06/11/2020 2:30 PM
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng nếu không cải thiện chất lượng khu vực doanh nghiệp tư nhân, triển vọng kinh tế 10 năm tới không thể sáng sủa.

Sau 35 năm đổi mới (1986-2020), kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng vào thịnh vượng quốc gia. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, mức đóng góp tổng sản phẩm trong nước liên tục tăng qua các năm, từ 371.000 tỷ đồng năm 2005 lên 2 triệu tỷ đồng vào năm 2018. Tỷ lệ đóng góp GDP của tư nhân giai đoạn 2005-2018 đạt 40-45%, cao hơn cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Không thể trông chờ mãi FDI

Đánh giá cao vai trò của khu vực này thời gian qua nhưng TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam - khi chia sẻ tại hội thảo về định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước ở TP HCM ngày 5/11 nhìn nhận như vậy vẫn chưa đạt kỳ vọng.

"Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam quyết định đi theo kinh tế thị trường nhưng chưa bao giờ đi hết con đường này một cách trọn vẹn, dẫn đến tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra và ngày càng thấp".

Ông dẫn chứng, đỉnh tăng trưởng GDP giảm dần trong 2 thập niên vừa qua, thập niên 2011 - 2020 còn 7,1% nên mục tiêu tăng trưởng 7% thập niên tới sẽ khó khăn nếu không có bứt phá.

Tăng trưởng dài hạn của quốc gia phụ thuộc vào năng suất và khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng suất nhưng theo ông, Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong đó, lực lượng lao động đang giảm dần, Việt Nam đã vượt qua đỉnh dân số vàng (2012-2014), giai đoạn tới dân số già đi khiến tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động giảm đi. Nếu năng suất lao động không tăng thêm để bù đắp, khó đạt tăng trưởng kinh tế 7%.

TS Vũ Thành Tự Anh tại hội thảo. Ảnh: Trung Sơn

TS Vũ Thành Tự Anh tại hội thảo. Ảnh: Trung Sơn.

"Khu vực doanh nghiệp tư nhân rất nhiều về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Nếu không cải thiện, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới không thể sáng sủa", TS Tự Anh nói.

Ông dẫn hàng loạt lý do của bất cập trên như quyền sở hữu chưa được bảo vệ hữu hiệu, bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, nhất là đất đai; sự nhũng nhiễu của bộ máy nhà nước và thiếu vắng các thể chế hỗ trợ thị trường có hiệu quả.

Các yếu tố cản trở khu vực tư nhân theo các chuyên gia, bao gồm năng suất thấp, chi phí lao động tăng, cụ thể tốc độ tăng năng suất lao động chỉ 2,2% nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu tăng 10,2%. 10 năm nữa, chi phí lao động ở Việt Nam sẽ giống như Trung Quốc hiện nay, tức lúc đó, Việt Nam không còn lợi thế lao động nữa.

Chuyên gia này cũng chỉ ra sự thay đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam, khu vực tư nhân và nước ngoài ngày càng đóng vai trò trụ cột, đang chiếm 90% lực lượng lao động, 80% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% GDP và khoảng 65% tổng đầu tư xã hội. Tuy nhiên, khu vực chính thức của kinh tế tư nhân nội địa (750.000 doanh nghiệp) chiếm chưa tới 10% GDP và tỷ trọng thấp ổn định trong 20 năm qua, chưa bằng 1/2 khu vực FDI (chưa tới 20.000 doanh nghiệp), chưa bằng 1/3 của khu vực cá thể.

Việc nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI, theo ông Tự Anh, là điều rất khó chấp nhận bởi nếu muốn tạo ra nội lực. Việt Nam đã rơi vào bẫy của công nghiệp chế tạo chế biến, gia công với giá trị thấp, kỹ năng thấp và rất khó để rút ra.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với dòng vốn FDI có xu hướng rút về các khu vực gần chính quốc nên không thể trông chờ mãi vào việc thu hút vốn FDI. Với sự phụ thuộc vào FDI, 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% lao động và 24% ngân sách. Nghiêm trọng hơn, theo ông Vũ Thành Tự Anh, sự phụ thuộc này không phải ngắn hạn mà có tính cơ cấu, trung hạn và dài hạn vì các doanh nghiệp không kết nối vào được chuỗi giá trị toàn cầu mà chỉ là nơi gia công.

Các mặt hàng xuất khẩu chính như điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính, giày da túi sách nhưng nguyên liệu đầu vào lại đến từ nhập khẩu. "Nếu không giải được bài toán này thì chúng ta mãi mãi là người đi sau, hít khói, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh", ông Tự Anh nói.

Ông đề xuất các giải pháp bao gồm: tăng cường cạnh tranh nội địa, cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế, tăng giá trị nội địa hóa, có cơ sở hạ tầng hiện đại như cảng biển, đường cao tốc, sân bay,...

"Để đạt được tăng trưởng 7% phải có sự thay đổi về thể chế, định hướng thị trường, ưu tiên phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân", ông nói.

Cũng cùng quan điểm cho rằng khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp giá trị khi tạo giá trị cho tiêu dùng và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về tư vấn và đào tạo doanh nghiệp, thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Ông dẫn ví dụ, năng suất lao động thấp do trình độ lao động thấp, khả năng đầu tư của doanh nghiệp hạn chế; hệ số ICOR – hệ số đầu tư tăng trưởng chưa cao; năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân còn hạn chế; khó khăn trong tiếp cận nguồn lực đầu tư như tài chính, tín dụng và cơ cấu sản phẩm, ngành nghề chưa có chiều sâu, có giá trị gia tăng cao.

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thạc sĩ Vũ Tuấn Anh cho rằng cần phải xây dựng thương hiệu và niềm tin quốc gia; hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân; phát triển năng lực hạ tầng cơ sở; thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng công nghệ quốc gia, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy tiêu dùng công...

Cần quyết tâm chính trị để huy động nguồn lực

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM thì nhìn nhận, trong 10 năm tới, nếu Việt Nam không có một quyết tâm chính trị để huy động mọi nguồn lực nội lực và thời đại sẽ không còn cơ hội để phát triển. Dân số Việt Nam sẽ già và không có nước nào dân số già mà phát triển được.

"Hôm nay hoặc không bao giờ, nên cần phải có quyết tâm chính trị. Từ đó mới xử lý vấn đề tiếp theo, mới cân đối nguồn lực. Còn nếu chỉ cân đối theo kiểu liệu cơm gắp mắm, không bao giờ phát triển được", ông Lịch nói.

Nhắc lại thời điểm năm 2011, khi đề ra 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về kết cấu hạ tầng, ông Lịch cho biết tại Quốc hội đã đề xuất xây dựng ngay một đôi đường sắt Bắc - Nam khổ 1.435, tốc độ 160-200 km/h, làm trong 15 năm, mục tiêu đến 2025 khi kỷ niệm 50 năm là hoàn thành bằng mọi nguồn lực.

"Làm được như vậy mới gọi là đột phá, chứ cứ làm được chăng hay chớ, bàn tới bàn lui, không thể gọi là đột phá được", ông Lịch nói.

Ví dụ thêm về việc huy động nguồn lực, ông Tuấn Anh cho rằng nguồn kiều hối gửi về TP HCM mỗi năm đến 4,3 tỷ USD là rất lớn. Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý sẽ là nguồn lực rất lớn để nền kinh tế thành phố phát triển.

"Nếu bây giờ mua một miếng đất ở TP HCM, 5-10 năm sau có lời gấp 2, gấp 3 lần số tiền ban đầu, ai đi bỏ tiền đầu tư xây dựng, vận hành một nhà máy làm gì vì sẽ phải giải quyết bao nhiêu chuyện khác", ông nói.

Trung Sơn (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.