03/10/2013 3:02 PM
NHNN đang định hướng điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, linh hoạt và hiện vẫn chưa phát đi tín hiệu điều chỉnh tỷ giá. Dù có nhiều yếu tố hỗ trợ sự ổn định nhưng tỷ giá vẫn đang đứng trước nhiều áp lực tăng theo mùa vụ lẫn yếu tố thị trường.

Áp lực cuối năm

Theo đánh giá kết quả đã đạt được trong việc ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ của NHNN, trong 8 tháng năm 2013, thị trường ngoại tệ và tỷ giá về cơ bản diễn biến ổn định, phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường và góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Việc NHNN điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên NH từ mức 20.828 VNĐ/USD lên mức 21.036 VNĐ/USD kể từ ngày 28-6-2013, đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại TCTD, đảm bảo phù hợp với diễn biến cung cầu ngoại tệ, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế, chính sách điều hành lãi suất VNĐ và tiếp tục khuyến khích người dân nắm giữ VNĐ, giảm nắm giữ ngoại tệ.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Quốc tế (VIB), việc NHNN hướng đến ổn định tỷ giá dựa trên nhiều cơ sở. Một là thâm hụt thương mại 8 tháng 2013 ở mức thấp với con số âm 600 triệu USD, theo dự kiến thâm hụt thương mại năm 2013 cũng chỉ khoảng 3-4 tỷ USD, chiếm 3% kim ngạch xuất khẩu. Hai là dự trữ ngoại hối đã đạt 27 tỷ USD, tốc độ giải ngân của các dự án FDI ổn định, lượng kiều hối cũng đang tăng mạnh, dự báo đến cuối năm kiều hối sẽ đạt hơn 10 tỷ USD.

Song song đó, sau khi Thông tư 37/2012/TT - NHNN về hạn chế cho vay ngoại tệ được ban hành, khách hàng vay bằng USD đã giảm. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, từ nay đến cuối năm tỷ giá cũng đối mặt với một số áp lực, bởi thông thường bước sang tháng 10 nhu cầu USD phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bắt đầu gia tăng dần.

Theo thông lệ, tỷ giá sẽ có sóng vào những tháng cuối năm, còn mức độ biến động như thế nào tùy thuộc vào nhu cầu và thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm cấu trúc (cho vay VNĐ lãi suất USD) từ cuối năm 2012 đang lần lượt đáo hạn nên nhu cầu USD tăng lên.

Hơn nữa, hiện nay NHNN vẫn đang độc quyền nhập khẩu vàng để cung cấp cho thị trường trong nước gây ra một số quan ngại sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Trước những áp lực về cầu USD có thể nhìn thấy được, ông Trung dự báo từ nay đến cuối năm có thể tỷ giá sẽ tăng thêm 1%, đạt mức 21.300-21.500 VNĐ/USD.

Cần lộ trình điều hành tỷ giá

Hầu hết các chuyên gia cho rằng áp lực tăng tỷ giá cuối năm là có thực, do cầu ngoại tệ của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh. Nếu áp lực quá lớn, NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá tăng 1%. Hồi đầu năm, NHNN khẳng định sẽ điều hành tỷ giá biến động từ 2-3%, vừa rồi NHNN đã tăng 1%, nên từ nay đến cuối năm tỷ giá có thể sẽ tăng thêm 1% để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Mức điều chỉnh như vậy có thể chấp nhận được và NHNN hoàn toàn có đủ năng lực điều hành ở mức này. Tuy nhiên, theo những công bố của NHNN cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu sẽ điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn.

Trên thị trường đang có nhiều thông tin đồn đoán tỷ giá có thể có “sóng” vào những tháng tới. Bởi nếu không tính đến nhu cầu thị trường mà chỉ nhìn riêng vào việc các sản phẩm cấu trúc cho vay VNĐ theo lãi suất USD, cho thấy nguồn vốn huy động VNĐ đang dồi dào, lãi suất thấp và nhiều NHTM không cho vay ra được. Vì vậy, khi các khoản vay cấu trúc đáo hạn, các NHTM sẽ gom ngoại tệ để nâng trạng thái chứ không chuyển đổi USD sang VNĐ để cho vay như trước nữa.

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lãi suất thấp, nhu cầu giữ USD như một giải pháp đầu tư và chờ cơ hội để kiếm lời. Không chỉ vậy, theo thống kê, tốc độ tăng tiền gửi ngoại tệ của khối doanh nghiệp đã giảm đáng kể, từ 16,96% trong tháng 7 lùi về 15,51% trong tháng 8, điều này cho thấy các doanh nghiệp cũng đang phòng thủ. Do vậy nhiều ý kiến cho rằng tuy tỷ giá ổn định nhưng chưa hẳn là cố định.

Nhìn về chính sách điều hành tỷ giá, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc CTCP Gỗ Đức Thành, cho biết hiện nay doanh nghiệp phải sống thấp thỏm với tỷ giá vì thực sự thị trường ngoại hối bị tác động bởi nhiều yếu tố. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thông tin tỷ giá sẽ tăng là tin tốt, bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt trong hoạt động kinh doanh quốc tế, nên những chính sách điều hành tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn.

Do vậy, doanh nghiệp mong muốn NHNN đưa ra lộ trình cụ thể về tỷ giá, giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất, hạn chế những đột biến, những cú sốc khi thông tin hôm nay là không tăng tỷ giá nhưng sang ngày mai tỷ giá lại đột ngột tăng lên, khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn sống trong thấp thỏm.

Lộ trình của tỷ giá có thể định hướng phù hợp với nhu cầu, thời vụ của thị trường để đưa ra những dự trù như khoảng thời gian nào sẽ tăng, tăng bao nhiêu % để doanh nghiệp có thể báo giá cho khách hàng và tính toán bài toán kinh doanh hợp lý thay vì phải bị động, chới với một thời gian khi tỷ giá biến động.

Nếu tỷ giá tăng, giá xăng dầu cũng sẽ tăng, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Do đó nếu dự trù được, doanh nghiệp có thể đàm phán giá cả hợp lý với các đối tác trong từng thời điểm hay từng quý, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đỗ Linh ( Sài Gòn Đầu tư Tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.