Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ một loạt giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp trong ngành này sớm thoát khỏi tình trạng u ám trong sản xuất, kinh doanh.
“Nếu không có giải pháp ‘khẩn’ để giải quyết đầu ra cho vật liệu xây dựng, thì vài năm tới, khi năng lực sản xuất tiếp tục vượt quá nhu cầu, thì doanh nghiệp trong ngành này còn bi đát hơn nữa”, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nói.
Theo đó, biện pháp khẩn cấp trước mắt là, đề nghị Nhà nước ban hành cơ chế bắt buộc các công trình có vốn nhà nước, nhà ở xã hội, nhà tái định cư… phải dùng vật liệu xây dựng trong nước sản xuất; giảm thuế VAT cho nhà sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung…
Còn giải pháp mang tính chiến lược của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng vật liệu xây dựng.
Để minh chứng cho đề xuất trên, Hội Vật liệu xây dựng đã đưa ra dẫn chứng sau: trong danh mục các sản phẩm vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước, thì gạch không nung (đạt tổng công suất trên 5 tỷ viên) và bê tông nhẹ (1,9 triệu m3) tiêu thụ chậm nhất, chỉ đạt khoảng 40 - 50% công suất, riêng bê tông nhẹ chỉ đạt khoảng 20%.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp (Công ty cổ phần Vương Hải V-Block, Công ty cổ phần Tân Kỷ Nguyên E-Block) nhờ vào xuất khẩu, đã tăng công suất lên tới mức 60 - 70% công suất thiết kế và đã phần nào thoát được khó khăn trước mắt.
Là doanh nghiệp vật liệu xây dựng hiếm hoi có khách hàng xuất khẩu, Công ty cổ phẩn Gạch Khang Minh gần như là đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch xi măng cốt liệu duy nhất còn duy trì hoạt động. Theo ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty, sản lượng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu mỗi tháng đạt 5 triệu viên quy tiêu chuẩn, tương đương 35% công suất, góp phần đáng kể bù đắp cho sự sụt giảm trong tiêu thụ tại nội địa.
Trong bối cảnh cung lớn hơn cầu, các doanh nghiệp xi măng cũng đã gặt hái được những kết quả đáng mừng về xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 7 tháng năm 2013, sản lượng tiêu thụ là 33,670 triệu tấn, bằng 107,2% so cùng kỳ và đạt 60,13% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm xi măng đạt gần 7 triệu tấn, tăng 150,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực dường như mới chỉ đến với những doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Công nghiệp xi măng (Vicem) hay doanh nghiệp nước ngoài như Nghi Sơn, Holcim… Không ít doanh nghiệp xi măng khác có kết quả kinh doanh rất èo uột, danh sách doanh nghiệp xi măng có kết quả kinh doanh với lợi nhuận âm tiếp tục dài thêm.
Theo ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Cẩm Phả, khi cầu của thị trường nội địa không tăng so với năm 2012, xuất khẩu là kênh quan trọng giúp doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu kinh doanh. Năm 2013, Công ty dự kiến xuất khẩu 750.000 tấn, chiếm hơn 30% tổng sản lượng. Dẫu vậy, để có được khách hàng xuất khẩu là điều không đơn giản, khi mà hầu hết các doanh nghiệp xi măng trong nước đang tự “bơi” và thiếu sự liên kết.
Một “ông lớn” trong ngành gốm sứ là Tổng công ty Viglacera cho hay, nhờ duy trì tốt hoạt động xuất khẩu, mà 7 tháng đầu năm 2013, dù thị trường trong nước chưa có nhiều khởi sắc, nhưng Tổng công ty chạy 80% công suất do có đơn hàng xuất khẩu ổn định.
Kinh nghiệm của Viglacera là, dù kinh phí eo hẹp, nhưng Tổng công ty không bỏ lỡ các hội chợ triển lãm quốc tế lớn về vật liệu xây dựng, nhằm quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác nước ngoài. Điển hình là mới đây, Viglacera đã ký Hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn PT Arwana Citramulia Tbk (Arwana) - tập đoàn hàng đầu về vật liệu xây dựng tại Indonesia. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu các sản phẩm gạch ốp lát sang thị trường Indonesia, với tổng giá trị khoảng 8 triệu USD/năm.
Ông Đàm Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vương Hải V-Block (Đồng Nai) chuyên sản xuất bê tông nhẹ, bê tông khí cho biết, từ đầu năm đến nay, nhờ xuất khẩu, Công ty duy trì trên 60% công suất. Theo ông Tùng, vật liệu xây không nung là vật liệu mới, người tiêu dùng chưa quen sử dụng, bởi vậy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc ban hành và thực thi chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng.