TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ như vậy. Theo ông, kể cả trong trường hợp làm cho tiền đồng Việt Nam giảm giá cũng không phải là nguy cơ lớn vì lúc này người dân giữ tiền Việt vẫn lợi hơn đô la.
Giữ ổn định tỷ giá – làm được nhưng nên hay không?
PV: - Thưa ông, thời gian gần đây bản thân ông và nhiều chuyên gia kinh tế có đưa ra gợi ý cho việc ‘cứu’ nền kinh tế bằng cách việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên phá giá nhẹ tiền đồng để có lợi cho xuất khẩu. Thế nhưng trả lời báo chí ngày 21/2, đại diện NHNN đã chính thức trả lời rằng không có chuyện phá giá tiền đồng và ngân hàng sẽ kiên quyết ổn định tỷ giá. Ông có ý kiến gì?
Theo TS Thành, chọn giải pháp làm giảm giá nhẹ tiền đồng có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế mạnh lên từ từ
TS Nguyễn Đức Thành: - Khi thị trường tài chính bị xáo trộn, việc NHNN ra chủ trương ổn định là phù hợp. Tuy nhiên trong bối cảnh thời gian vừa qua có sự lộn xộn về tỷ giá không bắt nguồn từ những vấn đề thực chất của tỷ giá.
Tôi xin khẳng định trong tình trạng hiện nay của Việt Nam để ổn định tỷ giá không khó. NHNN hoàn toàn đủ quyền năng để kiểm soát tỷ giá ổn định.
Các chuyên gia kinh tế biết rõ điều đó nên mới khuyến nghị trên cơ sở NHNN có quyền lực đó thì nên chủ động giảm giá đồng tiền Việt Nam khoảng từ 3-4% trong một năm và làm liên tục trong ba năm, chứ không phải cứ thích giảm lúc nào là giảm.
Ngược lại, có thể do sợ những ảnh hưởng nhất định, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn chưa giảm giá tiền đồng vào thời điểm này.
PV: - Dựa trên cơ sở nào để ông có thể khẳng định rằng Nhà nước có khả năng kiểm soát tỷ giá và giữ bình ổn được?
TS Nguyễn Đức Thành: - Sở dĩ tôi nói rằng NHNN có thể làm được điều này là vì hiện nay lượng tiền đô la vào Việt Nam vẫn đang thặng dư. Trong năm 2012 cán cân thương mại không thâm hụt quá mạnh. Nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa hồi phục, nhập khẩu chưa nhiều, xuất khẩu cũng có giảm nhưng vẫn có thể cân đối. Đây là điểm quan trọng nhất.
Thứ hai lượng kiều hối vẫn chảy về Việt Nam tương đối vững chắc (dao động khoảng 9-10 tỷ USD/năm).
Thứ ba vốn ngoại tệ vẫn chảy vào Việt Nam như truyền thống của 20 năm nay vẫn ở mức thặng dư và chưa bao giờ có chuyện thâm hụt về dòng vốn tiền vào.
Ba yếu tố này cho phép cả năm trước và năm nay Việt Nam có thặng dư đô la chảy vào. Khi đó việc kiểm soát tỷ giá rất dễ bằng cách NHNN mua hết lượng thặng dư này. Giống như năm 2012, NHNN đã làm rất tốt việc này.
Cho nên việcngân hàng tuyên bố sẽ giữ cho đồng Việt Nam ổn định là hoàn toàn trong tầm tay họ và đáng tin cậy.
PV: - Vậy ông đánh giá như thế nào về sự cố gắng này?
TS Nguyễn Đức Thành: - Tôi muốn nói ở đây là có nên ‘cố gắng’ giữ hay không mới là quan trọng.
Quan điểm của cá nhân tôi không những chỉ giữ cho đồng tiền Việt Nam ổn định mà còn phải làm cho nó yếu đi một cách chủ động.
Thế nhưng những người làm điều hành chính sách nói chung họ lại có nhiều lý do để không muốn làm điều này.
Có ‘phá’ giá, người dân giữ Việt Nam đồng vẫn lợi
PV: - Theo ông vì sao họ không muốn làm trong khi các phân tích của chuyên gia lại chỉ ra nhiều ưu điểm của giải pháp phá giá nhẹ tiền đồng?
TS Nguyễn Đức Thành: - Tôi xin phân tích trước việc làm thế nào để cho đồng Việt Nam bị yếu đi. Đơn giản là khi lượng tiền đô la vào Việt Nam đang bị thừa khoảng 10 tỷ đô la/năm. NHNN cứ mua vào đủ 10 tỷ đô la này thì tiền đô la sẽ ổn định. Thế nhưng nếu chỉ mua khoảng 5 tỷ thôi thì giá đô la trên thị trường sẽ giảm xuống ngay, khi đó đồng tiền Việt Nam sẽ mạnh lên.
Thế nhưng tôi khuyến nghị nhà nước nên mua nhiều hơn 10 tỷ đô la (khoảng 12 tỷ đô la chẳng hạn) để làm cho tỷ giá tăng lên còn đồng tiền Việt yếu đi.
Nhưng họ không muốn làm là vì khi tỷ giá nhích lên làm cho người dân hơi ‘loạng choạng’ một chút. Họ lại quay sang mua vàng hoặc đô la để dự trữ. Nhưng nếu NHNN kiểm soát được thực sự, chỉ cho đô la tăng 3-4% thôi thì người dân sẽ nhận ra ngay việc chuyển sang đô la không có lợi.
Tôi xin phân tích lý do vì sao họ không chọn giải pháp ‘phá’ giá tiền đồng. Có hai lý do lớn. Đó là khi tỷ giá thay đổi, nhập khẩu sẽ đắt lên sẽ làm cho lạm phát và các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị thua lỗ. Tức là các doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu nhưng lại không được tăng giá ở trong nước thì sẽ bị thiệt (vì dụ những doanh nghiệp nhà nước bị kiểm soát giá như điện, xăng…).
Thế nhưng cá nhân tôi thấy rằng, ảnh hưởng của việc làm giảm giá tiền đồng tới nền kinh tế chung chỉ khoảng 1%. Việc lạm phát là cái giá phải chịu để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất nói chung phải cạnh tranh với nước ngoài để sản xuất hàng nội địa thay thế xuất khẩu bán trong nước sẽ có lợi hơn.
Nếu không điều chỉnh mà cứ để tỷ giá như hiện nay sẽ làm cho nền kinh tế của Việt Nam bị sai tín hiệu về giá. Giá nội địa thì rẻ đi tương đối, còn xuất khẩu thì lại đắt lên tương đối. Việt Nam sẽ nhập khẩu ngày càng nhiều và nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu. Xuất khẩu cũng sẽ khó khăn hơn giống như hiện tượng các tra, cá ba sa trong năm 2012 đã thua ngay trên sân nhà.
Việc điều chỉnh tỷ giá cần cho cái nhìn dài hạn hơn và đòi hỏi phải có những chi phí trong ngắn hạn nhưng cái lợi là cho dài hạn. Còn nếu không điều chỉnh tỷ giá sẽ làm cho chúng ta có cái lợi trong ngắn hạn, hại cho dài hạn tức là doanh nghiệp Việt Nam cứ từ từ yếu đi, hàng nhập khẩu ngày càng nhiều lên.
Như vậy cái hại dài hạn là khó nhìn thấy nhưng cái lợi ngắn hạn lại dễ nhìn thấy và ngược lại.
Vì vậy những người ủng hộ giữ ổn định tỷ giá tưởng rằng đang đúng cũng chỉ là nhìn thấy cái lợi ngắn hạn mà thôi.
Bản thân tôi và các chuyên gia mong muốn kinh tế Việt Nam từ từ mạnh lên trong lâu dài chứ không nên để yếu đi một cách từ từ như hiện nay. Nhưng trong các tranh luận chính sách, cái gì dễ nhìn thấy lợi trước mắt sẽ chiến thắng.
PV: - Với tư cách là một người dân bình thường, tôi cũng như một số người dân khác có được một chút tiền tiết kiệm trong tay cảm thấy lo lắng, sợ khi tỷ giá thay đổi tiền của tôi sẽ bị mất giá. Vậy ông có lời khuyên nào cho những đồng tiền tiết kiệm đó?
TS Nguyễn Đức Thành: - Lời khuyên đối với người dân lúc này là chỉ nên gửi tiền Việt trong ngân hàng. Trong lúc này ai lao ra mua đô, mua vàng chỉ chuốc thiệt vào thân thôi. Nếu có điều chỉnh về tỷ giá thì người ta cũng sẽ tính cho những người cầm tiền Việt có lợi hơn những người cầm tiền đô. Đấy chính là mức mà bản thân tôi cũng như các chuyên gia khuyến nghị là chỉ điều chỉnh tỷ giá 3-4% thôi.
Vì lãi suất đô la hiện nay chỉ có 2%/năm cộng với việc phá giá tiền đồng 4% như vậy người dân cũng chỉ có lợi được 6% trên số tiền họ có. Nhưng nếu gửi tiền Việt lãi suất lại là 8%. Như vậy nếu cầm tiền Việt vẫn có lợi hơn tiền đô là 2%.
Do vậy đây không phải là một nguy cơ lớn nếu NHNN thực sự chủ động kiểm soát thay đổi tỷ giá đúng 4%. Nếu ai không hiểu câu chuyện mà vội vàng đi mua đô là thiệt.
Người làm chính sách phải hiểu được điều này để người dân giữ được tiền Việt. Do vậy vấn đề còn lại là nếu thực sự muốn cứu nền kinh tế, NHNN nên chọn thời điểm thích hợp để áp dụng giải pháp này.
Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ!