Thị trường vàng sẽ diễn biến thế nào khi giá vàng thế giới có chiều hướng tăng, những chính sách điều hành thị trường vàng trong nước thời gian qua có phát huy hiệu quả hay không là điều đang được người dân, tổ chức lẫn các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là một người hoạt động lâu năm trong thị trường vàng, ông dự báo thế nào về diễn biến thị trường vàng thế giới trong thời gian tới?

-Ông TRẦN THANH HẢI: - Ngày 9-9, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua vấn đề Hoa Kỳ có tấn công Syria hay không, nên khả năng ngay từ đầu tuần giá vàng sẽ làm cho giới đầu cơ và giới kinh doanh thận trọng. Nếu Hoa Kỳ tấn công Syria, lập tức giá vàng sẽ tăng. Như vừa rồi, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama cho ngưng tấn công Syria và chuyển nhiệm vụ này sang Quốc hội Hoa Kỳ, giá vàng giảm đột ngột từ 1.433USD/ounce xuống 1.378USD/ounce.

Nhưng đóng cửa phiên cuối tuần, giá vàng thế giới lại lên 1.391USD/ounce. Do đó, ngay trong tuần này, các yếu tố quyết định giá vàng thế giới là Hoa Kỳ có tấn công Syria hay không, tấn công mức độ như thế nào và mức độ phản ứng của cộng đồng thế giới mà dẫn đầu là Nga. Mức độ cuộc chiến càng thảm khốc, giá vàng sẽ tăng, giá dầu hỏa càng tăng và USD mất giá.

- Tình hình này có ảnh hưởng đối với thị trường vàng trong nước?

- Vàng trong nước đang bị kiềm giá bất chấp giá vàng thế giới lên 1.433USD/ounce hay xuống 1.378USD/ounce. Giá vàng trong nước đang “đóng băng” trong khoảng trên dưới 38,5 triệu đồng/lượng với tỷ giá cố định 21.170 đồng/USD. Thêm một thông tin là NHNN đang giãn các phiên đấu thầu cùng với việc siết chặt hơn thị trường vàng làm cho hoạt động kinh doanh của thị trường vàng đang bất động.

Tuy nhiên, xu hướng bất động của vàng không hẳn mang lại sự ổn định cho hệ thống tiền tệ Việt Nam, mà chẳng qua là các độ dao động của giá vàng và tỷ giá chưa đủ lớn để tạo ra những cơn sóng vàng. Bản chất vàng không phải hàng hóa mà là tiền tệ, mọi người có thể dùng tài sản dưới dạng tiền đồng hoặc vàng, hay chứng khoán, bất động sản. Do đó, phải hiểu vàng là một loại tiền tệ, một kênh đầu tư, một nơi trú ẩn khi có những biến động về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.

Đối với Việt Nam, việc ổn định giá vàng hơn 1 tuần vừa qua và có lúc khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ còn 2,5 triệu đồng/lượng không có nghĩa là giá vàng trong nước đã đi vào quỹ đạo, vì vàng bản chất là tiền tệ.

- Quay lại vấn đề đấu thầu vàng. Hiện nay có 2 luồng ý kiến, cho rằng nên tiếp tục đấu thầu vàng và không nên tiếp tục. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, nếu đặt đấu thầu vàng để lấy nguồn thu cho ngân sách (như vừa rồi Bộ Tài chính đề nghị chuyển 6.000 tỷ đồng lãi từ đấu thầu vàng vào ngân sách) thì nên có cách khác để thu ngân sách từ vàng. Thí dụ như áp thuế nhập khẩu những đơn vị có đủ điều kiện tham gia thị trường, để vừa có sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và các tổ chức trong việc nhập khẩu vàng, vừa có thể minh bạch số vàng nhập khẩu.

Khi cạnh tranh, chúng ta sẽ giảm được những chi phí không cần thiết như chi phí đấu thầu vàng, chi phí các đơn vị di chuyển để tham gia đấu thầu, đặt cọc tiền trước và nhiều chi phí khác. Dùng chính sách thuế nhập khẩu, khi các đơn vị có điều kiện đứng ra nhập vàng sẽ tạo ra một kênh lưu thông ngắn nhất, đồng thời có nguồn thu từ khoản thuế, đủ để thay thế được 6.000 tỷ đồng thu từ đấu thầu vàng của NHNN.

Nếu đấu thầu vàng để hạn chế cung, chống vàng hóa nền kinh tế là một chủ trương xuyên suốt trong Nghị quyết 24, thì tôi cho rằng biện pháp này không phải để chống vàng hóa mà có khi còn làm tăng thêm khối lượng vàng trong dân vì các tổ chức và cá nhân cung ứng nhỏ giọt, còn thị trường đang diễn biến theo hướng giá tăng không bán, giá xuống cũng không bán, chỉ chăm bẳm mua.

Trong lực lượng kinh tế thị trường chỉ có người mua, không có người bán khó có thể chấm dứt được tình trạng vàng hóa. Còn nhớ khi còn cho phép các đơn vị được cấp phép nhập khẩu, mỗi năm Việt Nam nhập 70 tấn vàng, còn từ ngày 28-3 đến nay, chỉ mới nửa năm, lượng vàng qua đấu thầu đưa ra thị trường đã gần bằng con số này.

Nhận giữ hộ vàng tại một NH. Ảnh: LONG THANH

- Nhưng vì sao trong các phiên đấu thầu gần đây, số lượng đơn vị tham gia và lượng vàng trúng thầu thấp hơn trước?

- Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì khoảng cách giá hiện nay không còn nhiều nên vàng giảm bớt sự hấp dẫn. Trước đây, chênh lệch giá vàng lên đến 4-5 triệu đồng/lượng nên kinh doanh sẽ có lời nhiều, nhưng hiện nay khoảng cách này đã được rút ngắn nên các đơn vị được phép tham gia đấu thầu cũng tự động hạ nhiệt đối với đấu thầu vàng.

- Ông nhận định như thế nào việc huy động vàng trong dân?

- NHNN thừa nhận vàng trong dân khoảng vài trăm tấn và đặt mục tiêu huy động vàng trong dân ra. Nhưng trong 6 tháng vừa rồi, NHNN đã tung ra hơn 50 tấn vẫn tiêu thụ gần hết. Như vậy phải thấy rằng lực hút vàng trong dân rất lớn và vẫn chưa có chính sách huy động vàng trong dân. Việc NHNN cấm huy động và cho vay bằng vàng là chính sách đúng, nhằm loại bỏ tư tưởng găm giữ vàng và chuyển sang quan hệ mua bán.

Nhưng khi chuyển sang quan hệ mua bán, NHNN lại giới hạn đầu mối mua bán gây ra tâm lý dân và các tổ chức chỉ muốn găm giữ, không muốn bán. Tiếp theo, NHNN cấm các NH giữ hộ vàng sau đó lại tiếp tục cho giữ hộ vàng, những chính sách thay đổi quá đột ngột không lường trước được. Những hiện tượng này xảy ra vì thị trường vàng trong nước chưa phải là thị trường hoàn chỉnh. Do vậy, cho đến nay dân cũng chỉ mua vào chứ không bán ra.

- Hiện có 12 NHTM được phép giữ hộ vàng, nhưng theo tìm hiểu thực tế không có nhiều NHTM nhận giữ hộ vàng, theo ông vì sao?

- NHTM không nhận giữ hộ vàng vì cảm thấy lợi ích không có khi không có đầu ra. Bên cạnh đó, NHNN khống chế chi phí và công khai khi giữ hộ vàng phải có két sắt, nên NHTM không mặn mà vì phí ít đầu tư lại nhiều. Hơn nữa, nếu giữ hộ vàng phải triển khai đồng loạt ở nhiều chi nhánh nên phải có một lượng cán bộ đủ sức nhận biết vàng thật, vàng giả, vàng nhái.

Theo tôi được biết, mỗi NHTM chỉ có vài chi nhánh có cán bộ đảm trách được nhiệm vụ này. Vậy nên hiện chỉ có những NHTM nào có công ty vàng mới thực hiện giữ hộ vàng, vì có thể thông qua sự hỗ trợ từ mạng lưới các công ty vàng. Việc giữ hộ vàng hiện cũng có tình trạng ghi seri và không ghi seri. Vì NHNN cho phép có thể trả lại không bằng miếng vàng gửi trước đó NH mới giữ hộ, nếu NHNN yêu cầu trả lại đúng miếng vàng đã gửi, tức là chỉ giữ hộ không công, ít NH nào chịu giữ hộ.

Thật ra hiện nay dân có nhiều cách giữ vàng, tự giữ ở nhà cũng có nhưng cũng có người thỏa thuận ngầm với các công ty kinh doanh vàng. Hiện nay NHNN siết các NHTM, các TCTD, nhưng các công ty kinh doanh vàng trực thuộc các NH đang là địa chỉ hấp dẫn và tin cậy gửi gắm vàng.

- Xin cảm ơn ông.

Yên Lam (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.