Xây dựng mặt hàng, thị trường chủ lực
Nếu như cách đây 10 năm, Việt Nam còn phải NK nhiều chủng loại vật liệu xây dựng để phục vụ tiêu dùng trong nước, thì nay ngành sản xuất VLXD không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn có sản phẩm XK ở trên 100 nước trên thế giới. Nhiều DN đã từng bước tìm thị trường XK hàng hoá sản phẩm của mình ra nước ngoài...
Đi tiên phong trong XK VLXD là các sản phẩm thuộc lĩnh vực gốm sứ xây dựng. Từ nhiều năm qua, các DN như Viglacera, Vinaconex, Hoàng Gia, Hồng Hà, Taicera, Đồng Tâm, ToTo đã nỗ lực tìm kiếm thị trường với các hình thức tham gia các kỳ hội chợ quốc tế, chào hàng ra nước ngoài... kim ngạch XK tăng dần qua từng năm. Tới nay, các sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có mặt ở trên 40 quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia, XK VLXD giúp tăng thu ngoại tệ giảm sức ép dư cung, DN đảm bảo sản xuất và liên tục quay vòng vốn. Bên cạnh đó các DN VLXD cũng có điều kiện tham gia thị trường quốc tế để cạnh tranh và trưởng thành về nhiều mặt.
Tuy nhiên, theo như nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mặc dù sản phẩm VLXD của ta đã có bước nhảy vọt về XK trong những năm gần đây nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, cho dù có tiềm năng nhưng giá trị còn nhỏ so với nhiều ngành hàng khác. Vì vậy, cần phải có "cú đấm" để đẩy mạnh XK VLXD mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa. Muốn vậy cần phải xây dựng được những mặt hàng chủ lực, thị trường chủ lực...
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện việc XK các sản phẩm VLXD của nước ta chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Phần lớn các đơn hàng XK hiện nay đều qua trung gian nên phải chịu một khoản chi phí môi giới khá cao làm tăng giá thành sản phẩm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác.
Cần có chiến lược dài hơi
Hiện hầu hết các mặt hàng VLXD sản xuất trong nước đều lâm vào tình trạng "cung vượt quá cầu". Để cân bằng, phải XK được 20-30% sản lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ này chỉ đạt cầm chừng ở mức 5-10%. Tuy chỉ XK được với số lượng khá ít nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh, hiện việc XK VLXD hiện nay cũng đang gặp không ít trở ngại. Đơn cử như hai sản phẩm thép cuộn cán nguội và ống thép đã có nguy cơ bị nước ngoài kiện chống bán phá giá.
Còn đối với nhóm xi măng, việc XK cũng chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế, nhằm giảm áp lực cạnh tranh trong nước khi cung vượt cầu quá cao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Bởi hiện nay, thị trường thế giới cũng đang thừa xi măng, chỉ một vài nơi thiếu trong ngắn hạn nhưng trong vòng vài năm tới hầu hết các nước đều đã có kế hoạch đáp ứng nhu cầu như Indonesia, Bangladesh, châu Phi…
Ông Phạm Văn Bắc cũng cho biết, việc XK hàng sang thị trường các nước Tây Âu, Nga, Mỹ... cũng gặp không ít khó khăn về thuế quan và các chi phí cho tiếp thị, vận tải. Chỉ tính riêng chi phí vận chuyển hàng sang những nước này đã chiếm khoảng 30-40% giá thành. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm và dịch vụ bán hàng ở đây cũng tương đối khắt khe. Đặc biệt, tại thị trường Nga, hàng VLXD của nước ta bị đánh thuế NK ở mức 60-70%.
Vì vậy, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), định hướng cho việc XK VLXD trong giai đoạn tới đã được xác định rất rõ. Theo đó, về thị trường, ngoài các thị trường sẵn có của mình, các công ty cần đầu tư cho việc nghiên cứu sâu các thị trường như châu Phi, châu Mỹ, châu Á như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, thị trường Trung Đông... Các hiệp hội nên chủ động xây dựng mạng lưới, chủ động tổ chức hợp tác XK, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại... để tạo điều kiện cho các DN XK VLXD.
Về định hướng sản phẩm, các DN nên hướng tới các loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chất lượng cao cho các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc... Đồng thời tìm loại sản phẩm có chất lượng phù hợp chào hàng vào thị trường trung bình như Nga, các nước châu Phi, Thái Lan...
Đồng thời, tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ gia công để làm ra các sản phẩm cuối cùng, hạn chế XK nguyên liệu, bán sản phẩm chưa hoàn chỉnh để từng bước nâng giá trị của hàng hóa XK củaViệt Nam. Ví dụ với đá granit cần đầu tư công nghệ xẻ đá, mài đá để XK các sản phẩm ốp lát, hạn chế tối đa XK đá tấm, đá phiến. Với kính xây dựng nên đầu tư công nghệ gia công sau kính để XK các sản cuối cùng là có giá trị kinh tế cao hơn, tạo cho sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Cũng theo ông Phạm Văn Bắc, để việc XK đạt hiệu quả, cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới XK VLXD vào các thị trường lớn và có tiềm năng lâu dài.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương): Thị trường Trung Đông là một trong những thị trường tiềm năng cho việc XK VLXD của Việt Nam. Tại khu vực này ngân sách dành cho xây dựng hàng năm tăng trên 20%. Ngoài ra, thời điểm hiện tại có thể nói Trung Đông là một "đại công trường" với trên hàng ngàn các dự án xây dựng khổng lồ đang và sẽ triển khai... Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera: Viglacera kiến nghị với các cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa cho DN XK trong công tác xúc tiến thương mại; đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục XK, thông quan nhằm giảm chi phí cho DN. Đồng thời, có cơ chế, chế tài thích hợp như hàng rào thuế quan hoặc giấy phép NK đối với những sản phẩm VLXD NK không đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế… Ông Bùi Văn Luyện - Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Hạ Long: Ngành sản xuất VLXD trong nước cũng như XK ra nước ngoài còn gặp nhiều trở ngại bởi các DN trong nước chưa có sự liên kết, trao đổi thông tin với nhau do khoảng cách (hiện chỉ có ba nhà máy sản xuất xi măng là Nhà máy xi măng Cẩm Phả, Hạ Long, Thăng Long là có được sự liên kết chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin vì được xây dựng gần nhau). Bên cạnh đó, các DN cần đầu tư về công nghệ, chắp nối, thống nhất giá giữa các nhà máy xi măng với nhau để tránh tình trạng bị đối tác nước ngoài ép giá; hướng tới phát triển công nghệ xanh trong sản xuất, đảm bảo môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu… Hiện nay, trong đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, thông thường họ yêu cầu DN Việt Nam phải giữ giá ổn định trong thời gian ít nhất là từ 6 tháng đến 1 năm. Nhưng với tình trạng giá điện, giá than liên tục tăng giá thì việc giữ giá ổn định là không khả thi. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần điều chỉnh giá nguyên liệu đầu vào, giá điện, than hợp lý để các DN sản xuất trong nước dựa trên cơ sở đó để quyết định giá XK ổn định. X.T (ghi) |