07/05/2021 8:24 AM
Vay ngân hàng mua căn nhà cũ để sửa lại bán sang tay kiếm chênh lệch, vợ chồng trẻ người Thái Bình phải vay tín dụng đen để trả nợ. Họ rơi vào vòng nợ nần, đau đầu vì lãi trong lãi ngoài.

Vợ chồng anh Hoàng chị Nhung quê ở Thái Thụy, Thái Bình cưới nhau năm 2014. Do công việc dưới quê không đảm bảo thu nhập nên năm 2018, anh chị quyết định lên Hà Nội, thuê nhà đi làm. Anh Hoàng làm công nhân xây dựng, thu nhập 12 triệu đồng/tháng; chị Nhung làm cho một công ty may mặc, thu nhập 8 triệu đồng/tháng.

Do làm bên xây dựng, thường xuyên sửa chữa công trình nhà dân nên anh Hoàng nảy ra ý tưởng đứng ra thuê căn hộ giá thấp rồi đầu tư sửa chữa, cho thuê lại ăn chênh lệch.

"Tháng 9 năm 2020, vợ chồng mình thuê lại 4 căn hộ tập thể cũ với giá 3 triệu đồng/căn. Tranh thủ buổi tối, hai vợ chồng mua giấy dán tường hoặc sơn lại những căn hộ đó. Vì chồng mình biết nghề nên chỉ mất khoảng một tuần là mỗi căn hộ đều được trang hoàng lại nhìn sáng sủa, gọn gàng hơn rất nhiều. Mọi thứ ổn thì mình chụp ảnh, đăng lên facebook tìm khách cho thuê với giá 4,5 triệu đồng/căn. Vậy là mỗi tháng, mình kiếm thêm được 6 triệu đồng", chị Nhung kể.

Ảnh minh họa

Cuối năm đó, gần chỗ trọ của vợ chồng chị có rao bán một căn nhà cấp 4 rộng 35m2, có sổ đỏ với giá 800 triệu đồng. Vì nhà quá cũ, tường bên trong ẩm mốc, gạch nền hỏng, khách tới xem đều lắc đầu đi ra. Vợ chồng chị sang khảo sát thấy nhà kiên cố, vị trí đẹp, chỉ là tường bị tróc vữa, đầu tư tu sửa sẽ dễ bán nên anh chị quyết định vay tiền mua căn nhà đó để sửa lại, bán sang tay kiếm chênh lệch.

Lúc đó, vợ chồng chị Nhung chỉ có 500 triệu đồng. Hai vợ chồng về quê vay anh em trong họ được 400 triệu đồng, đủ lấy căn nhà và bỏ ra thêm 80 triệu đồng để làm lại tường nhà, lát nền, ốp trần thạch cao.

Sau gần 1 tháng sửa chữa, ngôi nhà nhìn như mới. Đúng như dự tính ban đầu, sau khi hoàn thành sửa chữa, vợ chồng chị rao bán căn nhà với giá 1,080 tỷ đồng. Trong vòng 2 tuần, đã có khách mua ngay. Sau khi trả nợ, trừ tiền đầu tư sửa chữa, vợ chồng chị lời được 200 triệu đồng.

Nhận thấy lợi nhuận từ việc mua nhà cũ về sửa chữa rồi bán sang tay, vợ chồng chị Nhung lại mua một căn hộ tập thể cũ với giá 1,45 tỷ đồng của người quen.

"Thời điểm này, vợ chồng mình chỉ có 800 triệu đồng, còn lại 700 triệu đồng phải vay ngân hàng với lãi suất 8%. Sau đấy, tụi mình bỏ thêm 100 triệu đồng để sửa chữa, làm lại tường, lát lại sàn rồi rao bán với giá 1,75 tỷ đồng. Mình vay ngân hàng trong vòng 1 năm, tính chỉ khoảng một hai tháng bán được nhà mình sẽ trả ngân hàng sớm, chấp nhận chịu phạt", chị Nhung chia sẻ.

Việc mua nhà cũ sửa sang rồi bán lại không phải lúc nào cũng có lời (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc làm ăn lần này của vợ chồng chị Nhung không được suôn sẻ như kế hoạch định ra. Sau khi sửa chữa hoàn thiện căn hộ, anh chị rao bán trong suốt mấy tháng vẫn không gặp được khách, hoặc có khách hỏi lại trả giá quá thấp. Trong khi mỗi tháng, anh chị phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi là 62 triệu đồng.

"Tổng thu nhập của vợ chồng mình bao gồm cả lương và tiền chênh lệch từ cho thuê lại phòng trọ cộng lại mới được 26 triệu đồng, không đủ trả nợ định kỳ hàng tháng của ngân hàng. Không còn cách nào, vợ chồng mình đành trích 12 triệu đồng từ thu nhập ra rồi quay sang vay tín dụng đen 50 triệu đồng mỗi tháng với lãi suất 150.000 đồng một ngày để tạm thời trả nợ ngân hàng".

Sau 5 tháng không gặp được khách, tiền nợ tín dụng đen mỗi ngày một đội lên. Không chịu được áp lực, vợ chồng chị Nhung buộc phải rao bán căn hộ với giá 1,1 tỷ đồng. Tổng cộng, vợ chồng trẻ quê Thái Bình lỗ gần 300 triệu đồng.

"Mặc dù bán căn hộ phải bù lỗ không ít nhưng vợ chồng mình thấy như rũ bỏ được gánh nặng trên vai. Nếu chưa bán được, vợ chồng mình còn lo tới mất ăn mất ngủ. Hàng ngày cứ nghĩ tới lãi trong lãi ngoài, không khác gì một cổ 2 tròng, là vợ chồng đứng ngồi không yên. Việc làm ăn lần này cũng là do vợ chồng mình chủ quan, tính toán không kỹ nên mới bị rơi vào tình thế nợ nần như vậy", chị nói.

Chị Nhung kể thêm, tới giờ mỗi khi nhắc lại chuyện mua nhà lần đó, chị vẫn thấy ám ảnh với cảnh chạy vạy trả nợ trả ngân hàng nên vợ chồng dặn nhau, nếu lần sau có làm ăn phải tính toán thật chắc, không thể "ngồi đếm cua trong lỗ" như vậy được.

  • Cần chú ý những gì khi mua nhà cũ?

    Cần chú ý những gì khi mua nhà cũ?

    CafeLand - Trong khi lãi suất thế chấp ở mức thấp tiếp tục thúc đẩy nhu cầu của người mua sau đại dịch Covid-19, vẫn có nhiều yếu tố khác cần tính đến trong kế hoạch tài chính của bạn. Nguồn cung thấp nghĩa là bạn có khả năng mua phải những căn nhà cần được sửa chữa và bảo dưỡng.

Thu Giang (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.