06/03/2013 7:35 PM
Trước việc tỷ giá có sóng tăng lần thứ 2 sau Tết, nhiều lãnh đạo ngân hàng lý giải đây chủ yếu là hiện tượng xuất phát từ tâm lý thị trường và những biến động này chưa phải "quá mạnh" như được mô tả.

3 ngày trở lại đây, tỷ giá đôla bật tăng và có thời điểm, giá bán tại các ngân hàng lên trên 21.000 đồng. Đây cũng là lần thứ 2 sau Tết, các nhà băng niêm yết giá mua trên mốc này.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động, chiều 4/3, giá bán được các điểm thu mua ngoại tệ thông báo đã lên 21.230 đồng - mức cao nhất kể từ sau Tết. Đến chiều 6/3, giá mua bán đôla trên thị trường tự do rút về phổ biến còn 21.170 - 21.190 đồng.

Tỷ giá tăng một phần do biến động tâm lý thị trường. Ảnh: Hoàng Hà.

Tình hình bắt đầu hạ nhiệt vào chiều ngày 5/3 khi các ngân hàng đưa giá bán về mức phổ biến 20.960 - 20.980 đồng. Cũng từ ngày 5/3, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm 86 đồng giá bán ra đôla, từ mức 21.036 đồng xuống còn 20.950 đồng.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Quang Trung - quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), cho rằng động thái điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước là yếu tố góp phần đưa tỷ giá ngân hàng và tự do hạ nhiệt. Theo ông, giảm giá bán ra, có nghĩa Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp sẵn sàng bán đôla với giá thấp hơn tại các ngân hàng, thể hiện cầu ngoại tệ không căng thẳng. "Đây được xem là hành động can thiệp tỷ giá kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định tỷ giá và cũng giống như những gì đã làm trong năm 2012", ông Trung cho biết.

Trước việc tỷ giá có sóng tăng lần thứ hai kể từ sau Tết, nhiều ý kiến cho rằng không ngoại trừ khả năng nhiều ngân hàng mua vào đôla để bù đắp lượng ngoại tệ đã chuyển đổi trước đó - thời điểm tỷ giá không biến động. Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho rằng "sóng" lần này không có gì bất thường.

Ông nhận định tỷ giá tăng chủ yếu do tâm lý thị trường, chỉ là sự thiếu hụt ngắn hạn tạm thời và chưa có gì cho thấy cầu ngoại tệ biến động mạnh. Theo ông, thị trường nên có cái nhìn "công bằng" hơn với chuyện biến động của tỷ giá. "Ngày xưa biên độ lên vài trăm đồng mới là biến động lớn, còn bây giờ mới lên vài chục đồng mà đã nói là 'biến động mạnh' thì dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường", tổng giám đốc này nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Quang Trung cũng chỉ ra nguyên nhân tỷ giá tăng mang nhiều tính tâm lý. "Trên thị trường, người ta nói nhiều về tỷ giá quá nên xảy ra hiệu ứng theo dây truyền. Còn các chỉ số phân tích cơ bản như cán cân xuất nhập khẩu, cung cầu liên ngân hàng cũng như cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thời gian qua đều ổn định", ông Trung phân tích.

Lãnh đạo một ngân hàng khác nói: "Chắc tại mọi người quá quen với việc tỷ giá không chạy trong năm 2012 nên khi thấy tăng một chút là quá lo lắng". Theo ông, ngay cả lập luận tỷ giá tăng do chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng, hiện tượng gom đôla nhập vàng lậu tái xuất cũng chưa đúng. Sự chênh lệch giữa nội ngoại mang tính chất lịch sử chứ không có hiệu ứng bình thông nhau như ngày xưa. "Nhiều người ngộ nhận khi chênh lệch giá lớn thì lập tức cầu ngoại tệ đôla nhập vàng sẽ xảy ra. Nhưng theo tôi, việc này chỉ mang tính lịch sử bởi không còn hiệu ứng bình thông nhau giữa giá vàng nội - ngoại", ông phân tích.

Trước đó khi có cơn sóng tăng của tỷ giá lần đầu tiên sau Tết, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá ổn định và không có chuyện phá giá tiền đồng. Theo ông Lê Minh Hưng - phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước đủ lực để đáp ứng nhu cầu thị trường và chưa cần điều chỉnh tỷ giá lúc này.

Thanh Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.