Cuối 2015 đầu 2016, nhiều dự báo đều chung dự tính tỷ giá có thể tăng khoảng 4% năm nay. Nhưng sau nửa đầu năm, thực tế là mức giảm 0,8% so với cuối năm ngoái - Ảnh: Quang Phúc.
Ba năm trước, cứ đến tháng 6 tỷ giá lại “hẹn” biến động, thị trường cũng quen với những lần điều chỉnh một bước 1% của nhà điều hành.
Cuối 2015 đầu 2016, nhiều dự báo đều chung dự tính tỷ giá có thể tăng khoảng 4% năm nay. Nhưng sau nửa đầu năm, thực tế là mức giảm 0,8% so với cuối năm ngoái. Dớp biến động đã không lặp lại.
Giải phóng áp lực
Nhưng có kẻ phá bĩnh xuất hiện. Trùng hợp, sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, diễn ra vào cuối tháng 6, suýt lôi tỷ giá USD/VND trở lại dớp biến động cũ.
Suýt, vì ngay thời khắc đầu tiên đón Brexit, tỷ giá USD/VND đã nhảy một bước rất nhanh tới khoảng 60 VND, sáng 24/6.
Tình huống ít xẩy ra đã xẩy ra. Nhưng Ngân hàng Nhà nước phản ứng rất nhanh. Sau hai tuần tạm ngừng, nhà điều hành ngay lập tức phát hành 5.000 tỷ đồng tín phiếu, hút tiền về để “kích” lãi suất VND trên liên ngân hàng, cân đối ngay tỷ giá, và nó ổn định nhanh.
Qua hai ngày nghỉ cuối tuần, đến 27/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán thêm 5.000 tỷ đồng tín phiếu nữa. Tỷ giá USD/VND bình ổn hẳn, dù tỷ giá trung tâm vẫn “chơi đẹp” khi phản ánh Brexit bằng hai bước tăng mạnh liên tiếp.
Sau hai phiên chào bán tín phiếu đó, nhà điều hành lại tạm ngừng. Có thể thấy tín phiếu là công cụ phản ứng nhanh và trực tiếp để giải phóng áp lực tức thời đối với tỷ giá. Lớn hơn, nó phát ra tín hiệu, tiếng nói đồng hành của nhà điều hành để thị trường nhìn vào, không chới với tự bơi mà dễ hoảng hốt trước biến cố (Brexit).
Trong báo cáo nhìn lại diễn biến 6 tháng đầu năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đưa ra đầu tuần này, sự can thiệp và đồng hành trên cũng được nhìn nhận theo hướng đó.
Theo trung tâm này, Ngân hàng Nhà nước bán tín phiếu như trên chủ yếu để dẫn hướng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, mà không phải để thấm hút mạnh tiền dư của hệ thống.
Dẫn hướng thị trường nhanh, kịp thời trong sử dụng những công cụ và giải pháp để giải phóng áp lực tỷ giá, theo Trung tâm Nghiên cứu của Maritime Bank là một sự mới mẻ trong điều hành, gắn với cơ chế tỷ giá trung tâm.
Tỷ giá trung tâm là cơ chế điều hành mới bắt đầu từ năm 2016. Nó ngày càng phản ánh sát hơn nhịp đập của thị trường ngoại tệ và diễn biến quốc tế. Với cơ chế này, cùng các công cụ phản ứng nhanh, báo cáo trên cho rằng, về cơ bản tình trạng căng thẳng tỷ giá như cuối 2015 không còn tái diễn, áp lực tâm lý được giải phóng, vai trò dẫn hướng thị trường của Ngân hàng Nhà nước đã mềm mại hơn và không bị giật cục mạnh mỗi khi có sự kiện lớn tác động.
Nền tảng thuận lợi
Bên cạnh vai trò dẫn hướng của nhà điều hành cùng cơ chế tỷ giá trung tâm, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Maritime Bank đề cập những yếu tố quan trọng khác tạo nền tảng thuận lợi cho ổn định tỷ giá nửa đầu năm nay.
Đúng hơn, có cơ sở khách quan để tỷ giá phá dớp biến động, định hình nên diễn biến khác biệt so với nửa đầu những năm trước.
Báo cáo phân tích: tỷ giá USD/VND giảm so với đầu năm phù hợp với sự mất giá của đồng USD trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD-Index giảm hơn 3% so với đầu năm, đồng nghĩa với việc USD đã giảm giá so với giỏ các đồng tiền mạnh, trong khi cùng kỳ năm trước USD tăng giá gần 6,7%.
Tuy nhiên, mức mất giá của đồng USD đã được thu hẹp vào cuối tháng 6 do sự kiện Brexit đã giúp cho đồng USD lấy lại một phần giá trị sau khi giảm khá mạnh khoảng 5,2% tính đến trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu.
Thứ hai, Trung tâm Nghiên cứu của Maritime Bank điểm lại, tỷ giá giảm trong nửa đầu năm nay do dòng vào ngoại tệ từ các nguồn đều khá thuận lợi.
Cụ thể, 6 tháng đầu 2016, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm 2015 nhập siêu 3,7 tỷ USD), nếu tính cả dịch vụ thì thặng dư 3,7 tỷ USD.
Dòng vốn FDI cũng tích cực, với lượng giải ngân tính đến 20/6 đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn ODA giải ngân trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Ngoài ra, kiều hối 6 tháng đầu năm khá tích cực, ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nửa đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì trần lãi suất huy động USD 0%/năm, chênh lệch “đô-đồng” theo đó vẫn khá lớn và tạo thuận lợi cho chính sách ổn định tỷ giá.
Áp lực chủ yếu từ bên ngoài
Sau khi giảm 0,8%, nửa cuối 2016 tỷ giá USD/VND sẽ như thế nào? Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank, áp lực sẽ gia tăng chủ yếu bởi tác động từ bên ngoài.
Vì trong nước, nguồn cung ngoại tệ dự báo tiếp tục tích cực trong quý 3, có thể suy giảm nhẹ trong quý 4. Khả năng cán cân thương mại chưa bị thâm hụt trong vài ba tháng tới khi lượng thặng dư tích lũy từ đầu năm khá lớn và xu hướng xuất nhập khẩu chưa đảo chiều trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tác động của các yếu tố quốc tế có sự thay đổi đáng kể.
Brexit đã làm gia tăng các yếu tố bất định đối với thị trường tài chính toàn cầu đồng nghĩa với rủi ro trong thời gian tới tăng lên khi nhiều yếu tố không thể biết trước bao gồm cả luật lệ, quy tắc thương mại, dịch chuyển lao động… được xây dựng và xác lập lại.
“Sự kiện này đã làm thay đổi đáng kể các nhận định và xu hướng thị trường tài chính khi các bên liên quan và bên thứ ba đều phải thận trọng hơn trước sự bất định phía trước”, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đưa ra nhận định.
Cụ thể, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới buộc phải có những điều chỉnh có tính khác biệt với kế hoạch trước đó. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần như chắc chắn phải hoãn lại kế hoạch nâng lãi suất đến cuối năm, thậm chí sang năm 2017. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được kỳ vọng sẽ phải hạ lãi suất trước khi kết thúc năm 2016. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chịu tác động tiêu cực ngoài ý muốn khi đồng Bảng Anh bị giảm giá quá mạnh sau sự kiện này…
Và hậu Brexit, Trung Quốc đã giảm giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất gần 6 năm qua. Các nước láng giềng của Việt Nam với cơ chế tỷ giá thả nổi hơn cũng đã giảm giá đồng nội tệ của mình.
Cùng đó, chính sách tài khóa của nhiều quốc gia, bao gồm Anh, dự báo cũng sẽ có điều chỉnh nhất định.
“Tất cả các yếu tố này sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND của Việt Nam trong thời gian tới”, báo cáo trên đưa ra góc nhìn xa hơn.
Còn trong ngắn hạn, với các điều kiện thị trường quốc tế chưa thay đổi đáng kể trong 3 tháng tới, VND được dự báo có khả năng chỉ mất giá nhẹ trong quý 3/2016, hoặc ổn định sau khi mất giá nhẹ đầu quý.
“Với khả năng điều tiết thị trường của Ngân hàng Nhà nước được cải thiện trong thời gian vừa qua, chúng tôi vẫn duy trì dự báo tỷ giá USD/VND tăng tối đa không quá 3% trong năm nay; mức tăng chủ đạo có thể chỉ quanh 1%”, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank dự báo.