Tỷ giá lập đỉnh mới
Tỷ giá USD tiếp tục lập những đỉnh mới trong ngày hôm nay (3/7) khi giao dịch tại các ngân hàng thương mại ở quanh mức 23.020 đồng mua vào và 23.090 đòng bán ra.
Cụ thể, Tỷ giá trung tâm ngày 3/7 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.635 đồng, giảm 15 đồng so với mức công bố sáng thứ 7 tuần trước.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.314 đồng và tỷ giá sàn là 21.956 đồng.
Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay tiếp tục tăng nóng. Cho tói thời điểm 14h00, giá đồng bạc xanh tiếp tục tăng vượt mốc trung bình 23.000 đồng của ngày hôm qua (2/7).
Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank giao dịch ở mức 23.000 đồng/USD mua vào và 23.070 đồng/USD bán ra.
Ngân hàng Vietinbank giao dịch ở mức giá nhỉnh hơn 23.003 đồng/USD mua vào và 23.073 đồng/USD bán ra.
Tại Ngân hàng Maritimebank tỷ giá có mức tăng mạnh, giao dịch ở mức 23.020 đồng/USD mua vào và 23.090 đồng/USD bán ra.
Ngân hàng Eximbank cũng để mức giá bán ra cao tương đương Maritimebank, ở mức 23.090 đồng/USD, tuy nhiên mức giá mua vào vẫn giữ ở mức 23.000 đồng/USD.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng cho thấy giá của đồng bạc xanh không hề giảm nhiệt dù trước đó, ngày 2/7 ngân hàng nhà nước đã có những phát ngôn trấn an thị trường như “sẽ dùng dự trữ ngoại hối để cứu thị trường nếu cần thiết”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính thì tỷ giá tăng chưa hẳn là điều bất lợi và người được lợi nhất lúc này có lẽ là các ngân hàng thương mại.
Tỷ giá tăng cao, ngân hàng hưởng lợi
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hiện các ngân hàng đang kinh doanh ngoại hối qua 2 hình thức là tự doanh và theo đơn đặt hàng.
Với loại kinh doanh theo đơn đặt hàng thì ngân hàng có đơn đặt hàng mua ngoại hối sẵn, sau đó ra ngoài thị trường mua với giá thấp hơn về bán lại cho doanh nghiệp để ăn chênh lệch. Với hình thức kinh doanh này ngân hàng là trung gian và không phải chịu rủi ro nào cả.
Với hình thức tự doanh, các ngân hàng thương mại mua ngoại tệ với giá thấp, khi thị trường thuận lợi và găm giữ ngoại tệ ngoại tệ đến khi được giá cao sẽ bán. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn rủi ro vì tạo ra trạng thái hàng tồn kho, mất giá khi tỷ giá giảm. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước quy định các ngân hàng mua ngoại tệ không được vượt quá 20% vốn tự có tại 1 thời điểm.
Với cả 2 cách nêu trên thì khi tỷ giá tăng cao các ngân hàng kinh doanh ngoại hối đều sẽ được hưởng lợi từ việc mua thấp bán cao. “Chính vì thế, có nhiều trưởng hợp tỷ giá biến động không phải do thị trường mà do các “ông” ngân hàng găm giữ ngoại tệ”, ông Hiếu chia sẻ.
Trước phát biểu của ngân hàng nhà nước về việc có thể sẽ dùng dự trữ ngoại hối để cứu thị trường khỏi cơn “nước sôi lửa bỏng”, ông Hiếu cho rằng NHNN không nên can thiệp vào thị trường lúc này mà cần để nó vận hành theo đúng quy luật chung.
Cụ thể, ông Hiếu nói: NHNN luôn muốn có chính sách ổn định tỷ giá, nhưng điều đó không có nghĩa là duy trì mức giá như hiện tại. Bởi mong muốn duy trì một mức giá như hiện tại sẽ kiềm chế xuất khẩu, không có lợi cho xuất khẩu.
“Để xuất khẩu được khuyến khích thì tỷ giá cần được nới lỏng, tăng thêm từ 1-3% trong thời gian tới”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Dựa trên tình hình thực tế, ông Hiếu nhận định từ nay tới cuối năm tỷ giá sẽ tiếp tục nổi sóng, biến động, trong khi dự trữ ngoại hối trong nước mới chỉ đủ 3 tháng nhập khẩu, “đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ cho dự trữ ngoại hối. Vì thế, thiết nghĩ dùng dự trữ ngoại hối lúc này sẽ gây hao hụt và rủi ro”, ông Hiếu phân tích.
-
Ngân hàng Nhà nước trấn an doanh nghiệp trước “sóng” tỷ giá
CafeLand - Trong những ngày cuối tháng 6, lần đầu tiên trên thị trường tự do tỷ giá USD đã chạm ngưỡng 23.100 đồng/USD. Đây là con số đáng báo động với các doanh nghiệp nhập khẩu.