Có những câu chuyện, theo thời gian trở nên cũ và nguội đi. Lại có những vấn đề dù chẳng mới nhưng do không được giải quyết rốt ráo căn nguyên mà ngày càng trở nên nóng bỏng, nhức nhối, đó là tỷ giá.

Trong năm năm qua, bất chấp sự suy thoái của kinh tế Hoa Kỳ, bất chấp đồng USD ngày càng suy yếu đi so với nhiều đồng tiền khác, đồng USD không ngừng tăng giá so với đồng tiền Việt Nam, thậm chí, có những giai đoạn tăng từng ngày. Từ ngày 5/10 tới 13/10 vừa qua, tỷ giá USD/VND đã được điều chỉnh tăng tới 5 lần, tăng thêm 50 đồng, lên xấp xỉ 21.000 đồng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá, tất nhiên không báo trước, DN chỉ biết đi từ bất ngờ này tới lo lắng khác, đặc biệt là vào quý cuối năm, khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ năm sau, cũng như nhu cầu thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ từ đầu năm, vốn không hề nhỏ.


Tỷ giá: nóng bỏng chuyện cũ

Diễn biến tỷ giá USD/VND tháng 10/2011 (Nguồn: ACB)


Đằng sau câu chuyện nóng bỏng này hàm chứa những nguyên nhân không mới. Một lần nữa, vàng lại là vịnh tránh bão trước những bất ổn kinh tế toàn cầu. Và một lần nữa, Việt Nam phải nhập khẩu vàng đáp ứng nhu cầu nội địa. Tính tới cuối tháng chín, 1,5 tỷ USD đã được NHNN dành cho nhập khẩu vàng. 1,5 tỷ USD, chiếm tới 1/10 dự trữ ngoại tệ của Việt Nam (khoảng 15 tỷ USD theo ước tính của IMF) đã ảnh hưởng không nhỏ đến dự trữ ngoại tệ, đến nguồn cung USD.


Nguyên nhân thứ hai là tăng trưởng tín dụng. Tính đến 31/8/2011, trong khi dư nợ VND chỉ tăng 7% thì tín dụng USD đã tăng gấp ba, 22%, bất chấp nỗ lực bình ổn của NHNN bằng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, siết vay ngoại tệ… Và cuối năm nay, ước tính tăng trưởng tín dụng ngoại tệ có thể lên tới mức báo động, 30%! Con số này không chỉ thể hiện khuynh hướng DN ưa thích vay USD hơn VND mà còn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản và áp lực tỷ giá vô cùng lớn khi các khoản vay này đáo hạn vào cuối năm.


Nhiều tổ chức tài chính đã lên tiếng dè dặt về động thái giảm lãi suất quá sớm của NHNN. Có thể thấy ngay, việc giảm lãi suất đi cùng với việc giảm sức hấp dẫn của đồng nội tệ. Dòng tiền có hạn và thông minh, sẽ tự khắc tìm đến các tài sản an toàn và sinh lời cao hơn, đó là bất động sản, vàng… và tất nhiên cả USD.


Ngoài ra, còn một nguyên nhân mang tính chu kỳ. Quý IV là thời điểm DN đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho cuối năm, do đó cầu ngoại tệ luôn tăng. Tuy nhiên, năm nay, dự báo sẽ thiếu USD trầm trọng do nhập siêu dự đoán lên tới 11 tỷ USD.


Quá nhiều sức ép lên tỷ giá nên không khó để hiểu vì sao tỷ giá ở Việt Nam lại “ một mình một kiểu” so với thế giới.


Trong khi đó, chính sách tiền tệ lai tham vọng nhiều mục tiêu (khống chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng, giảm lãi suất, ổn định thị trường vàng và ngoại hối…) mà thường thì chỉ có thể đạt được một vài mục tiêu bằng cách hy sinh mục tiêu khác. Hiện, mới chỉ thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất về 14%/năm, tăng trưởng chỉ đạt gần 6%, giá vàng trong nước chênh lệch lớn so với thế giới và VND liên tục mất giá. Nhìn vào những con số này, khó có thể đặt hoàn toàn niềm tin vào đồng nội tệ.


Việt Nam hiện đã tụt 5 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh trên bản đồ thế giới, chỉ số ICOR lên tới con số 8, cho thấy mức độ kém hiệu quả của nền kinh tế. Đã đến lúc phải thay đổi cách phát triển theo chiều rộng và tập trung vào những ngành thâm dụng vốn; nghiêm túc tìm hướng giải quyết cho tình trạng đầu tư công tràn lan của DN quốc doanh. Căn bệnh kinh niên là thâm hụt và bội chi không giảm, hiệu quả đầu tư không tăng, thì lạm phát bùng lên là đương nhiên. Mười năm qua, Việt Nam liên tục nhập siêu, USD không ngừng tăng và khoản nợ cứ mỗi năm lại phình to hơn…


Để khôi phục niềm tin người dân, không còn cách nào khác ngoài tạo dựng thực tế bằng các con số lạm phát, tỷ giá, lãi suất ổn định… Và trên hết, thông điệp của cơ quan quản lý cần minh bạch, nhanh chóng, giúp người dân có thể hiểu rõ, theo kịp đường đi của chính sách.


Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trì trệ, không chỉ riêng Việt Nam đang chịu khó khăn. Nhưng nếu chính sách tiền tệ không bị áp lực bởi quá nhiều mục tiêu, mà nhất quán hơn, thì chắc chắn tình hình vĩ mô sẽ ổn định, và sẽ bớt nóng bỏng như câu chuyện tỷ giá, vốn đã trở nên quá cũ.

Theo Linh Đàm (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh