Bỏ cơ sở lạc hậu
Từ năm 2011, chấm dứt hoạt động của các cơ sở sử dụng đất sét để sản xuất gạch ngói nung bằng lò thủ công, từng bước xóa bỏ các cơ sở sản xuất sử dụng đất sét làm gạch ngói nung. Đến năm 2015, hoàn tất xóa bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế thấp. Đây là một trong những mục tiêu của Quy hoạch phát triển VLXD TPHCM đến năm 2020 mà Sở Xây dựng vừa công bố. Theo đề án quy hoạch được duyệt, TPHCM sẽ trở thành trung tâm giao dịch, trưng bày, triển lãm sản phẩm VLXD quy mô lớn. Đến năm 2020, hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi TP đến những địa phương có quy hoạch phù hợp. Các cơ sở sản xuất VLXD khác nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ra khỏi TP đến những địa phương có quy hoạch phù hợp hoặc vào các khu công nghiệp của TP nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường. Các hình thức đầu tư vào ngành VLXD cũng được đa dạng hóa để thu hút mọi nguồn lực.
Sở Xây dựng cho biết, theo định hướng quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020, một số mặt hàng VLXD sẽ không được đầu tư xây dựng như xi măng, khai thác đất sét sản xuất gạch nung, ngói nung; không khai thác đá xây dựng, cát trên địa bàn TP. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn TP phải liên doanh, liên kết với các địa phương khác ở gần để đầu tư khai thác các mỏ đá, cát có chất lượng tốt, trữ lượng lớn để tạo nguồn cung ổn định cho nhu cầu xây dựng của TP. Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Thành Tài lưu ý, trong quá trình thực hiện cần có chính sách cho những cơ sở bị di dời, giải thể và có chính sách quan tâm đến ngành sử dụng công nghệ mới nhằm khuyến khích để có những chuyển biến lớn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh VLXD.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Tài, với mục tiêu phát triển ngành VLXD trở thành ngành kinh tế mạnh của TP trong năm 2020, ngành VLXD TPHCM sẽ chú trọng kết hợp hài hòa các nhân tố: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, các VLXD có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít tốn năng lượng, nhiên liệu, quy mô hợp lý sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Đồng chí Lê Văn Tới, Vụ trưởng vụ VLXD - Bộ Xây dựng cho biết, TPHCM là địa phương thứ 32 trong cả nước công bố quy hoạch phát triển VLXD. TPHCM là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, vì vậy nhu cầu về xây dựng ngày càng lớn, đòi hỏi sản phẩm phải có tính cạnh tranh cao, nhẹ, bền và có lợi cho sức khỏe con người hơn.
Thân thiện với môi trường
Hội thảo cũng đã giới thiệu các điểm sản xuất vật liệu xây dựng tại các khu công nghiệp TPHCM và các KCN lân cận; các dây chuyền thiết bị sản xuất VLXD không nung. Tại đây, các chuyên gia cho rằng, việc sản xuất các VLXD không nung đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, hướng tới một sự phát triển bền vững. Không chỉ thế, việc sản xuất VLXD không nung còn đem lại hiệu quả kinh tế cao trong các công trình xây dựng. Chẳng hạn như Công ty Xây dựng 3D đã nghiên cứu thành công dây chuyền sản xuất tấm V-3D (là vật liệu kết cấu công trình, được sử dụng làm sàn, tường chịu lực và bản thang trong công trình xây dựng) và ứng dụng công nghệ xây dựng 3D panel tiên tiến vào Việt Nam thay cho việc nhập công nghệ từ nước ngoài.
|
Theo đó, tấm V - 3D được sản xuất từ 100% nguyên vật liệu trong nước có giá thành giảm, việc bảo dưỡng, sửa chữa cũng đơn giản, tiện lợi hơn rất nhiều. Hơn nữa, đây là một loại VLXD “xanh”, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và môi trường, đáp ứng được tiêu chí vật liệu nhẹ không nung thay thế gạch đất xét nung.
Nói về gạch trong xây dựng, đại diện Công ty CP Vương Hải cho biết, gạch không nung được sản xuất từ xi măng cùng với các nguyên liệu thô khác như cát, mạt đá, xỉ than, vôi, thạch cao, tro bay… với nhiều công nghệ sản xuất khác nhau. Đây là loại gạch mà sau khi định hình thì tự động rắn đạt các chỉ số về cơ học như cường độ nén, uốn, độ hút nước… mà không phải sử dụng nhiệt nung viên gạch nhằm tăng độ bền của viên gạch. Không chỉ thân thiện với môi trường mà so sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng, sản phẩm VLXD không nung có nhiều tính vượt trội hơn so với VLXD nung.
Chẳng hạn như: sản phẩm chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt và kính thước chuẩn xác; giảm thiểu được kết cấu rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vữa xây, giá thành hạ. VLXD không nung giảm thiểu rất nhiều sự ô nhiễm môi trường trong khi tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu rẻ tiền hiện có tại các vùng miền và tạo ra được nhiều loại VLXD có giá thành thấp.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, thực tế đã thấy rõ VLXD không nung có nhiều ưu điểm nhưng trong quá trình sản xuất, các nhà khoa học, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu để chủ động về công nghệ, đầu tư công nghệ mới, dây chuyền với quy mô sản xuất phù hợp, đưa VLXD không nung đi đúng hướng đã đề ra.