Hiện, hầu hết các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất cực hấp dẫn (0%) nên được nhiều đối tượng cá nhân ưa thích. Tuy vậy, trên thực tế, lãi vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng ở mức rất cao so với mặt bằng lãi suất tín dụng thông thường ở Việt Nam.
Hoạt động cho vay trả góp qua thẻ tín dụng được các chuyên gia đánh giá là có lợi cho cả bên vay và tổ chức tín dụng (TCTD). Cho rằng đây có thể là “lối thoát” cho tín dụng của không ít ngân hàng khi thanh khoản đang dồi dào và “thượng đế” sẽ giải quyết được nhu cầu về hàng hoá trước mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cũng cảnh báo rằng đi kèm với lợi ích trước mắt sẽ là rủi ro cho cả hai.
Vay “ngọt ngào”
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng cuối năm, không chỉ các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cũng nỗ lực phát hành thẻ tín dụng bằng rất nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn cùng với mức lãi suất 0% như, tích điểm thưởng đổi quà tặng giá trị với Chương Trình Điểm Thưởng, miễn phí phí phát hành thẻ…
Đáng nói, đối với các khoản vay tiêu dùng này, khách hàng không cần tài sản đảm bảo, bởi ngân hàng và công ty tài chính sẽ áp dụng hình thức tín chấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng này.
Những khoản vay này có hạn mức tín dụng từ vài triệu đến tối đa 200 triệu đồng, hồ sơ đơn giản và giải ngân chỉ trong thời gian ngắn. Khách hàng có nhu cầu vốn tiêu dùng chỉ cần xuất trình giấy CMND, hộ khẩu hoặc KT3.
Vay trả góp qua thẻ tín dụng đi kèm với lợi ích trước mắt sẽ là rủi ro cho cả hai
Thậm chí, một số khoản vay nhỏ lẻ được giải quyết ngay tại điểm bán (điện thoại, máy tính, tủ lạnh…), người vay chỉ cần có CMND là các công ty tài chính giải quyết hồ sơ và giải ngân sau 15 phút. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, hình thức vay tín dụng này đang được nhiều đối tượng thu nhập thấp lựa chọn để giải quyết nhu cầu trước mắt của mình và gia đình.
Tuy nhiên, theo quy định của các TCTD hiện nay, nếu khách hàng sử dụng tiền trong thẻ tín dụng theo quy định 45 ngày trả nợ thì không phải trả lãi. Trường hợp sau 45 ngày, khách hàng không thanh toán và nộp đủ hạn mức đã chi tiêu vào thẻ, lãi suất được các ngân hàng áp dụng mức khá cao, phổ biến ở mức 27 – 30%/năm.
Nợ “đắng chát”
Các chuyên gia tài chính cảnh báo, trước những lời chào mời vay tiêu dùng, khách hàng cần hết sức cẩn trọng và tìm hiểu kỹ bởi lãi suất quá hạn được các ngân hàng và công ty tài chính áp dụng rất cao.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, các TCTD được lãi thỏa thuận mức lãi suất cho vay tiêu dùng với khách hàng. Bởi vậy, mới có câu chuyện lãi cao “cắt cổ”, hay được ví như “tín dụng đen” mà các công ty tài chính đang áp dụng cho các khoản vay quá hạn. Hiện, mức lãi suất mà các ngân hàng tại Việt Nam áp dụng cũng rất đa dạng (từ 25% đến 30%/năm), tùy theo từng nhóm ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh niêm yết lãi suất thấp nhất, sau đó đến các ngân hàng cổ phần và cao nhất là các ngân hàng nước ngoài.
Đáng chú ý hơn, với hình thức vay thông qua hình thức thấu chi tài khoản thẻ tín dụng, thời gian vay lên tới 12 tháng, lãi suất sẽ cao gấp đôi, gấp ba so với lãi vay tiêu dùng thông thường.
Hiện nay, mức lãi suất trả theo dư nợ gốc áp dụng với mua hàng trả góp ở mức từ trên 3 –5,5%/tháng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính dao động trên dưới 6 – 7%/tháng.
Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia tài chính cho rằng lãi suất thẻ tín dụng bao giờ cũng ở mức rất cao so với mặt bằng lãi suất tín dụng thông thường là vì rủi ro mất vốn khá lớn, do không có tài sản thế chấp.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng vay tài chính tiêu dùng thì lãi suất không thể thấp, nhất là đối với các khoản vay tín chấp, nhưng không phải vì thế mà được phép tính lãi suất quá cao vì sẽ làm tăng gánh nặng cho khách hàng và dễ dẫn đến mất khả năng trả nợ bởi những khách hàng này thường có mức thu nhập thấp.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng không chỉ khách hàng cần phải cẩn trọng khi dùng thẻ tín dụng với mức lãi sau thời hạn ưu đãi, mà ngân hàng cũng phải “dè chừng” với nợ xấu từ thẻ tín dụng.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu khối tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao hơn so với các loại hình tín dụng thông thường. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các ngân hàng và tổ chức tài chính chỉ nên cấp hạn mức tín dụng tương xứng với mức thu nhập của khách hàng nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Huyền Anh (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.