Hình ảnh các chung cư cả mới lẫn cũ đeo những chiếc “ba lô ngược” đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội. Nó không chỉ làm xấu cảnh quan đô thị của thành phố mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với người dân.
Vấn nạn chung cư “đeo ba lô”

Tình trạng cơi nới tràn lan ở khu tập thể, chung cư. ảnh: Thảo Nguyên. Đua nhau xây “tổ chim”

Lâu nay, hầu hết tại các khu chung cư hay nhà tập thể cũ ở các quận nội thành Hà Nội, hình ảnh “chuồng cọp” đua ra từ những ban công cứ đập vào mắt người đi đường. Đó là những lồng sắt có diện tích lớn nhỏ khác nhau được nhiều gia đình sinh sống tại các tòa nhà này cơi nới thêm để làm nơi phơi quần áo, đặt máy giặt, hoặc làm nhà kho, thậm chí còn tận dụng làm nơi ở và sinh hoạt mà không tính đến sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo khảo sát của PV tại một số chung cư khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy), khu vực bị cơi nới nhiều nhất là phía sau ban công căn hộ. Sắt thép được hàn xì tràn lan khiến những tòa nhà này biến dạng và nhếch nhác. Nhiều hộ dân vây kín bằng rào sắt, lợp mái tôn và nghiễm nhiên sử dụng như là tài sản của riêng gia đình mình.


Chị Thu Huyền, một hộ dân sống tại khu vực này cho biết, không chỉ riêng gia đình chị mà hầu hết các gia đình sống ở tòa nhà này đều cơi nới thêm diện tích. Sở dĩ như vậy là bởi diện tích căn hộ của gia đình chị quá nhỏ, phải tận dụng tối đa phần diện tích này để lấy chỗ đun nấu, hoặc phơi quần áo, thậm chí là cả làm nhà kho.


Không chỉ có người dân sinh sống tại các chung cư cơi nới không gian để thêm diện tích sử dụng mà nhiều chủ đầu tư vì ham lợi cũng tự ý xây thêm tầng. Điển hình là tại chung cư 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) khiến người dân vô cùng bức xúc.


Theo đó, khoảng 300 chủ hộ sống tại chung cư này đã làm đơn tố cáo chủ đầu tư là Công ty khách sạn Kinh Đô đang từng ngày tiến hành cơi nới, thi công trên tầng thứ 27 (tầng thứ 30 tòa nhà) gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống khu dân cư.


Việc xây dựng trái phép này không những làm tăng đáng kể hàng ngàn mét vuông diện tích sử dụng, vi phạm thiết kế đã được phê duyệt, mà còn làm cho các vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC), an ninh, môi trường an sinh xã hội trong chung cư vốn đã yếu kém trở nên tồi tệ hơn.


Cùng cảnh ngộ với các hộ dân tại chung cư 93 Lò Đúc, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư cao cấp làng Việt kiều châu Âu – Euroland (Hà Đông) lo lắng khi mới đây cơ quan chức năng phát hiện công trình xây thêm 12 tầng khi chưa đủ điều kiện khởi công. Sau hơn 2 năm thi công, công trình đã xây xong phần thô, nhưng nhiều hộ dân tỏ ra lo lắng vì căn hộ mình đã mua có được cấp quyền sở hữu không khi mà chủ đầu tư xây thêm 12 tầng và bán hết khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý?


Việc tự ý cơi nới hay xây thêm tầng với mục đích cá nhân hưởng lợi như thế không chỉ khiến chính người dân bị ảnh hưởng mà còn làm cảnh quan của khu đô thị nhếch nhác, xập xệ từng ngày.


Hiểm họa từ những “chiếc lồng”

Đã có không ít những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra từ những “chiếc lồng sắt” lơ lửng do chính người dân tạo ra. Kể cả khi có hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy gặp không ít cản trở để tiếp cận với hiện trường do vướng mắc những khung sắt. Thế nhưng những hệ quả đó dường như không trở thành lời cảnh báo cho việc cơi nới tùy tiện của những người dân sinh sống ở những chung cư này.

Vấn nạn chung cư “đeo ba lô”
Nhiều hiểm họa đáng tiếc xảy ra từ việc cơi nới chung cư. Ảnh: Thảo Nguyên.

“Cách đây ít hôm, khi cả gia đình tôi vừa ngồi vào bàn ăn tối thì bất ngờ một mảng khung sắt bị đứt mối hàn của căn hộ tầng trên rơi xuống trúng vào lan can – chỗ phơi quần áo của nhà tôi. May mà lúc đó không có ai, chứ có người thì cũng không biết hậu quả sẽ thế nào”, - chị Nguyễn Thị Thủy bàng hoàng kể lại.

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, về cơ bản, tất cả những tác động trái với kết cấu của khu nhà sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nó. Sự lún nứt của những dãy nhà chung cư cũ hiện nay không nằm ngoài lý do bị người dân cơi nới, đua lồng sắt... Hiểm họa không chỉ dừng lại ở việc lún nứt, sập nhà, mà sự “cải tạo” tùy tiện này còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, thậm chí là tính mạng của chính những hộ dân.


Tình trạng cơi nới, lấn chiếm tại các khu tập thể, các khu chung cư… có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, thiếu chủ động của chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải vào cuộc xử lý triệt để giải quyết dứt điểm tình trạng "chuồng cọp" tại nhà chung cư, nhà cao tầng, cải thiện bộ mặt cảnh quan đô thị của thành phố.

Theo Thảo Nguyên (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.