Bộ Xây dựng đã có văn bản (ngày 26-7) tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở của người vay tiền hỗ trợ nhà ở từ gói 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Sửa nội dung xác nhận
Trong Thông tư 07/2013, Bộ Xây dựng yêu cầu người muốn vay hỗ trợ nhà ở phải được UBND xã, phường nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận chưa có căn nhà nào hoặc có nhưng diện tích quá nhỏ. Tuy nhiên, thời gian qua các UBND xã, phường từ chối xác nhận do không quản lý về tình trạng nhà ở của người dân. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng từ chối với lý do tương tự. Thực tế này đã được Pháp Luật TP.HCM ngày 16-7 phản ánh trong bài “Không ai dám xác nhận tình trạng nhà”.
Tại văn bản nêu trên, Bộ Xây dựng đã sửa đổi yêu cầu về nội dung xác nhận tình trạng nhà ở của người vay. Theo đó, UBND xã, phường chỉ phải xác nhận thực trạng nhà ở về hai nội dung: Số lượng thành viên trong gia đình và diện tích nhà ở tại địa chỉ người xin xác nhận có đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú và thực tế đang sinh sống.
Người vay tiền hỗ trợ mua nhà từ gói 30.000 tỉ đồng sẽ được UBND xã, phường xác nhận thực trạng nhà ở. Ảnh: HTD
Theo Bộ Xây dựng, người đi vay sẽ phải cam kết về thực trạng nhà ở của mình. “Người đứng đơn xin xác nhận về thực trạng nhà ở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đã có nhà ở khác trong địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở họ muốn vay vốn để thuê, mua nhà ở” - văn bản nêu rõ.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND xã, phường phải xác nhận thực trạng nhà ở cho người dân; tránh không để người dân đến nhưng không được xác nhận mà không có lý do.
“Nếu vậy thì phường làm được”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một số phường thuộc các quận nội thành đều cho hay: Hướng dẫn của Bộ Xây dựng đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều so với yêu cầu trước đây.
Ông Tô Trung Kiệt, Chủ tịch UBND phường 15, quận 10, bày tỏ: Với yêu cầu phải xác nhận người vay tiền chưa có nhà ở như trước đây thì thật sự phường không thể đáp ứng. Lý do là phường không quản lý về nhà ở, không có sự liên thông với các cơ quan như công chứng, tài nguyên môi trường, ngân hàng để nắm được thông tin.
“Nay nếu chỉ xác nhận hai nội dung là số nhân khẩu và diện tích thì phường làm được. Người dân cứ nộp đơn tại UBND phường, sau đó chúng tôi sẽ nhờ công an phường kiểm tra, đối chiếu về số nhân khẩu. Còn xác nhận về diện tích nhà ở thì cán bộ địa chính thực hiện” - ông Kiệt khẳng định.