24/11/2016 9:59 AM
Hơn 1 tháng nữa là sẽ tới thời điểm áp dụng mức trần lãi suất 20%. Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc triển khai điều khoản 468 của Bộ luật Dân sự. Điều này khiến cho các tổ chức tín dụng (TCTD) lo lắng, trông đợi.
Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017. Đáng chú ý có Khoản 1, Điều 468 của Bộ luật quy định: Lãi suất do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Bên cạnh các giao dịch dân sự, các đối tượng cụ thể trong “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” quy định trong Khoản 1, Điều 468 vẫn chưa được xác định rõ ràng, khiến cho hoạt động của các tổ chức tài chính bị lâm vào cảnh lúng túng và bị động.
Khảo sát cho thấy, trên thị trường tài chính hiện có một số tổ chức hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực vay tiêu dùng bao gồm các tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty tài chính (CTTC).
Chỉ còn không đầy 3 tháng nữa là sẽ tới thời điểm áp dụng mức trần lãi suất 20%.
Cũng giống như các TCTD khác, các CTTC thường đưa ra một mức lãi suất nhất định đối với các khoản tiền vay. Đây là cách giúp cho các tổ chức này có thể tự đứng vững, ổn định, trở thành nhà cung cấp tài chính trong dài hạn trong khu vực mà các tổ chức này hoạt động.
Tuy nhiên, do quản lý nhiều khoản vay nhỏ thường tốn chi phí hơn so với việc quản lý một khoản vay lớn, nên một số tổ chức thường đưa ra mức lãi suất cao hơn so với mức lãi suất thông thường để có thể bù đắp được chi phí quản lý và rủi ro.
Vòng quay này đang bị xáo trộn bởi trần lãi suất 20% nêu trong Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo phân tích của một vị chuyên gia trong lĩnh vực tài chính: Cần tính toán kỹ càng về chi phí, vay của NHTM là bao nhiêu? Chi phí phải bỏ ra để hoạt động là bao nhiêu?... Từ đó, mới so sánh được mức 20% là cao hay thấp? Thông qua những bài toán thực tế cũng như bài toán chi phí lợi ích thực tế, thì khi lãi suất trần được áp dụng, thiệt thòi đầu tiên sẽ thuộc về khách hàng, đó là những người mong muốn vay vốn để chi dùng trong cuộc sống hàng ngày, khi chưa đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Còn đối với hệ thống NHTM, trước hết, theo tinh thần của các quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Luật Các tổ chức tín dụng, mặc dù chưa hoàn toàn cụ thể song có thể hiểu rằng, lãi suất trong hoạt động ngân hàng ở điều kiện bình thường sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không theo trần lãi suất.
Chỉ trong điều kiện thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng. Cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng của TCTD với khách hàng.
Như vậy, nếu trần lãi suất cho vay tại Bộ luật Dân sự 2015 điều chỉnh đối với cả hoạt động ngân hàng thì luôn luôn có một mức lãi suất trần khống chế với hoạt động kinh doanh của các TCTD.
Thực vậy, với tư cách là trung gian tài chính nhận tiền gửi từ công chúng và sử dụng tiền gửi này để cấp tín dụng, mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay… Do vậy, TCTD thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng và từng loại khoản vay, nên việc áp cùng một mức trần lãi suất cho vay là thiếu hợp lý.
Riêng về hoạt động vay tiêu dùng tại các CTTC, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho rằng, đây là hoạt động vay mượn khá đặc thù, dựa trên tín chấp là chủ yếu và các thủ tục giấy tờ khá đơn giản, nên độ rủi ro cao hơn so với các hình thức tín dụng thông thường. Do đó, để bù đắp rủi ro, lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ cao hơn so với mặt bằng lãi suất chung.
Để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng, theo TS. Cấn Văn Lực, không nên áp trần lãi suất mà phải dựa trên thỏa thuận giữa khách hàng và bên cho vay. Nếu khống chế trần lãi suất sẽ gây rủi ro, làm méo mó thị trường. Hơn nữa, lại không phù hợp với xu hướng hội nhập mà Việt Nam đang theo đuổi. Trong điều kiện đặc biệt, nhà quản lý có thể sử dụng công cụ hành chính, tuy nhiên, việc sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hành chính sẽ càng gây khó cho cả hai, cả bên cho vay lẫn người đi vay.
Về những phản ánh của thị trường, lãnh đạo của NHNN đã từng khẳng định, việc áp dụng mức trần lãi suất 20%/năm là đối với các quan hệ dân sự ngoài ngân hàng, loại trừ áp dụng với các ngân hàng đã hoạt động theo Luật các TCTD. Bởi trên thực tế, Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định các TCTD được phép thỏa thuận lãi suất theo điều khoản nêu trong Bộ luật Dân sự 2015: “trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác”.
Chính vì vậy, để nhằm giúp thị trường hoạt động một cách minh bạch và bền vững, Nhà nước cần sớm ban hành thêm Thông tư hướng dẫn về việc thực hiện Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể hơn. Trong đó, cần giải thích rõ “trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác” nêu tại Khoản 1, Điều 468 của Bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ áp dụng cho những đối tượng cụ thể nào. Có như vậy mới giải tỏa nỗi lo cho DN, thúc đẩy thị trường phát triển.
Tâm Minh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.