Thực ra, ai xuất khẩu nhiều, thu về bao nhiêu ngoại tệ; ai là người bán vàng lớn qua mỗi cơn sốt dù chưa được công bố nhưng đều có thể để lại “dấu vết”. Từ đó, không khó để biết được ai được hưởng lợi nhiều nhất và có cách khống chế kẻ làm giá vàng.

Vàng tăng giá bất hợp lý, vàng bị làm giá, mua bán vàng lúc này là thiệt vì đang bị đầu cơ... hàng loạt chuyên gia và lãnh đạo các DN kinh doanh vàng đều lên tiếng kêu ca. Tất cả đều không rõ ràng. Chỉ có người dân thua thiệt thấy rõ và nền kinh tế phải gánh chịu những hệ quả xấu.


Lãi cả nghìn tỷ


Tổng kết ngày "điên loạn" 9/8 của vàng, ông Vũ Minh Châu - Tổng giá đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu, nhận xét, trong ngày, giá vàng thay đổi đến 42 lần. Giá cao nhất lúc 11h15' khi mua vào 4.550.000 đồng/chỉ - bán ra 4.620.000 đồng/ chỉ. Chênh lệch giữa giá mua - giá bán là 70.000 đồng/chỉ, tương đương 1,51% doanh thu. Giá vàng thấp nhất lúc 8h30' sáng khi mua vào 4.415.000 đồng/chỉ - bán ra 4.505.000 đồng/chỉ. Chênh lệch giữa giá mua - giá bán là 90.000 đồng/chỉ, tương đương 1,99% doanh thu.


Trong khi đó, vào lúc 9h sáng, giá vàng thế giới ở mức 1.725 USD/ounce, tương đương 4.332.000 đồng/chỉ, còn giá vàng trong nước bán ra 4.530.000 đồng/chỉ. Chênh lệch giá giữa Việt Nam và thế giới là 198.000 đồng/chỉ.


Vào lúc 2h chiều, giá vàng thế giới ở vào mức 1.742 USD/ounce (tương đương 4.365.000 đồng/chỉ), còn vàng trong nước bán ra 4.570.000 đồng/chỉ, chênh giá so với thế giới 205.000 đồng/chỉ.


Trong khi đó, đến sáng 10/8, khi giá vàng vượt lên 1.750 USD/ounce thì giá trong nước vẫn lao dốc xuống 4.570.000 đồng/chỉ, mất gần 200.000 đồng so với ngày hôm qua.


Vào lúc này, người ta không còn thấy cảnh chen mua nữa, thay vào đó lại là cảnh rồng rắn xếp hàng lo lắng bán ra. Đã rõ chuyện vàng bị làm giá, và người dân lỗ nặng trong cơn điên loạn giá vàng ngày 9/8.


Vạch mặt ‘đại gia’ thao túng giá vàng
Người dân chen chúc mua vàng và mua cả sự lo lắng, bất an vì thua lỗ ngày 9/8 (ảnh SGTT)

Theo ông Châu, sáng 9/8, số mua vào chiếm tới 93,2% lượng khách giao dịch, người bán ra chỉ chiếm gần 7% song bán số lượng rất ít. Tỷ lệ mua vào lớn gấp nhiều lần so với bán ra cũng đã được xác nhận tại tất cả các DN lớn trên thị trường vàng.


Theo những con số nắm được, tại những DN tư nhân hạng vừa ở Hà Nội, số lượng giao dịch trong ngày cũng lên đến cả ngàn lượng. Trong khi đó, ở những DN lớn hơn, như vị giám đốc một DN kinh doanh vàng gọi là "tập đoàn", thì con số 3.000-5.000, thậm chí cả chục ngàn lượng là điều bình thường. Và như thế, nhân lên đã có hàng nghìn tỷ đồng được huy động cho vàng trong ngày 9/8. Tất nhiên, lợi nhuận rơi vào tay các DN kinh doanh vàng.


Một tay kinh doanh vàng lâu năm ở Hà Nội nhận xét, kiểu gì các DN cũng "ăn" chênh lệch - nếu không nói là "ăn" đạm - trong việc mua đi bán lại vàng ngày 9/8 lịch sử. Tuy nhiên, đến ngày 10/8, giá vàng rớt xuống, dân đổ xô đi bán và cầm chắc lỗ mỗi lượng hai triệu, tiền đó lại nằm yên trong két của DN kinh doanh.


Vì thế, nhà đầu tư kết luận "xanh rờn": chứng khoán chả là gì so với vàng". Vàng lên cũng ăn mà vàng xuống lại càng ăn, mà lại không bị ai kiểm soát, không phải công bố, cáo bạch gì... Chuyện như thế đã trở nên quá thường trên thị trường vàng. Năm 2009, giá trong nước lúc đó bất thường leo lên 38,5 triệu đồng/lượng rồi lùi về 37 triệu đồng/lượng chỉ sau vài phút. Có người còn chưa cầm được vàng đã mất tiền, hàng ngàn tỷ chảy về két các DN chỉ qua thông qua tờ giấy hẹn mua - bán. DN càng lớn càng ăn tiền to.


Yếu tố nào khiến vàng liên tục phá đỉnh?


Việc đầu cơ, làm giá thì đã rõ và không phải là chuyện mới trên thị trường vàng. Tuy nhiên, một nhân tố mới được nhiều người xác định, đó là lượng vàng gom đi xuất khẩu nhưng bị ngăn lại vì chính sách thuế mới. Điều đó khiến dân xuất khẩu quay lại làm giá để xả hàng, và đẩy cơn sốt vàng cuốn theo nhiều ẩn họa cho người mua.


Trước thời điểm vàng lên đỉnh 46 triệu, giám đốc một DN tư nhân chuyên nhập khẩu và chế tác vàng miếng trong nước bức xúc cho biết, sốt vàng thì năm nào cũng diễn ra. Khi giá thế giới tăng, vàng trong nước tăng, dân đi mua nhiều tạo ra khan hiếm cục bộ, người kinh doanh lợi dụng đẩy giá để kiếm lãi. Lúc đó, người nào nhiều vàng thì nắm giữ thị trường và điều tiết giá, thậm chí, tạo ra một giá vàng rất cao trong một thời điểm để kiếm lãi. Đó là chuyện thường.


Nhưng với nhân tố gom hàng xuất khẩu, kéo dài liên tục gần đây, rất nhiều DN và các tập đoàn kinh doanh lớn nhận thấy xu hướng tăng giá thế giới và nguồn lợi từ việc dễ dãi trong xuất khẩu vàng nên đã mạnh tay gom vàng xuất đi.


Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là giá thế giới càng tăng, họ càng nâng giá mua để tăng cường thu gom.


Thực tế cho thấy, mỗi khi giá thế giới tăng, để gom lượng vàng sẵn có trong nước hoặc được nhập về từ trước với giá rẻ, các DN xuất khẩu tung tiền ra thu gom khiến vàng vật chất trở nên khan hiếm, giá tăng đột biến. Theo đó, nhiều nhà đầu tư và DN vừa bán xong lại phải đổ tiền mua vào cao hơn mức giá mình đã bán. Vàng bị đẩy cao hơn giá trị thực. Tuy nhiên khi giá vàng giảm, họ cũng làm tương tự vậy, vội vã xả hàng nhằm chốt lời, khiến các DN cũng phải đua bán theo.


Điều nay, đã dẫn tới một hiện tượng là giá mua và giá bán thu hẹp chưa từng thấy. Trước đây, có thời điểm mua vào bán ra cách nhau vài trăm ngàn đồng/chỉ, nhưng nay thì chỉ còn vài chục ngàn đồng. Đây là một tỷ lệ nhỏ, và nếu chỉ kinh doanh thuần túy, chế tác và mua bán trong nước là không có lãi. Chỉ người gom hàng xuất khẩu mới dám làm như thế.


Vạch mặt ‘đại gia’ thao túng giá vàng
Chen chúc mua vàng dẫn tới tắc đường trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) và xếp hàng mua vàng (Ảnh Phạm Hải)

Theo vị giám đốc DN này, các đơn vị kinh doanh vàng đã thầm quy ước với nhau, khoảng cách tối thiểu để có lợi trong kinh doanh vàng miếng là 2%. Nhưng gần đây, con số này có khi chỉ dưới 1% và có thời điểm chỉ còn 0,2%. Như thế, không đủ để nuôi hệ thống chứ nói gì có lời.


Trong tình huống này, chỉ có DN lớn gom hàng chờ giá cao để xuất khẩu mới có lợi, DN nhỏ buôn bán trong nước gặp khó, còn người dân thì thua lỗ như đã thấy.


Tuy nhiên, theo nhiều DN, có khi đã gom vàng vào với số lượng lớn mà lại không xuất đi được. Việc Bộ Tài chính nâng mức thuế từ 0% lên 10% cho vàng nữ trang có hàm lượng vàng trên 90% - hiệu lực từ 6/8/2011 - cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN có thể bị ứ hàng đã gom cho xuất khẩu. Chính các DN này phải tìm mọi cách để đẩy giá, tạo khan hiếm hòng bán được vàng ra với giá cao hơn để chống lỗ, tạo nên cơn sốt về nguồn cung trong nước nhằm xả hàng, gây nên sự hỗn loạn những ngày qua.


Nhưng, một số tay đầu cơ cho rằng, lực lượng làm giá này có thể đã gặp may. Sau khi làm giá thành công ở ngày thứ nhất, ngày thứ hai, giá thế giới lại đột biến tăng cao nên họ càng được thể tăng giá lên, tung các thông tin gây tâm lý và tạo khan hiếm để tiếp tục kiếm lãi. Và nhờ đó, không xuất khẩu được họ cũng kiếm đậm. Lợi ích lớn nhất thuộc về một nhóm người chuyên thu gom và làm giá.


Giấu mặt


Cho đến tối 9/8, hầu hết các DN, lãnh đạo các DN kinh doanh vàng bạc, các ngân hàng có kinh doanh vàng đều xuất hiện và cho rằng, vàng đã bị làm giá và cần thận trọng nếu không sẽ bị thiệt hai khi giá giảm nhanh. Tuy nhiên, tất cả đều không chỉ ra được ai là người làm giá?


Trao đổi vấn đề này với một chuyên gia tư vấn vàng, ông cho hay, đến nay, nhập khẩu vàng phải có giấy phép nhưng xuất khẩu thì khá dễ. Song, nói như thế không phải ai cũng có thể xuất khẩu và tất nhiên cũng không phải ai cũng là người có thể làm giá. Chuyện thị trường vàng bị thao túng là điều không phải bây giờ mới có. Tất cả những người trong giới đều biết, chỉ có các DN lớn, có sức mạnh tài chính, có khả năng chi phối thị trường vàng (thậm chí có thể nắm bắt được những chính sách điều hành mới) mới có thể làm giá.


Và tất nhiên, những đối tượng đó đều có thể điểm mặt đặt tên trên thi trường vàng một cách dễ dàng.


Ông còn tiết lộ, lúc bình thường, giám đốc một tập đoàn kinh doanh vàng bạc còn tự PR (làm truyền thông) cho DN và bản thân mình bằng việc họ phải "giỏi giang", nhanh nhạy và vất vả thế nào để đưa ra giá vàng chuẩn cho thị trường mỗi sáng. Qua cơn sốt này, giá của DN đó cũng là rất đáng được mọi người tham chiếu và tất nhiên nó cũng "đi đầu" trong việc tăng cao và chênh lệch lớn so với giá thế giới.


Nhưng lạ thay, qua cơn "điên loạn" 9/8, chính đại diện DN này cũng kêu ca thị trường bị làm giá, DN phải cuốn theo rất khó khăn trong đợt này. Vậy, đâu là sự thật?


Hoặc như, một DN khác vốn là một tên tuổi lớn, luôn khẳng định mình chiếm đa số thị phần trên thị trường vàng miếng; rồi có DN có tiếng ở miền Bắc là thành viên của cả một tập đoàn tài chính... luôn được xem là một thế lực của thị trường vàng... cho rằng giá của họ là chuẩn để thị trường tham chiếu và định giá. Nhưng khi sốt, chính họ cũng là nơi điều chỉnh giá mạnh nhất và thị trường cứ theo đó là lên và xuống. Nhưng rồi chính họ lại tỏ ra bất lực và kêu ca thị trường bị làm giá. Vậy, đâu là sự thật?


Câu hỏi lúc này là: Có một lực lượng nào làm đủ sức vượt qua những DN kinh doanh vàng lớn nhất cả nước, thậm chí cả những ngân hàng dày dạn kinh nghiệm về vàng để lũng đoạn thị trường? Và nếu có, thì chính những nhà kinh doanh này hẳn phải biết và có cách để cùng đối phó, nếu không muốn nói là họ bất lực trước thị trường.


Thực ra, ai xuất khẩu nhiều, thu về bao nhiêu ngoại tệ; ai là người bán vàng lớn qua mỗi cơn sốt dù chưa được công bố nhưng đều có thể để lại "dấu vết". Từ đó, không khó để biết được ai được hưởng lợi nhiều nhất và có cách khống chế kẻ làm giá vàng.

Theo Lê Khắc (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh