24/10/2011 12:45 AM
Nếu quy luật tỷ lệ thuận giữa giá vàng và giá cổ phiếu vẫn tiếp tục ứng nghiệm, trong tuần này, giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ phục hồi nhẹ. Ẩn số đặt ra là trong thời gian tới, cho dù có thể duy trì được đà tăng, nhưng chưa chắc vàng sẽ vượt qua được đỉnh giá gần nhất của nó.

Giá vàng và chứng khoán thế giới đang làm nên những biến động thú vị đối với giới phân tich và kinh doanh. Bài toán ngày càng nhiều ẩn số và ẩn số nào cũng có thể làm phát sinh ra vài ẩn số phụ.

Chỉ trong một tuần gần đây, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã ít nhất hai lần làm thay đổi quan điểm đánh giá về trung hạn của nó. Lần thứ nhất, việc Dow Jones vượt qua được mốc 11.600 điểm đã nên được xem là một sự kiện ấn tượng, bởi đó chính là tư thế vượt qua được đỉnh gần nhất mà sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng trên phương diện kỹ thuật.

Trên cơ sở cú tăng vượt ấy, cách nhìn của chúng tôi đã trở nên lạc quan hơn hơn khá nhiều về triển vọng của thị trường chứng khoán Mỹ: trong tương lai khoảng 6 tháng nữa, chứng khoán Mỹ sẽ khó có khả năng giảm mạnh, cho dù đáy sau có thể thấp hơn đáy trước.



Nhưng phiên giao dịch cuối tuần qua đã một lần nữa làm thay đổi cách nhìn ngắn hạn và có lẽ cả trung hạn. Sau khi đi ngang ở vùng 11.600 điểm, chỉ số Dow Jones đã có một cú vọt trên 2% để vượt luôn cả mốc 11.800 điểm. Với bước đột phá không thể hoài nghi này, rất có thể kịch bản tháng 7-8/2010 đang lặp lại trong thời gian tới.

Sự tái hiện của kịch bản trên cũng được củng cố bởi một yếu tố, được coi là thứ yếu nhưng lại vô cùng quan trọng: thị trường chứng khoán Hy Lạp, bất chấp vẫn còn trong vòng nợ nần và nguy cơ vỡ nợ quốc gia, đã tăng mạnh trên 6% trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Tương đồng với Hy Lạp là Síp.

Tại sao lại cần nhấn mạnh đến hai thị trường nhỏ nhoi này? Bởi đó chính là hai thị trường trì trệ và thất bại nhất của châu Âu trong những năm qua. Nhưng một khi những thị trường này có dấu hiệu xác lập vùng đáy thì những nhà đầu tư còn giữ tiền hãy nên mở to mắt: sức hồi phục mạnh mẽ của châu Âu đã có thể bắt đầu từ đấy.

Nhưng tại sao lại cần phải dẫn dắt những vận động của thị trường chứng khoán Âu-Mỹ để nhận định về kênh vàng? Thật đơn giản, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8/2011, giá vàng thế giới tỷ lệ nghịch với sự suy giảm của chứng khoán Mỹ. Nhưng từ tháng 9 và đặc biệt trong tháng 10/2011, giá vàng lại tỷ lệ thuận với chứng khoán Mỹ, hơn nữa còn gần như phụ thuộc vào đà tăng - giảm của thị trường chứng khoán.

Trong hai tháng qua, khi chỉ số Dow Jones phục hồi được khoảng 10% thì giá vàng thế giới chỉ tăng chưa đầy 4,5% - một tỷ lệ quá ít ỏi so với sức tăng ghê gớm của nó vào tháng 7-8/2011. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, trong khi Dow Jones tăng trên 2% thì giá vàng lại chỉ tăng được 1,35%.

Sự so sánh những tỷ lệ ấy mới đây và trong suốt hai tháng qua đã cho thấy giả thuyết của chúng tôi về quy luật giá vàng tăng nhẹ hơn giá cổ phiếu nhưng lại giảm mạnh hơn giá cổ phiếu là có thực.

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ quy luật trên, trong tuần qua, giá vàng thế giới đã làm nên một dạng đồ thị thực sự xấu, với 4/5 phiên suy giảm liên tiếp. Hình ảnh kéo ngang với biên độ dao động nhẹ của giá vàng thế giới trong hai tháng qua, cùng với sức mua giảm dần và động thái cầm chừng đầy thận trọng của quỹ ủy thác vàng SPDR càng khiến cho nhà đầu tư nâng cao sự đánh giá của mình về tính rủi ro trong kênh vàng.

Hiện thời, vẫn chưa thể khẳng định nền kinh tế thế giới đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái, hoặc đã hình thành những dấu hiệu khả quan thực sự để không bị suy thoái. Thế nhưng một cách rõ ràng, chứng khoán Mỹ đang bắt đầu hình thành dạng thị trường giá lên. Mức độ tăng của chứng khoán Mỹ trong thời gian tới có thể tuy không nhiều, nhưng cũng đủ mang lại niềm tin không sụt giảm tiếp của chứng khoán và do đó của cả nền kinh tế Mỹ.

Ứng với sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ, giá vàng thế giới sẽ hành xử như thế nào? Nếu quy luật tỷ lệ thuận giữa giá vàng và giá cổ phiếu vẫn tiếp tục ứng nghiệm, giá vàng sẽ tăng cùng với chỉ số chứng khoán. Điều đó cũng có nghĩa là vùng 1.600 USD/oz đang trở nên "cứng" hơn với ý nghĩa là ngưỡng hỗ trợ của giá vàng thế giới. Tuy nhiên có vẻ như trong thời gian tới, hiện tượng giá vàng tăng thấp hơn giá cổ phiếu lại có thể tái hiện.

Vào tuần trước, một động thái đáng chú ý khác là đã phát sinh hàng loạt dự báo về giá vàng. Citigroup, đã khá lâu mới xuất hiện trên diễn đàn kinh doanh, nhận định giá vàng sẽ giảm về mức 1.500 USD/oz. Trong khi đó, Spencer Patton của hãng Steel Nine cũng cho rằng giá vàng đang biến động theo hình giá lá cờ và có thể giảm về 1.550 USD/oz vào tuần đầu tháng 11/2011.

Nhưng theo chúng tôi, có lẽ nhận định đáng chú ý nhất thuộc về John Taylor, người sáng lập quỹ phòng hộ tiền tệ lớn nhất thế giới FX Concepts LCC. Nhân vật này đã dự báo khá cụ thể về việc giá vàng sẽ lên 1.800 USD/oz trong tháng 11/2011, trước khi sụt giảm mạnh do các hàng hóa khác giảm và do nhà đầu tư bán ra để giảm lỗ cho các tài sản khác. Tuy nhiên, cho đến tháng 4/2012, giá vàng sẽ giảm về 1.000 USD/oz!

Dự báo ngắn hạn sắp tới của John Taylor sẽ không mấy thuyết phục, nếu ông không phải là người đã nêu ra dự báo chính xác vào tháng 7/2011 (khi giá vàng còn ở mức 1.600 USD/oz) về việc giá vàng sẽ lập đỉnh tại mốc 1.900 USD/oz. Với xu thế tăng lại của giá cổ phiếu như hiện nay và trong tương lai gần, dự báo của John Taylor càng như được xác nghiệm hơn.

Như vậy trong tuần này, giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ phục hồi nhẹ. Nhưng biên độ phục hồi đến mức nào thì lại là một vấn đề khác. Trong mấy tuần trước, giá vàng đã không thể chinh phục được mốc 1.700 USD/oz. Ẩn số đặt ra là trong thời gian tới, cho dù có thể duy trì được đà tăng, nhưng chưa chắc vàng sẽ vượt qua được đỉnh giá gần nhất của nó.

Tình hình trên cũng sẽ tác động khá mật thiết đến giá vàng trong nước. Trong khoảng một tháng qua, đúng như nhận định của chúng tôi, giá vàng trong nước nằm trong thế giảm răng cưa, ngược lại về thế tăng răng cưa của giá vàng thế giới.

Trong những tuần tới đây, nhiều khả năng giá vàng trong nước sẽ kéo ngang hoặc trượt nhẹ. Khả năng này không chỉ căn cứ vào mối liên hệ song ánh với giá vàng thế giới mà còn phụ thuộc lớn vào chính sách quản lý vàng của Ngân hàng nhà nước và động thái bán vàng của "SPDR Việt Nam" là SJC cùng một số ngân hàng lớn. Mà cho tới nay, chính sách và động thái như vậy dường như đang nghiêng về trạng thái "kéo giảm" hơn là "giữ" hoặc "nâng".

Quan sát đồ thị diễn biến của giá vàng trong nước cùng với những động thái nội tại ảnh hưởng tới nó, có thể phác thảo về một ẩn ý đang dần hiện ra. Trên tất cả, ẩn ý đó (nếu có) xuất phát từ chính sách quản lý và kinh doanh vàng, mà chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến tương lai trung hạn và cả dài hạn của giá vàng trong nước. Để có thể xác định rằng ẩn ý này có thực sự tồn tại hay không và mức độ tác động đến đâu, vẫn cần một thời gian nữa để hội tụ các yếu tố cấu thành nó.

Theo Trường Sơn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.