Trong ngắn hạn, giá vàng thế giới chưa thể tăng mạnh trở lại nhưng lâu dài sẽ còn nhiều phức tạp. Giá trong nước vẫn bị “neo” ở mức cao

Sau khi rớt xuống 1.705 USD/ounce rồi liên tục tăng giảm từ 30 - 50 USD/ounce, sau đó bật lên 1.840 USD/ounce vào phiên giao dịch ngày 31-8, đến cuối ngày 1-9, giá vàng thế giới lại lùi về 1.817 USD/ounce. Nếu so với mức giá cao nhất 1.917 USD/ounce được xác lập vào ngày 23-8 thì trong tuần qua, giá thế giới đã giảm 100 USD/ounce. Liệu có phải giá vàng đã vào chu kỳ giảm?


Chưa thể sát giá thế giới


Tại Việt Nam, giá vàng SJC sau khi lên tới 49,4 triệu đồng/lượng vào ngày cao điểm 23-8, đến cuối ngày 1-9, giá mua vào cũng chỉ còn 46,5 triệu đồng/lượng, bán ra 46,8 triệu đồng/lượng.


Vàng sẽ còn sốt giá

Giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần cả triệu đồng/lượng, khiến người mua vàng bị thiệt. Ảnh: Tấn Thạnh


Giá vàng giảm mạnh rồi tăng trở lại và hiện đang ít biến động hơn. Đây là hiện tượng thường lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, bởi khi giá lên tới đỉnh cao, giới kinh doanh vàng thường chốt lời với số lượng lớn khiến giá giảm mạnh. Khi giá thấp, lực mua vào lại tăng lên. Ông Nguyễn Thế Hùng, trưởng đại diện tại Việt Nam của hãng kinh doanh vàng MKS (Thụy Sĩ), dẫn chứng: Ngày 12-8, khi giá vàng thế giới xuống còn 1.705 - 1.722 USD/ounce, lập tức giới kinh doanh vàng của nhiều quốc gia, trong đó có doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã mua hết 4 tấn vàng vật chất còn lại trong kho của MKS...


Điều mà nhiều người thắc mắc là việc nhập khẩu vàng tại Việt Nam theo nhu cầu thị trường đã được thực hiện hơn 3 tuần, người dân không còn đổ xô mua vàng… nhưng tại sao giá trong nước vẫn tiếp tục cao hơn giá vàng thế giới gần cả triệu đồng/lượng?


Theo một số đầu mối kinh doanh vàng tại TPHCM: Thời gian gần đây, do một số ngân hàng (NH) gấp rút bù lại số vàng họ đã chuyển hóa thành tiền nên số lượng vàng các NH nhập khẩu đã không được tung ra thị trường. Cũng theo nguồn tin này, nếu quota nhập khẩu vàng được cấp cho nhiều DN khác nhau thì giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá thế giới khoảng 200.000 - 300.000 đồng/lượng (mức chênh lệch này sẽ được thị trường chấp nhận) vì DN thường bán ngay số vàng nhập khẩu ra thị trường...


Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết: Tình trạng DN nhập khẩu vàng phải mua USD cao giá hơn giá niêm yết của NH, đồng thời việc nhập vàng vẫn theo hướng “xin - cho”… đã làm tăng thêm các chi phí liên quan. Trong khi đó, tình hình giá vàng thế giới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp khiến các DN nhập khẩu tìm cách “neo” giá trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới để tránh rủi ro…


Vẫn tin vào vàng


Biên bản cuộc họp tháng 8-2011 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố cho thấy kinh tế Mỹ còn u ám. NH UBS phân tích: FED có tung thêm gói cứu trợ kinh tế hay không sẽ được thể hiện tại cuộc họp diễn ra vào ngày 20-9 tới. Nếu FED bơm thêm tiền cho thị trường và giới đầu tư bỏ vốn vào các kênh đầu tư khác thì trong dài hạn, giá vàng có thể lùi về 1.400 – 1.500 USD/ounce. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn trước đó, FED đã hai lần bơm thêm tiền nhưng giá vàng đều tăng. Liệu lần này sẽ lặp lại?


Theo ông Nguyễn Thế Hùng, do chứng khoán Mỹ phục hồi nên giới đầu tư đang dồn một phần vốn vào cổ phiếu. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư vàng đang mua vào, bán ra để chốt lời hoặc cắt lỗ nên lực mua – bán khá cân bằng. Do đó, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới chưa thể tăng mạnh trở lại.


Về lâu dài hơn, ông Hùng dự báo giá vàng thế giới có thể sẽ lên 2.000 USD/ounce bởi Mỹ sẽ duy trì lãi suất 0%-0,25% cho đến năm 2012 nên USD rất khó có điều kiện hồi phục. Trong khi đó, nhiều NH ở châu Âu có vấn đề về thanh khoản, nợ xấu ngày càng tăng. Đức và Pháp đều vừa bị hạ mức tín nhiệm tín dụng... Từ đó, giới đầu tư tài chính quốc tế không tin tưởng vào triển vọng phục hồi kinh tế nên sẽ bỏ vốn vào vàng. Biểu hiện rõ nhất là Venezuela rút về 211 tấn vàng đã gửi tại các NH ở Mỹ, châu Âu, Canada và Thụy Sĩ.


Vàng lên 47,3 triệu đồng/lượng


Ngày 2-9, các công ty vàng lớn tại TPHCM nghỉ lễ nhưng một số tiệm vàng vẫn giao dịch với giá mua vào 46,9 triệu đồng/lượng, bán ra 47,3 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội, giá mua vào 46,8 triệu đồng/lượng, bán ra 47,25 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 750.000 đồng/lượng so với chiều hôm trước.


Cùng ngày, giá vàng thế giới cũng có phiên tăng khá, lên 1.853 USD/ounce (lúc 15 giờ), tăng gần 30 USD/ounce so với chiều hôm trước.

T.Phương

Theo Thy Thơ (Người Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.