơn, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (Ban Quản lý rừng), thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ký, nêu rõ về 18 công trình xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ thuộc xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và chủ nhân của những công trình này.

Báo cáo của Ban Quản lý rừng đã vén màn "bí ẩn" chủ những công trình xây dựng trái phép trên đất rừng ở xã Minh Phú. Theo đó, năm 2017, qua công tác kiểm tra trên diện tích rừng quản lý, Ban Quản lý rừng đã phát hiện tình trạng xây dựng nhà và làm lán trại trên đất quy hoạch lâm nghiệp trái phép.

Sau khi phát hiện, Ban Quản lý rừng đã yêu cầu các hộ vi phạm tự khắc phục tháo dỡ hoàn trả mặt bằng. Dù vậy, vẫn còn một số hộ tại khu vực khoảnh 11 và 12 (theo quy hoạch rừng năm 2008) trên địa giới hành chính xã Minh Phú không chấp hành.

Nguyên nhân không chấp hành của một số chủ nhân công trình là, theo quy hoạch rừng năm 2008, diện tích các hộ đang vi phạm do là Ban quản lý rừng quản lý nhưng trên thực tế, các hộ đều có sổ lâm bạ do UBND huyện Sóc Sơn cấp từ năm 1990, có hợp đồng chuyển nhượng qua xã xác nhận; trong hợp đồng có đất thổ cư, phiếu thu xây dựng cơ sở hạ tầng, hóa đơn nộp thuế.

Những tấm biển này được dựng ở nhiều nơi nhưng rừng ở huyện Sóc Sơn vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: Lê Quân

Ban Quản lý rừng cũng nêu đích danh 18 công trình xây dựng trái phép trên đất rừng và tên chủ đầu tư.

Cụ thể, tại lô 7.1, khoảnh 12, chủ đầu tư là ông Phạm Mạnh Hà có diện tích 1.290m2; hợp đồng mua bán, chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận từ năm 2003. Ông Hà xây khung nhà thép với diện tích 85 m2. Ban Quản lý rừng lập biên bản từ tháng 6.2018 yêu cầu hộ dân tự tháo dỡ, tuy nhiên đến giữa tháng 8 công trình vẫn tồn tại.

Cũng tại lô 7.1, khoảnh 12, có chủ đầu tư là bà Nguyễn Thị Thu, theo quy hoạch 2008 là quản lý bảo vệ rừng, loại cây thông. Còn theo hồ sơ chủ đầu tư đất cung cấp, gồm: sổ lâm bạ thời gian cấp từ tháng 4.2003, diện tích được giao 1.080, đất trắng; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có xác nhận của UBND xã với diện tích 1.080, sử dụng vào mục đất thổ cư + vườn quả. Con trai bà Thu là Lương Minh Đức dựng khung nhà thép với diện tích 80 m2. Ngay sau khi phát hiện, Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn đã lập biên bản vi phạm, thu thập các loại hồ sơ liên quan, ra các thông báo yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành…

Các hộ khác, gồm: bà Tạ Phạm Bích Thủy, Lê Quỳnh Trang (1.260 m2); Lâm Thị Minh Phúc (2.000 m2); Trần Hồng Hạnh (2.018 m2); Trần Thị Kim (3.350 m2); Lê Xuân Long (3.251 m2); Đỗ Việt Anh (1.090 m2); ông Ngô Văn Cam (chủ sở hữu các lô 3-4-5, khoảnh 11); bà Vũ Thị Hải và hộ bà Nguyễn Thị Tuyết (diện tích 3.118 m2)... Các hộ còn lại, gồm hộ ông Hoàng Vượng; Đào Thị Thanh Thủy; Nguyễn Hồng Thủy; Nguyễn Thị Tâm; Vũ Thị Huệ không có diện tích cụ thể.

Theo Ban Quản lý rừng, các hộ nêu trên đều là đất bảo vệ, cải tạo nâng cấp, loài cây thông và nhiều cây ăn quả. Hợp đồng chuyển nhượng; đơn xin sửa chữa, cải tạo xây dựng công trình trên đất đều có xác nhận của UBND xã Minh Phú.

Ban Quản lý rừng cho rằng có sự trùng chéo trong phân cấp quản lý. Cụ thể, chưa có ranh giới phân định rõ giữa diện tích do Ban Quản lý rừng với các xã quản lý dẫn đến nhiều diện tích rừng theo quy hoạch 2008 giao cho Ban Quản lý rừng quản lý nhưng lại do các địa phương giao cho các hộ bằng sổ lâm bạ, có xác nhận của xã. Do có sự trùng chéo trong công tác giao đất, cấp đất nên việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của PV, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội là đơn vị được giao quản lý rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Tiền thân Ban này là Vườn ươm Lạc Long, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1956, Vườn ươm Lạc Long đổi thành Lâm trường Kim Đa, năm 1969 thì trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 1983 bộ Lâm nghiệp hợp nhất 3 đơn vị là Lâm trường Kim Đa, Xí nghiệp giống cây con Minh Phú, Trạm thí nghiệm cơ giới trồng rừng Minh Phú trên địa bàn Sóc Sơn và đổi tên thành Lâm trường thực nghiệp Sóc Sơn.

Trải qua nhiều lần đổi tên, năm 2017, UBND TP.Hà Nội có quyết định số 1611/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội trên cơ sở hợp nhất từ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn và Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội. Hiện nay Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng HN đang chờ UBND TP.Hà Nội phê duyệt bổ nhiệm lãnh đạo mới của ban.

Tại quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 của UBND TP, phần diện tích rừng và đất thuộc trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội quản lý là 2.095,5 ha nằm trên 9 xã thuộc huyện Sóc Sơn (Minh Phúc, Nam Sơn, Quang Tiến, Tiên Dược, Hồng Kỳ, Phù Linh, Hiền Ninh, Minh Trí và Bắc Sơn).

Theo Ban Quản lý rừng, đến nay, vẫn chưa đo đạc bản đồ địa chất lâm nghiệp và các loại đất khác nằm trong vùng quy hoạch rừng, chưa có bản đồ địa chính, chưa có quyết định giao đất rừng; Quy hoạch rừng vẫn còn có đất thổ cư, ruộng, vườn cây và nương rẫy cố định xen kẽ trong rừng phòng hộ.

Lê Quân (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.