26/10/2011 9:21 AM
NHNN đã nâng tỷ giá tổng cộng 140 đồng, tương đương 0,68%, và chỉ còn cách 0,3% so với tỷ lệ biến động 1% - ngưỡng mà Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố là sẽ giữ ổn định cho bằng được từ nay đến cuối năm.
Tỷ giá: Đằng sau gánh nặng cuối năm...

NHNN công bố, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng áp dụng ngày 26/10 ở 20.768 đồng, tăng 20 đồng so với mức 20.748 đồng duy trì suốt từ ngày thứ 6.

Tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM hôm nay là 20.976 đồng, cao hơn 21 đồng so với hôm qua. Các ngân hàng cũng đồng loạt nâng giá USD theo điều chỉnh của nhà nước, với giá bán ra thêm 21 đồng và mua vào tăng 20 đồng. Cụ thể như sau:

Tại BIDV, tỷ giá USD sáng nay được niêm yết tại 20.960 - 20.976 đồng. Đây cũng là mức giá niêm yết USD tại ngân hàng Sacombank. Tại ACB, tỷ giá USD hôm nay là 20.953 - 20.976 đồng, của Eximbank là 20.956 - 20.976 đồng.

Ngoài thị trường tự do, giá USD hôm qua tăng khoảng 30 đồng, với mua vào bán ra phổ biến ở 21.680 - 21.780 đồng.

Theo các chuyên gia, mức nợ xấu ngoại tệ chiếm tỷ trọng gần 2,9% dư nợ ngoại tệ sẽ là một trong nhiều sức ép lên tỷ giá từ nay đến cuối năm, vì những tháng cuối năm là khoảng thời gian các khoản vay ngoại tệ sẽ đáo hạn.

Do chênh lệch lãi suất huy động giữa VNĐ và USD, nên tín dụng ngoại tệ tăng nhanh những tháng qua. Dự báo mức tăng trưởng dư nợ tín dụng ngoại tệ có thể đạt 30% vào cuối năm. Việc tăng nhanh mức dư nợ ngoại tệ như thế đồng thời với việc gây nhiều rủi ro lên tỷ giá vào giai đoạn đáo hạn, mà cao điểm là vào dịp cuối năm. Đó là chưa nói đến chuyện có rủi ro do mất cân đối giữa đồng tiền nội tệ và ngoại tệ khi cung ứng ra nền kinh tế. Bởi lẽ, nếu đơn vị vay ngoại tệ cũng là đơn vị tạo ra được ngoại tệ, thì không có vấn đề rủi ro. Nhưng nếu vay ngoại tệ, mà lại chỉ tạo ra nội tệ, thì đó là vấn đề đối với việc gia tăng áp lực nợ xấu ngoại tệ. Nếu vay mà không trả, ngân hàng sẽ gặp rủi ro về thanh khoản. Sự mất cân đối đó càng làm tăng áp lực lên tỷ giá, lên lạm phát.

Thực tế là tỷ lệ nợ xấu ngoại tệ đã tăng hơn 2,6%. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2007 – 2008 có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân chính là giám sát không tốt các dòng vốn ra – vào giữa bên ngoài và trong nước với việc vay mượn nội tệ, ngoại tệ và khả năng làm ra ngoại tệ hay nội tệ của doanh nghiệp, từ đó gây mất cân đối dòng tiền. Thêm nữa, huy động ngắn hạn mà cho vay dài hạn, sẽ làm mất cả cân đối cơ cấu thời hạn. Đây cũng là một yếu tố từng gây ra khủng hoảng trong quá khứ.

Trong khi đó, cũng có lo ngại về việc các ngân hàng cung ứng vốn ngoại tệ khá lớn, ngoài khả năng huy động, nên rất có thể đã phải vay từ nước ngoài. Nếu đây là nhận định chính xác, và đến thời điểm đáo hạn ngân hàng không thu hồi đủ nợ, thì sẽ phát sinh hệ lụy xấu với thanh khoản. Các ngân hàng, khách hàng của ngân hàng đều phải tìm cách huy động ngoại tệ, sẽ làm tăng áp lực tỷ giá.

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, hiện tại, điều mà Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng và đang làm là tổng rà soát lại thông tin huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại. Nhưng để đánh giá rủi ro cụ thể thì phải đánh giá cơ cấu vay, đối tượng vay, vay để sản xuất hàng xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước, bao giờ đáo hạn… Điều này không ai đánh giá, trả lời chính xác bằng Ngân hàng Nhà nước và bản thân các ngân hàng thương mại. Do vậy, cần sự trao đổi, đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, giữa ngân hàng thương mại với khách hàng vay vốn ngoại tệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với nhiều nước, cả những nước là đối tác thương mại của Việt Nam, nước ta có tốc độ lạm phát nhanh hơn, vì thế, để duy trì thúc đẩy xuất khẩu, thì đồng tiền nội tệ sẽ chịu áp lực mất giá. Sức ép khác là cán cân vãng lai, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn bị thâm hụt khá cao. Chính sự thâm hụt thương mại và vãng lai là những khoản phải thanh toán ngay, đã tạo áp lực trên thị trường ngoại hối, đó là sự mất cân bằng cung cầu ngoại tệ hiện nay. Và một yếu tố nữa cũng rất quan trọng là thị trường tài chính rất phụ thuộc vào tâm lý người dân và thông tin minh bạch. Thông tin không rõ ràng rất dễ gây hệ lụy xấu.

Trong suốt cả tháng 9, tỷ giá USD và VNĐ không biến động, chỉ là một đường thẳng bất định. Nhưng sang tháng 10, đồ thị đã thay đổi, tỷ giá liên tục nhảy. Trong 2 tuần, đã có 7 lần liên tiếp tỷ giá được điều chỉnh tăng. Nhu cầu về ngoại tệ để thanh toán, trả nợ dịp cuối năm, cộng với những cơn sốt vàng, rồi giá trị tương quan giữa hai đồng tiền VNĐ/USD… là những áp lực lên tỷ giá, khiến cho tỷ giá liên tục tăng.

Dù có nhiều áp lực như vậy, nhưng NHNN đã khẳng định, sự biến động của tỷ giá đến hết năm chỉ trong khoảng 1%. Thị trường yên tâm với tuyên bố chắc nịch đó. Nhưng tỷ giá sẽ được điều chỉnh thế nào trong thời gian tới cũng là điều mà cả thị trường ngóng đợi.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng: “Muốn giảm được tốc độ mất giá của VNĐ, thì quan trọng nhất là phải giảm cho được lạm phát xuống. Bên cạnh đó, nếu làm tốt hơn thì phải kéo được thâm hụt cán cân thương mại xuống, kéo được các dòng vốn nước ngoài vào tốt hơn thì áp lực sẽ giảm bớt”.

Từ nay đến cuối năm, chỉ còn hơn 2 tháng nữa, sự yên tâm về tỷ giá cũng sẽ kéo dài được chừng ấy thời gian với biến động được cam kết không quá 1%. Nhưng 99% các đối tượng có liên quan đến ngoại tệ thì không bao giờ mong muốn bài toán kinh doanh của họ bị giới hạn trong khoảng thời gian ngắn ngủi là hơn 2 tháng.

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Tỷ giá thực, tức là sự phản ánh mức độ cạnh tranh thực của tiền đồng nếu mà yếu đi, hàng xuất khẩu yếu đi, trong khi nhập khẩu lại vẫn tăng, chưa kể đến cơ cấu của nền kinh tế, thì ý nghĩa của việc điều chỉnh tỷ giá nếu có sẽ không có nhiều giá trị. Cho nên, cái chính vẫn là phải kéo cho bằng được lạm phát xuống và đồng thời phải gắn với câu chuyện về quản trị cán cân thanh toán quốc tế. Thời điểm điều chỉnh tỷ giá - ở đây là nghệ thuật điều hành, nếu có điều chỉnh tỷ giá thì thời điểm nên là lúc mà lạm phát đã thực sự giảm và thực sự là lạm phát đi xuống”.
Theo Mỹ Loan (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh