Trong giai đoạn 2021-2030, Nghệ An sẽ hạn chế đầu tư mới các dự án sản xuất xi măng, duy trì tổng năng lực sản xuất xi măng từ 13,6 đến 14 triệu tấn/năm.

UBND tỉnh Nghệ An mới đây đã có quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm vật liệu mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiến tiến hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, đảm bảo nguồn vật liệu cho xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Trong giai đoạn 2021-2030, Nghệ An sẽ hạn chế đầu tư mới các dự án sản xuất xi măng trên địa bàn

Đối với lĩnh vực xi măng, từ nay đến năm 2023, Nghệ An sẽ hạn chế đầu tư mới các dự án sản xuất xi măng. Duy trì tổng năng lực sản xuất xi măng trên địa bàn đạt từ 13,6 đến 14 triệu tấn.

Ngoài ra, chỉ tạo điều kiện cho các nhà máy xi măng đã được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư tư nâng công suất.

Đến năm 2050, các nhà máy xi măng có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn thì phải đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng trung bình đạt mức 65%, phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%.

Trong giai đoạn này, Nghệ An khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xi măng trắng, các loại xi măng có tính chất đặc biệt để dùng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển sản xuất xi măng mác cao, xi măng bền sun phát cung cấp cho công trình biển, xi măng khoan dầu khí, xi măng bền trong môi trường xâm thực.

Về công nghệ sản xuất, đến hết năm 2025, tất cả các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.

Phải sử dụng tối thiểu 20% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng đến năm 2025, còn số này đến năm 2030 là 30%. Sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clinker xi măng.

Giai đoạn 2031-2050, tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng trung bình đạt mức 60%, phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 40%.

Tất cả các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải sử dụng tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker. Sử dụng trên 30% tro bay, xỉ nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm phụ gia trong sản xuất xi măng.

Đặc biệt, hạn chế xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 20% tổng công suất thiết kế.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, nguồn cung ngành xi măng năm 2023 có thể đạt hơn 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ ở mức 63-65,5 triệu tấn. Theo kế hoạch trong năm nay tiếp tục có thêm hai dây chuyền mới đi là Xi măng Xuân Thành 3 (công suất 4,5 triệu tấn/năm) và Xi măng Long Thành (công suất 2,3 triệu tấn/năm).

Hiện tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá thành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn ở cả thị trường tiêu thụ nội địa.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.