Qua 5 năm triển khai chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước đã sử dụng 100% vật liệu này. Riêng các công trình dân sinh, người dân vẫn chưa quan tâm sử dụng mà còn nghi ngại về chất lượng đối với VLXKN.
Sản phẩm gạch không nung khi hoàn thiện, đảm bảo cung ứng ra thị trường
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN, tiến đến thay thế gạch đất sét nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng, Trong năm 2012, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-CT về việc “Tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh”.
Văn bản nêu rõ: Tất cả các công trình sử dụng vốn Nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng VLXKN. Tại các đô thị loại III phải sử dụng 100% VLXKN kể từ năm 2014; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN từ năm 2014 đến hết năm 2015; sau năm 2015 phải sử dụng 100% VLXKN.
Các công trình nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng VLXKN, đặc biệt là VLXKN loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây. Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử dụng VLXKN.
Giao Sở Xây dựng tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường về cung, cầu, giá cả, hợp quy để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, nhằm triển khai tốt chủ trương của Chính phủ.
Vậy nhưng hiện nay, tùy thuộc khả năng đáp ứng, chất lượng của VLXKN ở từng địa bàn, tỷ lệ các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước sử dụng VLXKN trên địa bàn từ 30 - 80%. Những dự án phê duyệt từ tháng 6/2016 tại các đô thị như TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, thị trấn Kiến Giang, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Đồng Lê bắt buộc sử dụng 100%, các khu vực còn lại sử dụng 50% vật liệu này.
Từ việc thực hiện nghiêm túc công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, nên các chủ đầu tư, đơn vị thi công đã tuân thủ thực hiện theo chỉ thị. Các chủ đầu tư đã đưa VLXKN vào công trình từ khâu lập dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán, thẩm định, phê duyệt dự án đến thi công xây lắp.
Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất thiết kế trên 100 triệu viên/năm, cơ bản đáp ứng cho nhu cầu cung ứng đủ vật liệu. Riêng các công trình dân sinh, thực tế cho thấy người dân vẫn chưa quan tâm sử dụng mà còn nghi ngờ về chất lượng đối với VLXKN.
Việc sử dụng vật liệu xây bằng đất sét nung truyền thống đã trở thành tập quán sử dụng của họ, họ cho rằng giá cả của loại vật liệu này lại rẻ hơn, trọng lượng nhẹ hơn và dễ thi công hơn.
Gạch sét nung truyền thống đã trở thành tập quán sử dụng trong xây lắp của một bộ phận cư dân.
Nhiều nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng và người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ, nắm bắt chưa đầy đủ các quy định của Nhà nước và các tính năng vượt trội của VLXKN.
Chủng loại VLXKN chưa được đa dạng nên việc xây các kết cấu phức tạp gặp nhiều khó khăn. Kỹ năng xây tô và lắp đặt các thiết bị âm tường đối với VLXKN chưa quen, nên đã gặp khó khăn trong quá trình thi công.
Nhiều nhà đầu tư sản xuất VLXKN chưa quan tâm đến chất lượng của sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, không thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy theo quy định, hoặc nếu có thực hiện thì cũng chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thực tế, chưa có ý thức quan tâm đúng mức để kiểm soát chất lượng cho sản phẩm.
Một nhà thầu xây lắp công trình dân dụng từng chia sẻ rằng: Khi áp dụng gạch xây không nung cho các công trình dân sinh và công trình Nhà nước thì việc thi công đơn giản, tốn ít vữa xây hơn gạch sét nung. Nhưng thi thoảng có hiện tượng nứt tường không theo quy luật, các vết nứt ngang, phương thẳng đứng, xiên tường... gây thấm, giữ ẩm lâu làm hư hỏng lớp sơn tường. Tuy không gây hư hỏng công trình, nhưng làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ.
Phía UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng VLXKN; bố trí kinh phí khuyến công, vốn khoa học hàng năm ưu tiên hỗ trợ cho các dự án đầu tư sản xuất VLXKN; các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia trong lĩnh vực sản xuất VLXKN.
Nhất Linh (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.