Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư 16/2021/TT-NHNN đó là: Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp còn phải đáp ứng các nguyên tắc như:
Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền.
Thông tư 16 cũng quy định: Trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau: Là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo đúng quy định của pháp luật; được phát hành bằng đồng Việt Nam; thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết trái phiếu doanh nghiệp không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu).
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15.1.2022.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn dài hạn rất lớn và kênh tín dụng truyền thống bị siết chặt, trái phiếu ngày càng trở thành kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, sức hút trái phiếu doanh nghiệp dường như không chỉ đến từ chất lượng kinh doanh, mà chủ yếu đến từ lãi suất cao với kỳ trả lãi thông thường là 3 tháng 1 lần, mang lại dòng thu nhập đều đặn. Mức lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng cam kết trả cho người mua trái phiếu thậm chí cao gấp đôi mức lãi suất mà ngân hàng cam kết trả cho người gửi tiền tiết kiệm.
Người mua trái phiếu doanh nghiệp hiện chủ yếu là các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán, trong một vài trường hợp có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm có tổng cộng 723 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, trong đó có 705 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 422,45 nghìn tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành. Bên cạnh đó, có 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 15,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 4% tổng giá trị phát hành và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.
Trong 10 tháng đầu năm, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4%. Trong đó có khoảng 27,56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ hai với tổng khối lượng phát hành 149,1 nghìn tỷ đồng.
-
Đạt Phương huy động được 300 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu tăng gấp 4 lần so với đầu năm
Công ty Cổ phần Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) vừa thông báo kết quả phát hành thành công 3.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng, tương đương tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng.