Trong 11 tháng đầu năm đã có 123.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Đây là con số rất đáng suy nghĩ.

Ảnh minh hoạ

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát biểu tại Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023 diễn ra tại Hà Nội sáng 14.12.

Theo ông Lộc, 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế, trong đó 6 tháng cuối năm thì màu xám nhiều hơn. Ông Lộc ví von những con số vĩ mô đang trong mùa hè, còn doanh nghiệp đang trong mùa đông khó khăn.

Trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

Tuy nhiên, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số đáng để suy nghĩ. Trong 11 tháng đầu năm đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Theo ông Lộc, bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế.

Ông Lộc cho rằng nếu nhìn sâu vào bức tranh doanh nghiệp, thì có thể thấy họ đang gặp rất nhiều khó khăn khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.

Năm 2020, 39,7% doanh nghiệp có lãi, 41% hòa vốn. Thế nhưng, năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi Covid-19, giờ lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng…

“Tình hình hiện nay là một tai nạn khách quan từ bên ngoài đối với doanh nghiệp. Khi đối mặt với những tai nạn như vậy, những yếu kếm trong nội bộ của doanh nghiệp được bộc lộ ra, nó tác động trực tiếp đến tình hình của doanh nghiệp, buộc họ phải rút khỏi thị trường. Những yếu tố khách quan này tạo nên sự đổi mới, buộc các doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn”, ông Lộc nhận định.

Dự báo cho năm sau, Chủ tịch VCCI cho rằng bức tranh kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, sẽ có biến đổi khó lường.

“Chúng ta chỉ có thể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Đây sẽ là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp – sẽ được mở rộng hơn nữa”, ông Lộc nói.

Theo vị này, ngày nay, có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn, nhất là qua đại dịch vừa rồi sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn nhiều.

Một vấn đề nữa là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn. Theo ông Lộc, cần có những chính sách, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số.

Một trong những yếu tố quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý. Bởi lẽ, các doanh nghiệp không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn.

Theo ông Lộc, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong kinh doanh của mình, khi ký kết hợp đồng cần luật sư tư vấn để tránh phát sinh những rủi ro. Bên cạnh đó, cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh. Đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp – nguyên tắc tranh chấp.

Cơ hội “vượt nghẽn” trong năm tới rất lớn

Xét về tổng thể, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh.

Chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục…

Do đó, giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng, mà nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

Một số bất cập trên thị trường đất đai, tài chính, bất động sản, lao động, y tế đã được nhận diện và đang được tiếp cận tháo gỡ... Do vậy, cơ hội để “vượt điểm nghẽn” trong năm tới là rất lớn.

Năm 2023, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng còn tiếp tục nên tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể vẫn diễn ra, đòi hỏi giải pháp mềm dẻo, linh hoạt, đảm bảo cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng nên tái cấu trúc mạnh mẽ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, quản lý rủi ro tốt hơn.

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.