Việc mua - bán vàng miếng của người dân sẽ không còn được diễn ra ở bất kỳ cơ sở kinh doanh nào như trước đây. Ngược lại, những DN có quy mô kinh doanh lớn như SJC, PNJ... sẽ tận dụng cơ hội này để phát triển mạnh hơn.
Dù Nghị định 24 chưa chính thức được thực thi nhưng tình trạng đầu cơ giá lên, giá xuống đã giảm hẳn khiến giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp trở lại. Tuy nhiên, kéo theo đó, ghi nhận trên thị trường cho thấy, mãi lực về vàng miếng giảm mạnh.
Tình hình này diễn ra vào thời điểm giá vàng đang giảm, cho thấy người mua và nhà đầu tư “không mặn mà” với vàng. Chẳng hạn, theo Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giao dịch vàng miếng trong hệ thống trong thời gian gần đây chỉ ở mức khoảng 700-800 lượng/ngày (bán ra) và mua vào cũng trên dưới mức này - chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2011.
Mặc dù đơn vị này đã có nhiều biện pháp kích cầu như để giá mua vào bằng với giá vàng miếng SJC và bán giá thấp hơn giá vàng miếng SJC 30.000-50.000 đồng/lượng. Như vậy, trước mắt chưa biết lợi lộc thế nào, ngay cả các DN lớn kinh doanh vàng cũng đang chịu “thiệt hại” về doanh số trước sự trầm lắng của thị trường.
Ngoài yếu tố tâm lý của người dân, giá thế giới đang trên đà điều chỉnh, nên các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng giá vàng giảm thêm. Theo dự báo của Sacombank - SBJ, giá vàng trong nước trong ngắn hạn sẽ giữ nguyên mức chênh lệch với giá vàng thế giới.
Trong khi đó, trên thị trường vàng thế giới, chưa khi nào các nhà dự báo lại lạc quan về triển vọng giá vàng thế giới như trong tuần này. Tính đến thứ Sáu vừa rồi, vàng đã có 4 phiên tăng liền không nghỉ.
Nhận định, ngưỡng 1.680-1.700 USD/oz là ngưỡng mục tiêu mà giá vàng có thể đạt được trong vòng 2-4 tuần tới. Dù thị trường vàng trong nước im ắng nhưng có một điều khó hiểu là đến thời điểm này giá vàng SJC trong nước vẫn cao hơn giá thế giới tới 2,4 triệu đồng/lượng.
Một lần nữa diễn biến thị trường vàng trong nước và thế giới lại có sự chênh nhau. Và có thể thấy Nghị định 24 cũng khó kéo được thị trường vàng trong nước sát với thị trường thế giới.
Theo nhiều kiến nghị, Nghị định 24 sẽ khiến vàng nữ trang tốt hơn, vì có cơ quan quản lý, bởi trước giờ vàng nữ trang không có nơi quản lý. Còn vàng miếng thì tốt cho nền kinh tế vĩ mô, vì Nhà nước có thể quản lý được.
Vì vậy, cần có sự liên thông (xuất - nhập) cho thị trường vàng và đầu mối đứng ra làm việc này là Ngân hàng Nhà nước. Có như vậy, thị trường vàng mới ổn định và giá bán trong nước được liên thông với giá vàng quốc tế, hạn chế làm giá.