Hàng trên, từ trái qua phải: ông Lê Xuân Nghĩa, ông Võ Trí Thành, ông Đặng Hùng Võ. Hàng dưới, từ trái qua phải: ông Nguyễn Đức Thành, ông Đậu Anh Tuấn, ông Quách Mạnh Hào.
2013 đánh dấu một năm không hoàn toàn thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Mặc dầu Chính phủ đã có nhiều cố gắng để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế-xã hội 2013 vẫn rất nhiều khó khăn.
Lạm phát rình rập tăng trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thật sự khởi sắc, tổng cầu và sức mua trong xã hội còn yếu…
Lượng thành lập mới doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện trong những tháng cuối năm, nhưng lượng doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn cao. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm so với trước.
Thị trường bất động sản 2013 tiếp tục đình trệ và khó khăn. Lượng hàng cung ra thị trường lớn, nhưng sức mua yếu.
Thị trường chứng khoán cuối 2012 từng được nhiều chuyên gia kỳ vọng là khởi sắc, nhưng đến cuối 2013 chưa thực sự có những dấu hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh khá u ám của kinh tế Việt Nam 2013, người ta vẫn nhìn thấy một số điểm sáng như lượng vốn FDI tiếp tục gia tăng, xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, và đặc biệt là sản xuất công nghiệp có dấu hiệu ngày một tốt hơn…
Để cùng bạn đọc nhìn lại kinh tế Việt Nam trong năm 2013, từ đó đưa ra những nhận định và dự báo cho năm 2014, báo điện tử BizLIVE.vn trân trọng mời bạn đọc theo dõi và cùng tham gia cuộc tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2014?”, diễn ra từ 9h-11h sáng 11/12/2013, với những giải đáp, phân tích và dự báo tình hình từ các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực:
1. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI).
2. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
3. Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
4. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
6. Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS).
Sau đây là nội dung cuộc tọa đàm.
Thế Bình, Kinh doanh tự do : Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra để "giải thoát" cho nền kinh tế Việt Nam, cho đến nay theo ông đánh giá liệu thực sự có tác dụng? Theo TS. Nguyễn Đức Thành, cần làm gì để cải thiện kinh tế Việt Nam trong năm 2014?
TS. Nguyễn Đức Thành: Thời gian không còn nhiều nên tôi chỉ xin trả lời nhanh. Các biện pháp chính sách của Chính phủ gần đây một phần có hiệu quả, một phần không có nhiều hiệu quả. Đánh giá chung của tôi là các biện pháp tiền tệ đã rất phát huy tác dụng và đem lại nhiều đóng góp tích cực.
Trong khi đó, các biện pháp tài khóa chưa có nhiều biến chuyển và đóng góp đáng kể. Việc cần làm hiện nay đối với chính sách tài khóa là tiết giảm chi tiêu thường xuyên một cách dứt khoát. Ví dụ, cắt giảm 10% cho tất cả các khoản mục chi tiêu của Chính phủ.
Trong khi cả nước đứng trước tình trạng khó khăn đều phải thắt lưng buộc bụng thì tôi thấy khu vực nhà nước có vẻ vẫn hoàn toàn ổn định. Điều này lý giải vì sao nhiều người muốn quay trở lại khu vực đó. Đáng nhẽ chúng ta cũng phải điều tiết chặt chẽ để chi tiêu trong khu vực này thật căn cơ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Để cải thiện tình hình, chính sách quan trọng nhất là phải cải cách triệt để khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng thu hẹp một cách dứt khoát và sau đó là kiểm soát chặt chẽ để nâng cao chất lượng các doanh nghiệp còn lại. Việc thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước vừa giải phóng một nguồn thu cho ngân sách, vừa loại bỏ một khối u chèn ép khu vực doanh nghiệp tư nhân. Chừng nào chưa có tư tưởng dứt điểm và mạnh dạn về vấn đề này, nền kinh tế sẽ không có khả năng phát triển kể cả trong dài hạn.
Ngoài ra, các chính sách như xử lý nợ xấu, điều chỉnh tỷ giá đều cần thiết cho năm 2014.
11:49 11/12/2013
Nguyễn Trung Hiếu, tuổi 19. nơi ở : hà nội. đang là sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh của ĐH quốc gia hà nội : Xin chào các vị tiến sĩ và giáo sư, xin giải đáp cho em một số số thắc mắc sau :
- Trong năm 2014 tới lạm phát liệu có được nhà nước đẩy lùi triệt để? giảm lạm phát đồng nghĩa với thất nghiệp gia tăng? tình trạng thất nghiệp của nước ta hiện tại vẫn chưa phải là đỉnh điểm?
- Bất động sản trong năm 2014 liệu có biến chuyển tích cực không? nếu có thì nó có kịp thời kéo với các ngành liên quan như vật liệu xây dựng ko?
- Ngành được dự đoán "hot" trong năm 2014 sẽ là ngành gì?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Ngay nửa cuối năm 2013, chỉ số CPI cho thấy lạm phát đã được đẩy lùi. Hiện nay cũng còn một số vấn đề phức tạp có liên quan đến tăng giá điện, xăng dầu và chắc điều này sẽ được xử lý tốt trong năm 2014. Chúng ta hy vọng lạm phát sẽ không quay trở lại vào năm 2014 và nền kinh tế sớm được phục hồi vào cuối 2014 như dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới.
Thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhanh ở khu vực giá thấp và cũng sẽ có tác động một phần trong việc tăng trưởng các lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng...góp phần vào phục hồi nền kinh tế.
Rất khó để nói đến ngành nào sẽ hot nhất 2014 vì nền kinh tế vẫn đang đi xuống chờ hồi phục. Mọi việc có dấu hiệu ấm lại là tốt rồi.
11:43 11/12/2013
Trịnh Duy Hoàng, 21, Hà Nội, Sinh viên :
Chiến lược về nhân lực đến 2020 của Việt Nam đặt ra mục tiêu về số lượng rất rõ ràng, nhưng không thấy có mục tiêu về chất lượng, vậy mục tiêu chất lượng của chúng ta là gì, được đo đếm như thế nào? Ngoài ra với mục tiêu năm 2020 có 2,5 đến 3 triệu doanh nhân với 80% có trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ còn đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ là 154.000 người trong đó trình độ trên đại học khoảng 40.000. Điều này có phải sẽ làm gia tăng thêm tình trạng thừa thầy thiếu thợ không?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Phát triển nguồn nhân lực chính là điểm chốt trong quá trình phát triển Việt Nam. Trước đây chúng ta đã có nhiều sai lầm trong hệ thống giáo dục đào tạo, trong lựa chọn mô hình tăng trưởng,... Vừa qua đã có Đề án cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam. Chúng ta sẽ chờ đợi việc hình thành các triển khai cụ thể của đề án này và hy vọng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ được phát triển tốt và tận dụng triệt để.
Những chỉ tiêu về nhân lực nói trên cũng chỉ là một con số mang tính hình thức, tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn là phải tăng cường thợ lành nghề. Nếu là doanh nhân hay trí thức thì chúng ta cũng cần những doanh nhân và trí thức chuyên nghiệp để từ đó tạo ra những sản phẩm cụ thể mà người khác cần dùng, thậm chí người khác buộc phải dùng vì quá tốt.
Nhìn lại thị trường công nghiệp của Việt Nam hiện nay, tôi chỉ thấy sản phẩm LIOA là chiếm giữ được thị trường còn lại chưa thấy bất kỳ sản phẩm đặc thù của Việt Nam mà được nước ngoài ưa chuộng. Mọi phương hướng, chỉ tiêu cần được đánh giá qua kết quả cuối cùng là Việt Nam có sản phẩm công nghiệp gì, sản phẩm trí tuệ gì chinh phục được thị trường thế giới.
11:42 11/12/2013
Doanh nhân : Thưa Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, ông nhận định bao giờ sẽ ký Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam phải làm gì để chuẩn bị?
Tôi thấy hình như Việt Nam vẫn là nước đang đến chân mới nhảy trong khi Trung Quốc chuẩn bị khá kỹ bằng cách đầu tư vào Việt Nam để đón đầu TPP?
TS. Nguyễn Đức Thành: Rất khó đoán định thời điểm ký TPP vì đối với Việt Nam còn quá nhiều điểm bất đồng trong đàm phán, liên quan đến không chỉ cấu trúc kinh tế mà cả cấu trúc xã hội.... Thêm vào đó, đặc điểm của đàm phán TPP là bí mật nên chúng ta lại càng khó khăn trong việc thông tin cho doanh nghiệp để họ có thể chuẩn bị trên diện rộng.
TPP sẽ mang lại lợi thế cho doanh nghiệp nào có khả năng tự tạo ra giá trị gia tăng và tuân thủ các điều kiện sản xuất hiện đại như đảm bảo điều kiện cho người lao động, bảo vệ môi trường, tôn trọng bản quyền... Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thường chưa chú trọng điều này và quy mô cũng còn nhỏ. Do đó, ngay cả khi có được những lợi thế nhất định như việc ưu đãi thuế cho xuất xứ sản phẩm thì chúng ta có thể không tận dụng được hết. Vì thế, chúng ta có thể lại phải nhờ đến những bạn hàng bên ngoài TPP như Trung Quốc hoặc Thái Lan. Điều này lý giải vì sao doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm việc tận dụng cơ hội nếu Việt Nam gia nhập TPP.
Với những cuộc hội nhập lớn như thế này, các nước trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan, chuẩn bị rất rầm rộ và kĩ lưỡng. Tôi thấy Việt Nam chưa thật sự chủ động ở tất cả các cấp, các thành phần. Bài học gia nhập WTO cho thấy rõ điều đó. Khi không chủ động thì việc hội nhập sẽ chậm hơn và trong giai đoạn đầu thậm chí còn gặp phải những bất lợi.
Thật sự là trong hai năm tới, TPP và AEC sẽ là những làn sóng khổng lồ tràn qua nền kinh tế chúng ta. Không có chuẩn bị và nhận thức rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ biết chấp nhận nó như những hiện tượng thiên nhiên và sự sống còn sau đó gần như may rủi.
11:34 11/12/2013
Vũ Thị Huyền Châm, 27 tuổi, TPHCM, Phóng viên :
Thị trường bất động sản phía nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho lớn, nhiều dự án dừng triển khai hoặc chậm tiến độ vì thiếu vốn… Vậy theo Nghĩa, chúng ta cần những giải pháp căn cơ nào cho tình trạng này?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Đúng là thị trường bất động sản ở các tỉnh phía Nam có đặc thù khác với các tỉnh phía Bắc. Thị trường bất động sản ở phía Nam sử dụng vốn vay ở ngân hàng thương mại nhiều hơn; thị trường bất động sản phía Bắc lại sử dụng vốn huy động từ người tiêu dùng nhiều hơn. Chính vì vậy, các nhà đầu tư bất động sản phía Nam phải đối mặt với giải quyết nợ xấu căng thẳng hơn các nhà đầu tư phía Bắc.
Như vậy, giải pháp cho thị trường bất động sản phía Nam phụ thuộc rất lớn vào giải pháp kho bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu hiện nay. Chính phủ đã quyết định thành lập công ty xử lý nợ xấu VAMC, chúng ta hy vọng công ty này sẽ có hoạt động tích cực trong giải quyết nợ xấu trong năm tới.
11:29 11/12/2013
Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên :
Tình hình kinh tế Việt Nam dự báo chưa có đột biến trong năm 2014, xin ông cho biết những "nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014?
GS.TS Đặng Hùng Võ: Trước hết chúng ta cũng biết rằng nhiệm vụ chính mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra là tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, trong đó có rất nhiều việc phải làm, trước hết trong khu vực tài chính tiền tệ. Nếu nói rộng hơn, chuyên gia quốc tế vẫn cho rằng Việt Nam có mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư là chưa tốt, cần phải tăng yếu tố nguồn nhân lực mới tạo được đột biến trong quá trình tăng trưởng.
Tôi cho rằng việc phục hồi nền kinh tế trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ lên đến mức hơn 1 triệu tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...
Đây toàn là những chuyện khó và hy vọng chúng ta sớm giải quyết được việc này. Xa hơn nữa, tôi cho rằng chúng ta cần phải xem xét việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, đây mới chính là yếu tố tạo đột biến trong tăng trưởng.
11:28 11/12/2013
Hà Minh, Nhân viên kinh doanh : Theo TS. Nguyễn Đức Thành, về mặt vĩ mô, đâu là những vướng mắc lớn nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2014?
TS. Nguyễn Đức Thành: Theo tôi, năm 2014 nền kinh tế phải đối diện với những vướng mắc lớn sau đây:
Thứ nhất, thâm hụt ngân sách của Chính phủ là một vấn đề trở nên quan trọng. Lý do là vì trong những năm gần đây, nguồn thu giảm đi do doanh nghiệp suy yếu, đồng thời chi tiêu của chính phủ đã không giảm tương ứng với nguồn thu. Chính phủ sẽ phải vay nợ nhiều hơn nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường vốn. Tác động của thâm hụt thường không ảnh hưởng trực tiếp ngay đến nền kinh tế, nhưng nó tạo ra những rủi ro tiềm tàng.
Ví dụ, giữ lãi suất ở mức cao mà đáng lẽ ra có thể hạ được xuống để hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc tạo mối hoài nghi lạm phát sẽ quay trở lại vì người dân lo sợ Chính phủ phát hành tín dụng dễ dãi hoặc thậm chí phát hành tiền một cách lặng lẽ. Điều này có thể không thật xảy ra trong năm 2014 nhưng nó vẫn làm nhiều người lo ngại, e dè. Đó là điều tối kỵ trong kinh tế thị trường vì nó làm giảm lưu lượng các hoạt động kinh tế.
Thứ hai, vấn đề nợ xấu và lãi suất. Nợ xấu có thực sự được giải quyết hay không phụ thuộc vào những chính sách cụ thể của ngân hàng nhà nước trong năm 2014. Nếu không có một dòng tiền thật sự chảy vào xử lý các khoản nợ xấu thì vấn đề vẫn chưa ngã ngũ và sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính vẫn là một mối hoài nghi lớn.
Thứ ba, tỷ giá cũng là một vấn đề cần phải lưu tâm. Nếu tiếp tục giữ tỷ giá ổn định như hiện nay, hoặc kể cả giảm giá đồng tiền Việt 2 - 3% trong cả năm 2014 thì đồng tiền Việt vẫn còn mạnh. Điều này đe dọa toàn bộ nền sản xuất của Việt Nam trong những năm tới, đặc biệt với các doanh nghiệp phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mà khuynh hướng hội nhập sắp tới cho thấy sự cạnh tranh sẽ khốc liệt và trực tiếp hơn đến từ các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia. Nhưng nếu điều chỉnh tỷ giá quá nhiều thì lại tạo ra những sức ép rất lớn cho người làm chính sách. Đây vẫn là bài toán của những năm qua.
Cuối cùng, tôi cho rằng thị trường bất động sản hiện nay vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro rất lớn mà chưa bộc lộ hết, đặc biệt ở phía Bắc. Nếu có sự suy giảm thêm nữa của thị trường, hệ thống tài chính sẽ gánh chịu hậu quả trực tiếp. Nếu may mắn, chúng ta không phải chứng kiến điều này, còn nếu không may, điều này xảy ra, tôi cảm thấy công cụ chính sách để khắc phục hầu như không còn. Vì thế, đây là lĩnh vực thực sự may rủi.
Ba vấn đề lớn là tăng trưởng kinh tế, lạm phát và cán cân thanh toán, theo tôi, không quá đáng lo ngại trong năm 2014 vì sẽ không khác nhiều so với năm 2013.
11:27 11/12/2013
Hoanh Châu, Nhà đầu tư : Ông Hào giờ có đầu tư chứng khoán không, theo ông, có nên đu theo quỹ ETF lướt sóng không?
TS. Quách Mạnh Hào:
Tôi đã từng đầu tư chứng khoán và bám thị trường thường xuyên nhưng hiện tại do đặc thù nghề nghiệp tôi chuyên sâu vào lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp nên có rất ít thời gian dành cho đầu tư. Việc đua theo các quỹ ETF cũng là 1 chiến lược hiệu quả bởi bản thân những người quản lý quỹ ETF cũng đã phải sàng lọc trước khi họ đưa ra quyết định.
Tuy nhiên thực tế cho thấy khi chiến lược này trở thành phổ biến theo số đông thì nó cũng không khác gì chiến lược đua theo các đội lái trước đây nghĩa là cơ hội có thể lớn nhưng rủi ro thì rất cao. Nếu bạn thực sự là người có kinh nghiệm bám thị trường hằng ngày thì bạn sẽ cảm nhận rõ khi nào nên vào và khi nào nên ra. Không có chiến lược tồi chỉ có thời điểm tồi mà thôi.
11:23 11/12/2013
Vũ Viết Long, 60, Hạ Long-Quảng Ninh :
Tôi ưa thích kênh đt chứng khoán. Từ 2014, có thể có những dấu hiệu nào tốt cho việc đt này ?
TS. Quách Mạnh Hào:
Như tôi đã trả lời trong các câu hỏi trên năm 2014 có thể có những đợt sóng chứng khoán dựa trên kì vọng tích cực của nhà đầu tư và các động thái của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, bác hoàn toàn có thể tin tưởng vào kênh đầu tư này.
Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng việc chọn đúng cổ phiếu mới là quan trọng. Một số gợi ý cho bác có thể là cổ phiếu của các công ty trong các ngành có hiệu ứng tích cực từ tâm lý kinh tế hồi phục như cổ phiếu ngành năng lượng, bất động sản, đối với đâu tư ngắn hạn và các cổ phiếu ngành tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống đối với đầu tư dài hạn theo nghĩa mục tiêu cổ tức tốt.
11:22 11/12/2013
Lan Hương, Môi giới : Nhiều ý kiến cho rằng: Tâm lý nhiều nhà đầu tư nói chung tên thị trường BĐS, cả doanh nghiêp kinh doanh BĐS và nhà đầu tư cá nhân/đầu cơ, vẫn đang chờ đợi sự hồi phục trở lại của thị trường BĐS theo dạng thức của cách nay vài năm mà được xem là tình trạng “bong bóng”. Đây là điều đáng quan ngại cho thị trường. SG. Đặng Hùng Võ có thấy vậy và theo ông cần nhận diện rõ tình trạng thực của thị trường BĐS như thế nào?
GS.TS Đặng Hùng Võ:
Tôi cho rằng thị trường bất động sản sẽ không lặp lại những cơn sốt trước đây nếu tham nhũng trong quản lý đất đai và các dự án đầu tư bất động sản nhà ở được kiểm soát chặt chẽ.
Các cơn sốt trước đây còn có nguồn cơn từ quá trình chúng ta chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang chuyển đổi, giá đất từ bằng không tăng tới giá bằng với thị trường, giá bất động sản từ rất thấp trong thời kỳ bao cấp phải tăng tới mức tương đương như các nước khác trong khu vực ASEAN trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong nước lại không có những cơ chế kiểm soát đầu cơ, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà ở nên đã hình thành những cơn sốt giá trước đây.
Đến nay chắc chắn chúng ta đã trải qua giai đoạn đầu khi chuyển sang cơ chế thị trường. Nếu có sốt nhà đất trong tương lai sẽ có hình thái khác chứ không lặp lại những kịch bản cũ. Chúng ta có thể thấy hình ảnh tương tự cơn sốt trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2006 - 2007 mà đến nay chưa sốt lại.
11:14 11/12/2013
Trần Nghị, Giám đốc công ty bất động sản : Giải pháp cho người nước ngoài và Việt Kiều được mua nhà đã được nói nhiều, được “bật đèn xanh” ở nhiều cấp độ. Nhưng vẫn chưa thực thi được vì sao theo ông? Đâu là mấu chốt của nút thắt này và cần gỡ bằng cách nào?
GS.TS Đặng Hùng Võ:
Cho đến nay thì quy định của khung pháp luật cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam là rất rộng, gần như tương đương với cư dân Việt Nam trong nước. Trên thực tế thì cũng còn gặp nhiều khó khăn do việc làm thủ tục giao dịch nhà đất tại cấp quận huyện chưa hiểu rõ pháp luật hoặc chưa được cấp tỉnh hướng dẫn hoặc cũng có những nơi nhũng nhiễu xảy ra.
Chính vì vậy mà nhiều bà con Việt kiều về nước lại có cảm giác chưa được thuận lợi. Hy vọng là Luật Đất đai mới vừa được thông qua, Luật Nhà ở mới sẽ được thông qua vào cuối năm 2014 sẽ tạo điều kiện để thực thi pháp luật tốt hơn làm mất đi cảm giác khó khăn của bà con Việt kiều về nước muốn mua nhà.
11:11 11/12/2013
Linh, Phóng viên : Một số ý kiến cho rằng bất động sản đã thoát đáy, còn nhận định của ông thì sao? Ông đánh giá thế nào về việc Từ Liêm lên quận, liệu có xảy ra một cơn sốt đất tại đây không?
GS.TS Đặng Hùng Võ:
Thị trường bất động sản đang thoát đáy ở khu vực giá thấp là đúng nhưng ở khu vực giá trung bình và giá cao vẫn chưa có câu trả lời. Việc Từ Liêm biến thành 2 quận cũng là một điều kiện để thị trường bất động sản giá thấp nhộn nhịp hơn tại đây.
Cơn sốt bất động sản như giai đoạn 2007 - 2008, hoặc trước nữa 1991 - 1993, 2001 - 2003 chắc sẽ không lặp lại ở Việt Nam. Về lý luận thì cũng có nhưng tôi muốn đưa ra một ví dụ cụ thể: thị trường chứng khoán đã từng sốt khá cao sau khi nguội thì đến nay vẫn chưa sốt lại và chắc chắn thị trường sẽ đi vào sự ổn định chứ không có cơn sốt lại.
Quy luật cũng tương tự đối với thị trường bất động sản.
11:06 11/12/2013
Hà Thịnh, Nhân viên phân tích : Một tờ báo Mỹ (The New York Times) nhận định bất động sản Việt Nam đã thoát đáy khi các dấu hiệu kinh tế vĩ mô hồi phục và cam kết của chính phủ cải tổ hệ thống ngân hàng và nếu Việt Nam hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ tăng tốc. Trên thực tế, hoạt động xây dựng và mua bán đã gia tăng trong thời gian ở nhiều phân khúc như chung cư bình dân, văn phòng, mặt bằng bán lẻ, khách sạn, giá bất động sản cũng lần đầu tiên tăng sau nhiều năm. Ông có cho rằng thị trường sẽ phục hồi bền vững hay không, và hiện có yếu tố nào đang cản trở sự phục hồi của thị trường, và có khả năng thị trường sẽ phục hồi trở về mức bùng nổ như năm 2008 hay không?
GS.TS Đặng Hùng Võ:
Đúng là điều kiện kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, những cơ hội cho Việt Nam tham gia TPP, việc tái cấu trúc khu vực ngân hàng và thị trường tiền tệ là những điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại. Đây cũng là điều kiện để phục hồi thị trường bất động sản và phát triển tốt hơn.
Vậy thì chúng ta phải trông đợi vào sức nóng của nền kinh tế sắp tới mà sức nóng này lại phụ thuộc rất nhiều vào việc cải tổ hệ thống ngân hàng. Chúng ta hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp. Hơn nữa tiến trình đàm phán TPP đang thuận lợi thì hiện nay cũng đang có dấu hiệu bị chậm lại, cũng là điều chưa thật thuận lợi cho Việt Nam.
Việc tạo được một thị trường bất động sản Việt Nam ổn định, bền vững còn phụ thuộc rất nhiều vào việc phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai. Giá bất động sản trước đây quá cao vì phải chứa một phần giá trị bị tham nhũng. Vì vậy việc phục hồi và phát triển thị trường bất động sản còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của tất cả mọi người.
11:06 11/12/2013
Ngọc, tự do :
Theo các diễn giả thì kinh tế Việt Nam lúc nào sẽ thoát đáy!
TS. Lê Xuân Nghĩa:
Theo tôi, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3/2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014.
Biểu hiện là chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ đó cho đến nay.
TS. Võ Trí Thành:
Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay so với giai đoạn khi vừa gia nhập WTO hoặc trước khủng hoảng, thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều.
Theo nghĩa đó, kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng, đòi hỏi phải vài năm nữa, khoảng 3-4 năm.
Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 (5,3-5,4%) và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2 năm tới (khoảng 5,5% năm 2013 và 5,7-5,8% năm 2014, thấp hơn đôi chút mức tăng trưởng mục tiêu Quốc hội đề ra), thì thời điểm năm nay có thể coi là "đáy", tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, sự phục hồi ở các lĩnh vực khác nhau cũng khác nhau.
TS. Quách Mạnh Hào:
Nền kinh tế vận động theo chu kì và chu kì nay thường có mối liên hệ với các chính sách tiền tệ. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam tôi cho rằng chúng ta đang trải qua giai đoạn tạm gọi là "vùng đáy" sau khi đã "đổ đèo" trong 3 năm qua. Để "leo dốc" trở lại tức là tăng trưởng tôi nghĩ giai đoạn vùng đáy này kéo dài 2 đến 3 năm.
Nói như vậy tôi tin rằng nền kinh tế chỉ có thể tốt lên thực sự vào năm 2015- 2016. Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải giải quyết được các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hệ thống ngân hàng.
11:01 11/12/2013
Xuân Thái, Môi giới : Thị trường bất động sản hiện nay đang tồn tại những quan điểm trái chiều, có ý kiến cho rằng bất động sản chưa thể phục hồi, cũng có ý kiến cho rằng thị trường đang ấm dần lên. Quan điểm của GS về vấn đề này?
GS.TS Đặng Hùng Võ:
Thị trường bất động sản nước ta hiện nay vẫn tạo thành hai phân khúc rất rõ rệt, một là phân khúc giá cao và giá trung bình, hai là phân khúc giá thấp.
Phân khúc giá cao và trung bình đang rơi vào tình trạng ứ đọng, tồn kho, hầu như không có giao dịch. Phân khúc giá thấp thì ngược lại cung không đủ cầu. Vậy thì phân khúc giá thấp đang có xu hướng phát triển mạnh. Phân khúc giá cao và giá trung bình phải chờ một thời gian nhất định mới có thể phục hồi.
10:59 11/12/2013
Trần Hồng Ngọc, Nhân viên kinh doanh :
Hiện tượng một số doanh nghiệp tốt trở thành “đế chế” một thời nay bỗng trở nên “thê thảm” và có thể đối mặt với thách thức bị hủy niêm yết. Vậy theo ông giả sử các đế chế này bị hủy niêm yết thật thì hệ lụy gì sẽ xảy ra?
TS. Lê Xuân Nghĩa:
Thị trường rất cần các mã chứng khoán lớn và các nhà đầu tư lớn, có tổ chức. Vì vậy, việc các mã chứng khoán, hoặc nhà đầu tư lớn ra khỏi thị trường sẽ có tác động nhất định đến lòng tin của các nhà đầu tư. Tính ổn định của thị trường do đó sẽ yếu đi. Tất nhiên, những biến động này cũng là rất bình thường trong thương trường.
TS. Quách Mạnh Hào:
Đúng là có rất nhiều "hàng khủng" trên thị trường chứng khoán một thời đã trải qua khó khăn tài chính "khủng" và đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết.
Điều này nếu xảy ra đương nhiên những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang nắm giữ cổ phiếu sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất. Họ đương nhiên sẽ tự chịu và tự rút ra bài học.
Đối với thị trường theo tôi đó lại là điều tốt vì nó chứng tỏ một điều rằng các nhà đầu tư cần phân tích và đánh giá cơ hội đầu tư một cách cẩn thận hơn đầy đủ hơn. Khi đó thị trường sẽ trở nên hoàn hảo hơn và thông tin về doanh nghiệp được phản ánh vào giá.
10:58 11/12/2013
Thanh Hải, Môi giới : Khi giao dịch thị trường bất động sản lắng xuống cũng là lúc những kiện cáo, tranh chấp tăng vọt. Trong năm 2014, liệu tình hình này có thể được cải thiện không?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ ràng hơn từ quý 3/2014, vào thời điểm đó, kinh tế cũng sẽ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh hơn, nếu thị trường bất động sản ấm trở lại thì các xung đột cũng giảm.
GS.TS Đặng Hùng Võ:
Thị trường bất động sản lắng xuống và tranh chấp tăng lên cũng là đúng quy luật. Trước đây chỉ cần mua được nhà của chủ đầu tư là đã nhìn thấy lãi và không cần khiếu kiện gì. Hiện nay, mọi cái mà trước kia dễ chấp nhận thì lại chính là điểm tạo ra bất đồng giữa chủ đầu tư và người mua nhà.
Bình thường tình trạng này sẽ tiếp diễn vào năm 2014 vì chúng ta vẫn còn có rất nhiều hợp đồng được hình thành từ trước nhưng không đảm bảo tính chặt chẽ nên khiếu nại chắc chắn sẽ xuất hiện.
Vấn đề còn lại là năm 2014 là chúng ta phải tìm cách để giảm các tranh chấp thông qua việc thảo luận mang tính hòa giải giữa chủ đầu tư và người mua nhà, trong đó cũng cần tới sự tham gia của các cơ quan quản lý mang tính hướng dẫn để giải quyết theo cách hòa giải. Trường hợp không thể giải quyết được thì phải đưa ra tòa, hy vọng tòa án sẽ giải quyết nhanh và minh bạch.
10:53 11/12/2013
Bình Nguyên, Nhân viên tín dụng : Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua với một số quy định thoáng hơn. Theo GS thì những thay đổi đó đã giải quyết được cơ bản vướng mắc của người dân chưa?
GS.TS Đặng Hùng Võ:
Luật Đất đai mới thì cũng có nhiều quy định khá thoáng, ví dụ như thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân được nới rộng hơn, hạn mức sử dụng đất chắc cũng được Chính phủ quy định rộng hơn. Đây là những điều kiện rất tốt để pháp luật làm cho người nông dân yên tâm đầu tư dài hạn trên đất nông nghiệp.
Cơ chế nhà nước thu hồi đất cũng được quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Tất nhiên về các quy định này còn cần những cơ chế thực hiện cụ thể có vai trò rất quan trọng trong các nghị định hướng dẫn thi hành luật của chính phủ.
Khiếu kiện của dân cũng đã được quy định rất cụ thể trong Luật Khiếu nại mới và hy vọng sẽ đáp ứng được việc xử lý nhanh và đúng.
Điều quan trọng nhất có lẽ là vấn đề ngăn chặn tham nhũng trong quản lý đất đai. Đây cũng là điều có liên quan đến quyền lợi của dân vì giảm tham nhũng tức là tăng lợi ích của dân.
Tất cả những việc nói trên thì chúng ta còn phải chờ hiệu lực của việc thực thi pháp luật, một điểm rất yếu kém của nước ta trong 10 năm vừa qua. Luật mới có quy định riêng một điều về quyền giám sát của người dân đối với việc thực thi pháp luật. Hy vọng người dân có điều kiện để tham gia vào giám sát nhằm nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật.
10:53 11/12/2013
Nguyễn Thu Vân, Nhân Viên văn phòng :
Tăng trưởng tín dụng năm 2014 theo ông bao nhiêu sẽ là hợp lý khi mà thời điểm này các hoạt động tín dụng đã có dấu hiệu bắt đầu khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm 2013?
TS. Quách Mạnh Hào:
Năm 2013 là năm khó về tăng trưởng tín dụng và dường như tốc độ tăng trưởng đến từ các yếu tố không phải thị trường.
Năm 2014 tôi hi vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn theo nghĩa nền kinh tế sẽ bắt đầu vận động và do vậy các dòng tín dụng sẽ trở nên thực chất hơn. Tôi không mong một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao bởi điều đó vô tình tạo ra quá nhiều tiền rẻ so với năng lực của nền kinh tế và điều này thực sự là không tốt.
Tôi nghĩ một mức tăng trưởng trong khoảng 12- 15 % là phù hợp với điều kiện sức khỏe kinh tế như hiện tại.
10:51 11/12/2013
Nguyễn Xuân Duy, 30 tuổi, TPHCM, NV Văn phòng :
Trên thị trường chứng khoán hiện nay đang gần như bội thực về nguồn cung nhưng lại thiếu hàng chất lượng. Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này?
TS. Lê Xuân Nghĩa:
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết. Số lượng doanh nghiệp là cao nhất khu vực, nhưng mức vốn hóa lại thấp nhất khu vực.
Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán hàng hóa nhỏ chất lượng thấp là đặc trưng cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa kể nhiều mã chứng khoán chỉ là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa một phần, nhưng chất lượng quản lý chưa mấy thay đổi.
Để có những hàng hóa có chất lượng cao, cần phải chờ đợi các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa, như trong các lĩnh vực viễn thông, hàng không, năng lượng...
10:49 11/12/2013
Nguyễn Minh Trang, 25 tuổi, Hà Nội :
Các chuyên gia đánh giá như thế nào về thực trạng Doanh nghiệp FDI đang là "trụ cột" của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?
TS. Lê Xuân Nghĩa:
Vai trò trụ cột của doanh nghiệp FDI có thể mạnh lên ở một số ngành đòi hỏi vốn lớn và công nghệ hiện đại, ví dụ như chế biến dầu mỏ, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo cơ khí, còn lại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm vai trò chủ đạo, ví dụ như năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp chế biến (dệt may, giày da...).
Tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong GDP chỉ mới chiếm dưới 20%, chưa phải là quá lớn.
TS. Võ Trí Thành
Hiện nay khu vực doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP, trên 60% xuất khẩu, khoảng 45% sản lượng công nghiệp, 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm.
Tuy nhiên, khu vực FDI tại Việt Nam hiện nay vẫn tiềm ẩn một số vấn đề.
1. Sức lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản lý, quản trị còn rất hạn chế. Đây là điều quan trọng nhất trong việc thu hút FDI.
2. FDI đã thu hút sự tham gia lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu cũng như các mạng sản xuất trên thế giới. Mặc dù vậy, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu ớt đã tạo giá trị gia tăng thấp.
3. Phân phối giá trị gia tăng tạo ra giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước ở một số lĩnh vực cũng làm cho lợi ích của Việt Nam thu được có thể chưa thỏa đáng.
Chính vì vậy, vấn đề mấu chốt trong việc thu hút FDI hiện nay là tăng cường FDI có chất lượng, xét cả trên góc độ phát triển bền vững và hiệu ứng lan tỏa, điều này phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường cạnh tranh, thực thi những cam kết đã và đang đàm phán cũng như cách thức xúc tiến đầu tư thương mại.
ThS. Đậu Anh Tuấn:
Đúng là đây vừa là tin vui vừa tin buồn. Tin vui vì các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tương đối hiệu quả tại Việt Nam, chỉ nhìn qua các con số về tăng trưởng xuất khẩu, tỷ trọng công nghiệp... của khu vực này trong vài năm vừa qua sẽ thấy rất rõ. Tin vui nữa vì Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên tôi nhìn nhận đây là chỉ dấu của những tin buồn cho nền kinh tế Việt Nam. Tại sao trong giai đoạn khó khăn như vừa qua thì hầu hết doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững trong khi đó hàng loạt doanh nghiệp tư nhân trong nước lại phá sản hàng loạt hay hoạt động điêu đứng? Phải chăng do khả năng quản lý điều hành, quản trị rủi ro của doanh nghiệp tư nhân trong nước kém? Liệu có phải nhiều doanh nghiệp trong nước mải đuổi theo các lĩnh vực như bất động sản, tài chính? Nhiều doanh nghiệp tư nhân đang mải đầu tư vào "quan hệ" mà không đầu tư vào ngành nghề cốt lõi, ngành nghề có sức nặng cạnh tranh của Việt Nam? Hay là thể chế của Việt Nam chưa thực sự hỗ trợ khu vực này phát triển? Mọi nỗ lực của Nhà nước đang tập trung vào thu hút FDI chứ không phải là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước?...
Đáng lo ngại nữa là điều tra của chúng tôi về khu vực FDI cho thấy mức độ lan tỏa của khu vực này sang khu vực tư nhân về công nghệ, về quản lý còn kém, không được như kỳ vọng. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chọn Việt Nam vì chi phí lao động rẻ, các ưu đãi về thuế và đất đai và vấn đề môi trường chưa nghiêm khắc...
Chắc chắn rằng nền kinh tế Việt Nam không thể "cất cánh" với một động cơ FDI như vậy. Tôi cho rằng khu vực kinh tế tư nhân năng động, lành mạnh là một động cơ khác đặc biệt quan trọng với Việt Nam.
10:49 11/12/2013
Trần Thị Kim Tuyền, 29, TPHCM :
Xin cho tôi biết năm 2014 kênh chứng khoán, BĐS còn 'toi' không? Gửi tiết kiệm còn hấp dẫn không? Nguồn tiền trong dân (khoảng 50 tỷ đô) sẽ được "xài" thế nào?
TS. Võ Trí Thành:
Theo nhiều đánh giá chung, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ có sự phục hồi, nhưng chưa đủ mạnh. Đối với Việt Nam, vẫn tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và dành nhiều nguồn lực cho tái cấu trúc.
Chính vì vậy, rất khó có một sự hứng khởi quá đà, nhìn dưới góc độ các tài sản, tài chính, bất động sản, những lựa chọn tùy thuộc "khẩu vị" nhà đầu tư. Tuy nhiên, có một số điểm đáng lưu tâm như sau:
1.Chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn tạo độ hấp dẫn hơn cho người gửi tiền đồng so với gửi bằng USD (không chỉ với chênh lệch lãi suất mà còn với cam kết điều chỉnh tỷ giá trong một biên độ đủ nhỏ). Tuy nhiên, rủi ro vẫn có thể có, ở việc nỗ lực phục hồi thông qua tăng đầu tư công, nếu không được quản trị phối hợp chính sách tốt, vẫn sẽ là nhân tố tiềm tàng gây bất ổn. Điều đó làm giảm sự hấp dẫn của đồng tiền trong nước.
2. Với việc phục hồi kinh tế ít nhiều, nhất là của các nền kinh tế phát triển, và với việc Mỹ có thể dừng gói QE 3 làm tăng giá đồng USD, độ hấp dẫn của vàng vẫn chưa hẳn là cao. Sự rủi ro được gây ra chủ yếu bởi các bất ổn chính trị.
3. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó có khả năng khởi sắc tăng vọt, tuy nhiên, có một số nhân tố có thể tác động tích cực đến hoạt động của thị trường này. Một là, tiến trình cổ phần hóa nhà nước được đẩy mạnh hơn, kể cả đối với một số doanh nghiệp lớn. Hai là, việc cam kết các hiệp định thương mại tự do cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định và cải cách của Việt Nam cũng có thể tạo thêm độ hấp dẫn cho dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó, cũng có thể có một số cải cách của bản thân thị trường chứng khoán, ví dụ nới room cho nhà đầu tư ngoại...
4. Đối với thị trường bất động sản, một số phân khúc, ví dụ nhà ở, vị trí tốt, đã hoàn thành, du lịch,.. đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc cuối năm 2013. Diễn biến này vẫn có thể tiếp diễn trong năm tới. Về tổng thể, do vấn đề nợ xấu lớn và khả năng xử lý chưa hình thành, chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn rất thận trọng để duy trì kinh tế vĩ mô, cho nên sự đi lên ít nhiều có thể có, nhưng để được gọi là bùng nổ hay hồi phục rõ rệt thì còn khó khăn.
10:48 11/12/2013
Đoàn Trang Liên, Sinhvien :
Hiện nay, tình trang của sinh viên ngành tài chính ngân hàng đang thất nghiệp rất nhiều, mức độ cạnh tranh vào các ngân hàng ngày càng cao. Tuy nhiên thực tế có những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, tiếng Anh tốt, kĩ năng tốt và thi nghiệp vụ điểm cao nhất trong hội đồng thi tuyển. Nhưng kết quả là họ không được tuyển dụng với lý do được giải thích là người giỏi thì các ngân hàng nhỏ này không giữ chân được. Vậy thì việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đã bao giờ tính đến nhân sự ngành ngân hàng khi mà người tài không được trọng dụng? Là 1 nhà giáo ông có ý kiến như thế nào về những tư tưởng trên để tránh hoang mang cho các sinh viên hiện nay “ sợ” tấm bằng ưu?
TS. Quách Mạnh Hào:
Tôi nghĩ rằng nếu quả thực ngân hàng nào đó người giỏi nào không giữ được và không dám tuyển thì đó là sự may mắn đối với sinh viên đó vì ngân hàng đó chưa thực sự sẵn sàng cho một sự thay đổi về mặt quản trị theo hướng bù đắp xứng đáng cho đóng góp của người lao động.
Đáng ra họ nên nghĩ rằng họ nên tư duy để giữ được người giỏi đó nếu thực sự đó là người phù hợp với công việc ngân hàng.
Tôi nghĩ rằng một điểm quan trọng với bất cứ người tuyển dụng nào là tìm người phù hợp với công việc chứ không phải là tuyển người giỏi nhất để phân công việc. Do vậy, trong tình huống cụ thể này tôi nghĩ bạn sinh viên đó là may mắn vì không được tuyển. Và tôi cũng tin rằng không nhiều ngân hàng như vậy nên bạn hãy tự tin vào công việc tại các ngân hàng khác.
Tôi nghĩ việc bạn học để có tấm bằng loại ưu hay loại khá không phải là quan trọng mà bạn hãy nghĩ rằng bạn học tốt nhất với sức của mình. Tôi cũng đã tham gia tuyển dụng nhiều và đương nhiên tấm bằng loại ưu làm tôi chú ý hơn khi nhân hồ sơ vào phỏng vấn. Ít nhất là bạn đã có ấn tượng tích cực ngay từ đầu còn khả năng thành công phụ thuộc nhiều khi phỏng vấn và thử việc.