Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 tăng 1,98% so với tháng 11/2010 và tăng 11,75% so với tháng 12/2009; trong đó, tăng cao nhất là nhóm giáo dục (19,38%), kế tiếp là các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 16,18%). Bình quân năm 2010, tăng 9,19% so với bình quân năm 2009.\

Năm 2011, mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7-7,5%. Theo đó, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu để phục vụ tăng trưởng sẽ tăng gây áp lực đẩy giá tăng.

Giá tăng nhưng không có đột biến

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, ngoài những nguyên nhân vốn có nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục như hiệu quả đầu tư thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao… giá cả thị trường năm 2010 có xu hướng tăng trước hết là do tác động của giá cả thị trường thế giới tăng.

Bên cạnh đó, năm 2010 giá cả trong nước có biến động tăng còn là do nhu cầu và sức mua trên thị trường nói chung tăng cao; việc tăng lương tối thiểu, tăng tỷ giá, lãi suất và tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số lĩnh vực như giá điện, xăng dầu, giá nước sạch; lộ trình xã hội hóa giáo dục, tăng học phí tại một số địa phương…

Tác động theo độ trễ của việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ở mức cao của năm 2009 cũng gây áp lực đẩy mặt bằng giá năm 2010 tăng; tình trạng thiếu điện; tình hình thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động đến sản xuất, đẩy chi phi phí sản xuất tăng, tác động làm tăng giá cả thực phẩm. Giá lương thực thế giới tăng tác động vào giá lương thực trong nước (chỉ số giá tháng 12/2010 so với cùng kỳ năm trước nhóm hàng lương thực tăng 17,96%). “Nhưng bên cạnh đó cũng tăng thu nhập cho nông dân” – ông Vũ Văn Ninh nói.

Theo nhận xét chung của các chuyên gia kinh tế, diễn biến giá cả thị trường năm 2010 tuy có tăng nhưng không xảy ra đột biến tại các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 vẫn ở mức cao. Tình hình đó đã có những tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nêu lại các giải pháp đã được thực hiện trong năm để bình ổn giá cả: Chính phủ đã giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2010 đến nay; giữ ổn định giá bán than cho 4 hộ sản xuất tiêu thụ than lớn trong năm (xi măng, giấy, phân bón, điện). Giảm giá xăng dầu khi giá thế giới hạ, thực hiện giãn thời gian điều chỉnh giá trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng. Thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, sử dụng quĩ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng dầu từ tháng 6/2010 đến nay. Giữ ổn định giá cước vận tải hành khách bằng xe buýt trong thành phố, giá cước máy bay, đường sắt; giảm giá cước viễn thông, giữ ổn định một số giá cước bưu chính. Giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước còn định giá.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, sở dĩ chỉ số giá tiêu dùng tăng như năm qua là do sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ nên công tác bình ổn giá đạt hiệu quả chưa cao. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bình ổn giá đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo.

Việc điều hành cung – cầu một số hàng hóa, dịch vụ chưa tốt như: điện, đường ăn, vàng, ngoại tệ… nhiều loại hàng hóa thiết yếu ở các vùng lũ lụt, dịch bệnh… đã tác động mạnh đến giá thị trường.

Hệ thống cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được sắp xếp hợp lý, còn có hiện tượng độc quyền, chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao khó kiểm soát như: phân bón, thuốc phòng chữa bệnh, xi măng, sắt thép… Đẩy chi phí tăng cao khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, cơ chế bao cấp qua giá điện, giá than kéo dài không khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đồng thời hạn chế việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nguồn lưới điện. Quản lý giá một số mặt hàng còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao, nhất là sữa, thuốc phòng bệnh.

Sẽ tiếp tục đà tăng giá

Năm 2011 được dự báo tình hình giá cả sẽ tiếp tục tăng. Kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm hơn năm 2010, phổ biến ở mức 3,3-4,5%. Kinh tế tăng trưởng, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tăng dẫn đến giá cả sẽ nhích lên.

Còn trong nước, nền kinh tế phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng (mục tiêu tổng sản phẩm trong nước tăng 7-7,5% so với 2010). Nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu để phục vụ tăng trưởng sẽ tăng gây áp lực đẩy giá tăng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước định giá.

Những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được triệt để ngay như: cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng… tiềm ẩn những nguy cơ gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô…/.
Cafeland.vn - Theo VOV New
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland