10/09/2012 10:33 PM
Giao dịch nhà đất giữa các cá nhân luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thiếu cảnh giác, chấp nhận mua nhà đất với một bộ giấy tờ sở hữu nhà đất sao chụp lại, khiến nhiều khách hàng đã bị lừa đảo hàng tỷ đồng…

TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử Lê Tiến Tường (sinh năm 1937), hộ khẩu ở Thanh Xuân, Hà Nội và Đinh Xuân Tới (sinh năm 1958), kỹ sư điện lạnh, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cùng bị truy tố với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, tháng 5/2010, Công an TP. Hà Nội nhận được đơn thư của một số người tố cáo Lê Tiến Tường chiếm đoạt số tiền 3,6 tỷ đồng qua việc bán khu đất tại Gò Voi, Phú Mỹ, Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, tháng 4/2010, Lê Tiến Tường bán khu đất trên cho hai ông Nguyễn Văn Tráng và Đỗ Minh Tú với giá 3,6 tỷ đồng. Ngoài giấy tờ của khu đất, Tường còn cho hai người xem một số giấy tờ liên quan đến nhân thân như CMND, Quyết định của Trung tâm Hóa dược hóa sinh hữu cơ của Viện Khoa học Việt Nam, nội dung thể hiện Tường là giáo sư, tiến sỹ. Do tin tưởng Tường, ông Tránh và Tú đã giao đủ 3,6 tỷ đồng cho Tường ngay tại Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Phúc, Hà Đông, nhưng khi xây dựng nhà tạm trên khu đất thì bị bà Đoàn Thị Bẩy phát đơn kiện.

HĐXX đã tuyên phạt Lê Tiến Tường 16 năm tù giam, Đinh Xuân Tới 7 năm tù giam

Kết quả điều tra xác định, năm 1989, khi làm việc tại Bộ Thủy sản, ông Tường có mua khu đất rộng 360 m2 nói trên của ông Nguyễn Văn Thuận và được ông Thuận giao giấy tờ gốc liên quan đến thửa đất (đất chưa được cấp sổ đỏ). Đến năm 1990, ông Tường đã bán thửa đất cho bà Dương Thị Nhung, cùng làm việc tại Bộ Thủy sản và giao toàn bộ giấy tờ gốc của thửa đất cho bà Nhung. Trong giấy chuyển nhượng, ông Tường đã viết: “Từ nay, bà Nhung có toàn quyền sử dụng, nhượng bán nhà đất này. Nhà này đích thực tôi mua, chưa tiện sử dụng, có chính quyền và những người liên quan xác nhận, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm” và “Người bán đã nhận đủ tiền”. Tháng 12/1999, bà Nhung bán thửa đất nói trên cho bà Đoàn Thị Bẩy. Cho đến trước khi xảy ra vụ án, bà Bẩy quản lý thửa đất và giữ toàn bộ giấy tờ gốc.

Năm 2004, Lê Tiến Tường làm quen với Đinh Xuân Tới. Tường nhờ Tới thiết kế một dây chuyền sản xuất thuốc từ lá cây trinh nữ hoàng cung với chi phí mua máy móc và làm nhà xưởng khoảng 3 tỷ đồng.

Để có tiền đầu tư, Tường bàn với Tới việc bán khu đất tại Gò Voi. Tới đã gặp bà Bẩy hứa hẹn giới thiệu người mua đất nên bà Bẩy đã cho Tới xem giấy tờ gốc. Tới xin bà Bẩy cho scan lại giấy tờ nhà đất (gồm đơn xin cấp xác nhận sử dụng đất thổ cư của ông Thuận, Giấy nhượng nhà và hoa màu của ông Thuận cho ông Tường, Biên lai thu tiền lệ phí đất của UBND thị trấn Cầu Diễn) và cam kết chỉ sử dụng để đưa cho người mua xem. Sau khi có bộ giấy tờ sở hữu khu đất Gò Voi được scan màu, Tới giao cho Tường giữ.

Cũng theo cáo trạng, trước khi bán đất cho ông Tráng và ông Tú, năm 2009, Tường và Tới cũng rao bán khu đất trên cho một nhóm khách hàng là Nguyễn Thị Thúy Hường, Bùi Văn Thảo, Nguyễn Ngọc Hưng với giá 4,1 tỷ đồng, đặt cọc trước 100 triệu đồng… Tới được Tường chia cho 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn giao tiền, nhóm 3 người mua không đến, Tới và Tường cãi nhau ngay trước mặt người môi giới là Trần Ngọc Hà nên ông Hà mới biết đó là giấy tờ scan và báo cho 3 người mua nói trên. Khi nhóm người mua hẹn gặp và chất vấn, Tường thừa nhận giấy tờ là bản scan nhưng vẫn khẳng định có giá trị như giấy tờ thật. Nội dung cuộc gặp bị ghi âm và sau đó Tường bị tố cáo ra cơ quan công an. Tại đây, Tường viết cam kết trả lại số tiền 100 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa trả lại.

Tại phiên sơ thẩm, Tường khăng khăng cho rằng mình không lừa ông Tráng và ông Tú mà đã nói rõ là giá 3,6 tỷ đồng chỉ là giá bán với giấy tờ scan, còn nếu là giấy tờ gốc thì giá bán phải cao hơn. Hơn nữa, Tường còn bảo là mình bị bà Nhung lừa (Năm 1990, khi Tường đi miền Nam, bà Nhung nhân cơ hội trông nhà hộ, lục tủ lấy giấy tờ gốc). Về phần giấy tờ bán đất, Tường thừa nhận có viết nhưng vẫn khai rằng do bà Nhưng lừa viết.

Tuy nhiên, bà Nhung khai, do cùng làm ở Bộ Thủy sản, năm 1986, bà Nhung có cho Tường vay tiền nhưng đòi mãi không được. Đến năm 1990 thì Tường tự nguyện gán đất để trừ nợ, không có chuyện bà trộm lấy giấy tờ.

Tại Toà, bị cáo Đinh Xuân Tới khai, khi biết Tường muốn bán khu đất Gò Voi, giấy tờ gốc bà Bẩy giữ, do muốn có quan hệ làm ăn với Tường nên Tới tìm gặp bà Bẩy. Qua bà Bẩy, Tới biết thửa đất này hiện đang còn tranh chấp và Tường không phải là chủ duy nhất. Tới cho là đất này là sở hữu chung của ông Tường và bà Bẩy nên mới mượn giấy tờ scan lại giúp Tường.

Xét thấy lời khai của hai bị cáo thiếu căn cứ, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt Lê Tiến Tường 16 năm tù giam, Đinh Xuân Tới 7 năm tù giam.

Có thể thấy, thời gian qua, những vụ lừa đảo trong mua - bán liên quan đến nhà đất diễn ra khá phổ biến. Trong những vụ án này, thiệt hại đều rất lớn. Để tránh những rủi ro, thiệt hại khi giao dịch nhà đất, ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê (Bộ Tài nguyên Môi trường) khuyến cáo, các bên tham gia giao dịch tốt nhất là đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở tỉnh, thành phố, quận, huyện làm thủ tục giao dịch theo đúng quy định. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra giấy tờ gốc và cơ bản phát hiện được nếu đó là giấy tờ giả mạo.

Theo Bùi Trang (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.