28/04/2018 8:17 PM
Dù mỗi năm, tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM đã xây dựng thêm hàng ngàn đơn vị nhà ở mới nhưng dường như vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân.
Tốc độ đô thị hóa nhanh thường dẫn đến các vấn đề về giao thông. Nguyên nhân là do mật độ tại các cư dân quá cao, số lượng phương tiện tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, còn là rác thải phát sinh từ hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt khi hạ tầng giao thông và xã hội chưa theo kịp.
Thực trạng này đã rất đến mức báo động. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6.
Giao thông tại Hà Nội và TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải
Thực tế là, càng đô thị hóa nhanh càng tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, giao tiếp xã hội, phát kiến và cơ hội nghề nghiệp cho người dân. Việt Nam có dân số đứng thứ 6 khu vực Đông Á và 32% cư dân tập trung tại 2 thành phố lớn nhất. Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ rất nhanh, 3,2% hàng năm, cao gấp đôi tốc độ tăng dân số cả nước. Số thanh niên ngày càng tăng trong số dân nhập cư tại các đô thị, 23% thanh niên trong độ tuổi 15 - 21 đã ra sống tại địa bàn đô thị trong vòng 5 năm qua, báo cáo “Mở rộng cơ hội cho người nghèo đô thị” của WB cho biết.
Hà Nội và TP.HCM đã và đang khai thác tốt quá trình đô thị hóa, cụ thể là thu nhập sau khi đã điều chỉnh theo mức chi phí tại hai thành phố này cao gần gấp đôi thu nhập ở các vùng nông thôn. Người dân được hưởng các tiện nghi và tiện ích với chi phí tốt và có chất lượng sống cao.
Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh cũng tạo áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế lại tác động tiêu cực đến việc sử dụng đất và quy hoạch đất tại khu vực rìa đô thị và khu vực nông thôn. Mặc dù vậy, tại Việt Nam có ít các khu “ổ chuột” theo nghĩa truyền thống. WB đánh giá cao cách tiếp cận chủ động của Chính phủ khi giải quyết vấn đề. Đó là xây dựng một hệ thống linh hoạt, đa chiều về quản lý nguồn cung nhà ở nhằm khuyến khích và tạo điều kiện: cung cấp nhà ở giá rẻ, kết nối giao thông với khu ngoại ô, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào xây dựng và cho thuê nhà ở, phát triển thị trường cấp vốn và trợ giá xây dựng cho người nghèo và lồng ghép chiến lược xây dựng nhà thu nhập thấp vào công tác quy hoạch toàn thành phố.
Dù mỗi năm, tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM đã xây dựng thêm hàng ngàn đơn vị nhà ở mới nhưng dường như vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Savills vừa công bố, tại Hà Nội, trong quý I/2018 đã mở bán 5.530 căn, giảm -21% theo quý và -40% theo năm song nguồn cung sơ cấp đạt hơn 24.000 căn, ổn định theo năm. Lượng mở bán giảm, số căn bán được cũng giảm -15% theo quý và -11% theo năm khiến tỷ lệ hấp thụ giảm -3 điểm % cả theo quý và theo năm xuống còn 24%. Căn hộ hạng B dẫn đầu nguồn cầu với 61% thị phần. Từ Liêm và Hoàng Mai vẫn là điểm sáng, tiếp tục dẫn đầu tổng lượng căn toàn thị trường.
Trái ngược với Hà Nội, tại TP.HCM, nguồn cung mới tăng mạnh với hơn 10.500 căn từ 13 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 9 dự án hiện hữu được mở bán. Nguồn cung sơ cấp giảm -13% theo quý và -32% theo năm còn 28.600 căn. Tổng cộng bán được 13.500 căn, giảm -11% theo quý nhưng tăng 51% theo năm, đưa tỷ lệ hấp thụ đạt 48%, tăng 1 điểm % theo quý và 26 điểm % theo năm. Phân khúc hạng C vẫn chiếm ưu thế với 62% thị phần.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm; phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư và lực lượng lao động, giảm tải cho các thành phố về áp lực công ăn việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hòa, quản lý phương tiện giao thông và người tham gia giao thông...
Để góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân, Hà Nội sẽ xây dựng 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì và giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết với khoảng 301,64 ha đất. Việc này không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở, mà còn làm giảm số lượng người đi lại, giảm ùn tắc giao thông.
Các khu nhà ở xã hội cho thuê nên gắn với khu công nghiệp tập trung, trung tâm vui chơi giải trí, khu trường học... để phục vụ người lao động tại chỗ. Về lâu dài, cần định hướng để người dân làm ở đâu, thuê nhà ở đấy, giúp người lao động lựa chọn nhà ở gắn với nơi làm việc sẽ tốt hơn. Thực hiện được, sẽ đạt đa mục tiêu là giảm tải cho các thành phố, giảm ùn tắc giao thông...
Thanh Hoài (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.